Tin tức

Trung Quốc khống chế nhanh dịch Covid-19 trong cộng đồng nhờ đâu?

(VOVTV) - Sau hơn một năm rưỡi Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, tình hình dịch của nước này giờ ra sao? Đây có lẽ là thắc mắc của nhiều người khi nhiều nước trên thế giới liên tục bị tấn công bởi các làn sóng dịch mới do biến chủng của SARS-CoV-2 gây ra, trong đó có biến chủng Delta.

21/07/2021 16:48

Trên thực tế, Trung Quốc cũng phải đối mặt với biến chủng Delta, nhưng số ca bệnh ở nước này thường không đáng kể so với phần còn lại của thế giới, nguyên nhân là bởi Trung Quốc về cơ bản vẫn duy trì chiến lược phòng chống dịch như những ngày đầu, thận trọng trong mở cửa biên giới, xét nghiệm định kỳ người có nguy cơ lây nhiễm cao nhằm phát hiện dịch sớm và đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng.

Trung Quốc khống chế nhanh dịch Covid-19 trong cộng đồng nhờ đâu? - Ảnh 1.

Trung Quốc đang nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Tân Hoa Xã

Trung Quốc cũng phải chống chọi với biến thể Delta

Sau một thời gian dài yên ắng dù ngay sát Ấn Độ, hồi cuối tháng 5, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc trở thành địa phương đầu tiên ở nước này bùng phát dịch cộng đồng do chủng Delta.

Chỉ vài ngày sau khi dập tắt thành công đợt bùng phát này, một nhân viên tại sân bay Thâm Quyến lại nhiễm biến chủng virus với khả năng lây truyền rất cao này.

Một ổ dịch mới xuất hiện, với 6 ca lây nhiễm cộng đồng được phát hiện ở Thâm Quyến và Đông Hoản. Tất cả đều có liên quan tới nhân viên sân bay có kết quả dương tính vào ngày 14/6.

Tuy nhiên, đợt dịch bùng phát tại Quảng Châu này chỉ ghi nhận tổng cộng hơn 150 ca bệnh và được khống chế nhanh chóng trong khoảng 2 tuần.

Một đợt dịch khác bùng phát hôm 4/7 tại thành phố Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam, giáp ranh với Myanmar cũng được xác định là có liên quan đến biến thể Delta. Theo số liệu công bố sáng 20/7, lại có thêm 8 ca trong cộng đồng phát hiện tại thành phố này và 57 trường hợp nhập cảnh ở nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc. Tuy nhiên, đến nay, số bệnh nhân Covid-19 bản địa được phát hiện tại Thụy Lệ vẫn chưa vượt quá con số 100.

Xét nghiệm định kỳ đối tượng nguy cơ cao – yếu tố quan trọng phát hiện dịch sớm

Giờ đây, sau khi dịch trong nước cơ bản được kiểm soát, dịch cộng đồng bùng phát ở Trung Quốc đều được nước này xác định là do các trường hợp nhập cảnh hoặc những người có liên quan đến các ca bệnh này gây ra. Xét nghiệm hàng loạt và truy vết tiếp xúc nhanh chóng vẫn được áp dụng và triển khai nhằm ngăn chặn virus lây lan. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm mới là yếu tố then chốt giúp dịch ở nước này được kiểm soát nhanh và bùng phát trong phạm vị hẹp.

Trung Quốc khống chế nhanh dịch Covid-19 trong cộng đồng nhờ đâu? - Ảnh 2.

Một điểm xét nghiệm Covid-19 dành cho lái xe chở hàng ở chợ Tân Phát Địa, Bắc Kinh

Ngay từ hồi tháng 6/2020, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã ban hành "Ý kiến thực hiện việc đẩy nhanh xét nghiệm axit nucleic đối với virus SARS-CoV-2", yêu cầu phải tiến hành xét nghiệm tối đa đối với 8 nhóm đối tượng trọng điểm – những người có nguy cơ cao mắc Covid-19, gồm: người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19, người nhập cảnh, bệnh nhân sốt tại các phòng khám, bệnh nhân mới nhập viện và người đi cùng chăm sóc, nhân viên y tế, nhân viên kiểm dịch tại cảng và nhân viên biên phòng; nhân viên trại giam, nhân viên làm việc tại các cơ sở phúc lợi xã hội, dưỡng lão.

Thực hiện văn bản này, các địa phương ở Trung Quốc đã căn cứ vào tình hình thực tế mở rộng các đối tượng trọng điểm sang cả các nhân viên nhà hàng, quán ăn, siêu thị, chợ dân sinh, những người làm việc liên quan đến thực phẩm đông lạnh...

Chị Hoàng Duy Duy, quản lý một chi nhánh của nhà hàng Tiểu Lam Kình ở thành phố Vũ Hán cho biết: “Những gì trải qua quá đau lòng dù là đối với chính quyền hay chính chúng tôi, do vậy chúng tôi đều có ý thức phòng dịch. Tất cả nhân viên nhà hàng, những người liên quan đến đồ đông lạnh, mỗi tuần đều phải xét nghiệm một lần. Những người làm tại các kho lạnh cũng được chính quyền sắp xếp xét nghiệm mỗi tuần một lần”.

Quận Phổ Đà, thành phố Thượng Hải cũng bắt đầu thực hiện xét nghiệm thường xuyên cho nhân viên trong các ngành sửa chữa, đóng tàu trên các chuyến tàu quốc tế, chế biến thực phẩm trên dây chuyền lạnh... từ cuối tháng 11/2020 vào thứ 3 và thứ 4 hàng tuần.

Quận này cũng phân công nhân viên phụ trách xác định số lượng người làm việc trong các ngành nghề trên và thời hạn xét nghiệm định kỳ cho từng đối tượng, thời gian ngắn nhất là 7 ngày, dài nhất là 28 ngày, sau đó gửi thông báo xét nghiệm đến từng người. Phòng Y tế quận, huyện chịu trách nhiệm lấy mẫu, xét nghiệm và báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý.

Trung Quốc khống chế nhanh dịch Covid-19 trong cộng đồng nhờ đâu? - Ảnh 3.

Chị Hoàng Duy Duy, quản lý một cửa hàng thuộc chuỗi nhà hàng Tiểu Lam Kình, Vũ Hán

Vụ dịch mới nhất công bố chiều 20/7 tại Sân bay quốc tế Lục Khẩu Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc với 9 ca dương tính cũng được phát hiện nhờ một đợt xét nghiệm định kỳ đối với tất cả nhân viên làm việc tại đây.

Bên cạnh việc xét nghiệm định kỳ, xét nghiệm trên diện rộng nhằm nhanh chóng khoanh vùng dịch và phong tỏa cục bộ vẫn là các biện pháp được Trung Quốc thực thi triệt để tại những nơi có dịch cộng đồng.

Thay vì xét nghiệm vài ba lần như trước đây, những vùng dịch gần đây đã tiến hành xét nghiệm đại trà nhiều lần hơn thế. Riêng tại Quảng Châu, bắt đầu từ ngày 21/5, thành phố này đã tiến hành liên tiếp 6 đợt xét nghiệm cho 57,8 triệu người, với quy mô được cho là “lớn nhất toàn cầu” đối với một thành phố.

Tính đến 12/7, thành phố Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam cũng đã tiến hành 8 đợt xét nghiệm đối với các đối tượng trọng điểm sau 9 ngày dịch bùng phát.

E dè mở biên

Mặc dù hơn một năm rưỡi đã trôi qua, song đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức về việc khi nào Trung Quốc sẽ nối lại các chuyến bay với nước ngoài hay cho người dân qua lại thông thương tại các cửa khẩu biên giới trên bộ. Nước này được cho là có thể đóng biên thêm ít nhất một năm do lo ngại về biến chủng SARS-CoV-2, dù họ đã tiêm hơn 1,4 tỷ liều vaccine.

Mới đây, có nguồn tin cho biết, trong một cuộc họp với các quan chức Bộ Ngoại giao, Ủy ban Y tế Quốc gia cùng các cơ quan chính phủ khác hồi giữa tháng 5, Quốc vụ viện Trung Quốc đã tạm ấn định rằng nước này sẽ không mở cửa cho đến nửa cuối năm 2022.

Ông Trương Văn Hồng, chuyên gia nổi tiếng về các bệnh truyền nhiễm của Trung Quốc hồi tháng 6 cũng “hy vọng Trung Quốc có thể nối lại việc đi lại một cách có điều kiện với một số quốc gia trong nửa đầu năm tới”. Tuy nhiên, theo ông, điều này còn tùy thuộc vào tốc độ tiêm vaccine.

Một quan chức giấu tên của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc khi trả lời phỏng vấn mạng Caijing (Tài chính Kinh tế) của nước này cũng tiết lộ, Trung Quốc dự kiến tiêm chủng cho 75-80% dân số vào tháng 10, khi đó, một số "khu vực địa phương" có thể bắt đầu điều chỉnh dần các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của mình.

Có phân tích cho rằng, nếu Trung Quốc quyết định mở cửa, họ trước hết sẽ nới lỏng hạn chế đi lại giữa đại lục với Hong Kong và Macau, hai đặc khu hành chính giáp ranh với tỉnh Quảng Đông. Sau đó sẽ nới lỏng quy định kiểm dịch đối với người đến từ các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao và đã kiểm soát được dịch. Những nước công nhận vaccine của Trung Quốc rất có thể cũng sẽ được xem xét trước.

Tuy nhiên, hiện nay, Trung Quốc vẫn đang cố gắng ngăn chặn các ca Covid-19 ngoại nhập bằng cách chỉ cấp thị thực mới cho những người trong diện cho phép và đã tiêm vaccine Trung Quốc, đồng thời duy trì yêu cầu cách ly tại khách sạn ít nhất 14 ngày, tối đa 21 ngày sau khi nhập cảnh.

Mặc dù Trung Quốc từng lên án một số quốc gia, trong đó có Mỹ áp đặt hạn chế đi lại với nước này sau khi dịch bùng phát ở Vũ Hán cuối năm ngoái, nhưng nay khi đã kiểm soát được dịch trong nước và tình hình trở nên tồi tệ hơn ở nước ngoài, Trung Quốc lại là một trong những quốc gia duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới hết sức nghiêm ngặt.

Tăng tốc tiêm chủng

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Trung Quốc xác định đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng là chìa khóa để các hoạt động trong nước trở lại bình thường và mở cửa biên giới. Là quốc gia có thể tự nghiên cứu và sản xuất vaccine, nước này đang tìm mọi cách để nâng cao tỷ lệ tiêm trong dân. Trong dịp hè, việc phổ cập vaccine đang được tiến hành với đối tượng học sinh từ 3-17 tuổi.

Ở các địa phương được cho là có nguy cơ cao trước các ca nhập cảnh, những thành phố gần biên giới hay các thành phố lớn được xếp vào hạng ưu tiên và có khả năng tiếp cận vaccine rộng rãi hơn, tỷ lệ người tiêm chủng cũng cao hơn so với những địa phương khác. Đã có nhiều tỉnh và thành phố lớn ở nước này đạt tỷ lệ tiêm chủng cao sát mức miễn dịch cộng đồng.

Bắc Kinh đã hoàn thành đủ 2 mũi tiêm cho hơn 90% số người trên 18 tuổi tính đến 16/7. Đảo Hải Nam cũng bắt đầu tiêm chủng đại trà từ tháng 3 nhằm "nhanh chóng xây dựng hàng rào miễn dịch" trước hai sự kiện quan trọng: Diễn đàn Bác Ngao châu Á vào tháng 4 và Triển lãm Hàng tiêu dùng Quốc tế Trung Quốc vào tháng 5. Đến ngày 6/7, tỉnh này đã có hơn 7,3 triệu người, tức 94,7% dân trên 18 tuổi tiêm xong vaccine, chiếm 72,5% dân số, dẫn đầu Trung Quốc.

Tại Thượng Hải, hơn 16,8 triệu người, tương đương trên 67% dân số, cũng đã hoàn thành phác đồ tiêm chủng, tính tới 29/6. Tiếp theo là hai thành phố lớn khác, gồm Hải Khẩu với 61% dân số được tiêm chủng tính đến ngày 21/6, và Thâm Quyến, với 57% dân số, tính đến ngày 26/6.

Dù những thành phố này có tỷ lệ tiêm chủng cao, nhưng họ vẫn duy trì giãn cách xã hội và các quy tắc nghiêm ngặt như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và khai báo y tế, bởi tỷ lệ tiêm ở Trung Quốc không đồng đều, một số nơi mới đạt khoảng 30%.

Giới chuyên gia y tế công cộng Trung Quốc nhấn mạnh, người dân nước này vẫn cần duy trì những biện pháp hạn chế, như kiểm soát chặt chẽ biên giới và giữ quy tắc giãn cách xã hội, nhằm ngăn chặn các đợt bùng phát dịch lớn trước khi đất nước đạt miễn dịch cộng đồng.

Với nguy cơ xuất hiện những biến chủng virus mới có khả năng lây lan mạnh hơn và mức độ bảo vệ chưa được kiểm chứng chính xác trên thực tế của vaccine Trung Quốc, một số chuyên gia y tế công cộng, trong đó có cả chuyên gia Chung Nam Sơn và nhà dịch tễ học Thiệu Nhất Minh từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, đều cho rằng nước này cần tiêm chủng cho 80-85% dân số mới đạt được miễn dịch cộng đồng.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn