Trung Quốc lần đầu tiên hạ tỷ lệ dự trữ ngoại hối chặn đà giảm đồng nhân dân tệ
(VOVTV) - Trong một động thái chưa từng có, Trung Quốc ngày hôm qua (25/4) thông báo sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc đối với các tổ chức tài chính, nhằm chặn đà giảm giữa đồng nhân dân tệ (CNY) và đồng USD.
Theo thông báo vừa công bố, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, tức Ngân hàng Trung ương (PBOC) quyết định hạ tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc của các tổ chức tài chính 1 điểm phần trăm, từ 9% hiện nay xuống 8% kể từ ngày 15/5/2022, nhằm “nâng cao khả năng sử dụng vốn ngoại hối của các tổ chức tài chính”.
Theo tờ Chứng khoán Thượng Hải, đây là lần duy nhất PBOC cắt giảm tỷ lệ dự trữ tiền gửi ngoại hối từ trước đến nay, sau khi CNY giảm liên tục và nhanh chóng.
Thời gian gần đây, thị trường ngoại hối toàn cầu chứng khiến sự biến động mạnh, tỷ giá CNY đã không còn duy trì vị thế mạnh mẽ hồi đầu năm và giảm hơn 1.000 điểm trong tuần trước. Trong bối cảnh tỷ giá biến động dữ dội, PBOC hạ tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc của các tổ chức tài chính, được các chuyên gia nước này đánh giá là mang ý nghĩa tín hiệu tích cực đối với thị trường ngoại hối Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc thực hiện biện pháp chính sách này có thể xoa dịu sự biến động của thị trường ngoại hối bằng cách tác động đến cung cầu và tính thanh khoản của ngoại hối, giảm áp lực mất giá của CNY, đưa tỷ giá của đồng tiền này trở lại mức ổn định cơ bản “cân bằng hợp lý”.
Tính đến 18h00 chiều 25/4, CNY của Trung Quốc đã giảm xuống dưới mốc 6,56 CNY/USD, giảm hơn 600 điểm cơ bản trong vòng 1 ngày, chạm mức thấp mới kể từ tháng 4/2021; CNY ở nước ngoài từng có lúc giảm xuống dưới mốc 6,6 CNY/USD lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020. Tính đến cuối tháng 3, số dư tiền gửi ngoại tệ của Trung Quốc là 1,05 nghìn tỷ USD. Việc giảm tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc từ 9% xuống 8% đồng nghĩa với việc dự trữ của các tổ chức tài chính tại PBOC có thể giảm 10 tỷ USD.
Theo ông Vương Hữu Hâm, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Ngân hàng Trung Quốc, việc giải phóng thanh khoản ngoại hối khoảng 10 tỷ USD có thể giúp cải thiện tình hình cung cầu ngoại hối, phát đi tín hiệu chính sách, đóng vai trò ổn định tỷ giá hối đoái và tâm lý thị trường.
Ông Triệu Khánh Minh, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu đầu tư ngoại hối Trung Quốc cũng cho rằng, việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc có thể làm tăng nguồn cung cho các khoản vay ngoại hối của các tổ chức tài chính, góp phần ổn định tỷ giá CNY.
Trước đó, trong năm 2021, PBOC từng 2 lần nâng tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc của các tổ chức tài chính, mỗi lần lên 2% (từ 5% lên 7% ngày 15/6 và từ 7% lên 9% ngày 15/12), khi đồng CNY đối mặt với áp lực tăng giá./
Tin nổi bật
Tin Video