Trung Quốc muốn cấm các công ty có dữ liệu nhạy cảm niêm yết tại Mỹ
Tờ Wall Street Journal đưa tin cơ quan quản lý Trung Quốc đang có kế hoạch cản trở các công ty internet niêm yết cổ phiếu tại Mỹ.
Theo truyền thông quốc tế hôm 27/8, Trung Quốc đang tiếp tục "cải tổ" ngành công nghệ của mình khi đề xuất quy tắc mới cấm các công ty có lượng lớn dữ liệu người tiêu dùng nhạy cảm được công khai phát hành cổ phiếu tại Mỹ.
Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng cơ quan quản lý chứng khoán của Trung Quốc có kế hoạch đề xuất các quy tắc mới nhắm đến các công ty đang muốn niêm yết ở nước ngoài, thông qua các đơn vị bên ngoài Trung Quốc.
Trong khi đó, theo các quan chức Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc, các công ty có dữ liệu ít nhạy cảm hơn, chẳng hạn như các công ty trong ngành dược phẩm, vẫn có khả năng được cơ quan quản lý chấp thuận để niêm yết ở nước ngoài.
Các quy tắc mới này có thể giúp Bắc Kinh kiểm soát cấu trúc phức tạp mà các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc sử dụng để tránh bị hạn chế trong đầu tư nước ngoài. Cụ thể, những "gã khổng lồ" công nghệ của Trung Quốc bao gồm Alibaba, Didi Global và Tencent đã sử dụng cấu trúc gọi là "thực thể lãi suất thay đổi" để thu hút vốn và niêm yết ở nước ngoài.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi các lĩnh vực như internet, viễn thông và giáo dục là nhạy cảm vì những lo ngại về chính trị hoặc an ninh quốc gia. Đây là động thái mới nhất trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiểm soát lĩnh vực công nghệ của nước này.
Tháng trước, Trung Quốc điều tra việc ứng dụng gọi xe Trung Quốc Didi xử lý dữ liệu khách hàng, chỉ vài ngày sau khi ứng dụng này xuất hiện trên phố Wall. Sau đó, công ty dịch vụ cho thuê xe tải Full Truck Alliance và nền tảng tuyển dụng trực tuyến Boss Zhipin cũng gặp sự giám sát của cơ quan quản lý.
Tháng 11/2020, cổ phiếu của các công ty lớn như Alibaba, Tencent và JD.com đều sụt giảm sau khi Bắc Kinh công bố dự thảo kế hoạch “ngăn chặn và chấm dứt các hành vi độc quyền” của các nền tảng internet.