Trung Quốc lắp đặt trạm thời tiết tự động cao nhất thế giới trên đỉnh Everest
(VOVTV) - Ngày 4/5, nhóm thám hiểm khoa học của Trung Quốc đã lên đến đỉnh cao nhất của Everest và lắp đặt thành công trạm thời tiết tự động tại đây.
Ban chỉ huy tiền phương Đại bản doanh của Trung Quốc trên đỉnh Everest ở độ cao 5.200m cho biết, nhóm thám hiểm khoa học nước này đã lắp đặt thành công một trạm quan sát khí tượng tự động ở độ cao hơn 8.800 mét trên đỉnh Everest và trạm thời tiết này đã truyền dữ liệu thời gian thực thành công.
Đây là trạm quan sát thời tiết tự động cao nhất trên thế giới, nặng 50kg. Dữ liệu trạm này đo được đã lấp khoảng trống về những ghi chép khí tượng từ độ cao cực lớn của đỉnh Everest. Đây cũng là trạm thời tiết cuối cùng được lắp đặt trong hoạt động thám hiểm khoa học đỉnh Everest mang tên “Sứ mệnh đỉnh cao” của Trung Quốc.
Kể từ đầu năm đến nay, các nhóm thám hiểm khoa học nước này đã thiết lập liên tiếp 4 trạm thời tiết tự động ở các độ cao 5.200m, 7.028m, 7.790m và 8.300m. Cùng với 3 trạm thời tiết tự động được xây dựng vào năm 2021 ở độ cao 6.500m, 5.800m và 5.400m, một hệ thống trạm thời tiết tự động 7 cấp độ từ 5.200m đến 8.300m đã hoàn thành và đi vào vận hành. Trạm thời tiết ở độ cao 8.830m là mảnh ghép cuối cùng của tổ hợp này. Điều này đồng nghĩa với việc hệ thống quan sát khí tượng theo cấp độ trên đỉnh Everest của Trung Quốc đã bước đầu được thiết lập.
Trong số các trạm này, trạm ở độ cao 5.200m thực hiện truyền dữ liệu qua mạng 4G, các trạm còn lại truyền dữ liệu thời gian thực qua vệ tinh.
Cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng nơi có đỉnh Everest, được mệnh danh là “Nóc nhà của thế giới”, “Tháp nước của châu Á” và “Cực thứ ba của Trái Đất”, cũng là hàng rào an ninh sinh thái quan trọng và cơ sở dự trữ tài nguyên chiến lược của Trung Quốc. Từ quan điểm khí hậu, cao nguyên này là “bộ điều tiết khổng lồ” của gió mùa và gió Tây, có tác động quan trọng đến biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cùng với sự nóng lên của Trái Đất, cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng càng lên cao, nhiệt độ càng tăng. Theo truyền thông Trung Quốc, chuyến thám hiểm khoa học lần này sẽ tiết lộ quy luật thay đổi môi trường ở khu vực có độ cao cực lớn trên đỉnh Everest, các đặc điểm của sự thay đổi nồng độ khí nhà kính và chức năng hấp thụ carbon của hệ sinh thái, cũng như đặc điểm thích ứng với môi trường cực đoan của con người trong bối cảnh khí hậu nóng lên.
Tin nổi bật
Tin Video