Trung Quốc: Hơn 80.000 người ra đầu thú cơ quan kiểm tra kỷ luật kể từ Đại hội 19
(VOVTV) - Theo số liệu mới nhất của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã có 207.000 người đứng đầu các cấp, hơn 60 Ủy viên Trung ương và Ủy viên dự khuyết bị điều tra xử lý trong 10 năm qua, trong khi có hơn 80.000 người đã chủ động ra đầu thú kể từ Đại hội 19.
Phát biểu tại cuộc họp báo trong khuôn khổ Đại hội XX ngày 17/10, ông Tiêu Bồi, Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc cho biết, Báo cáo của Đại hội XX đã đưa ra nhận định quan trọng, cho rằng Trung Quốc đã phát động cuộc chiến chống tham nhũng “chưa từng có trong lịch sử” kể từ khi bước vào thời kỳ mới, đồng thời giành được thắng lợi áp đảo và củng cố một cách toàn diện, về căn bản xoay chuyển được tình trạng quản lý lỏng lẻo, mềm yếu trong Đảng.
Ông khẳng định, “tham nhũng là vấn đề dễ lật đổ chính quyền nhất và chống tham nhũng là cuộc tự cách mạng triệt để nhất.”
Theo số liệu do quan chức này công bố, kể từ Đại hội 18, cơ quan kiểm tra kỷ luật và giám sát Trung Quốc đã lập hồ sơ vụ án gần 4,65 triệu trường hợp, thẩm tra, điều tra 553 cán bộ do Trung ương quản lý, trong đó có 49 Ủy viên Trung ương và Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa 18, 12 Ủy viên Trung ương và Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa 19.
Ông cũng cho biết, trước sức ép to lớn và tác động của chính sách, hơn 80.000 người đã tự nguyện ra đầu thú kể từ sau Đại hội 19.
Trong khi đó, theo ông Từ Khởi Phương, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nước này đã hình thành hàng loạt các biện pháp được ví như những “đòn liên hoàn” để giám sát, quản lý cán bộ.
Ông cho biết, với việc không ngừng hoàn thiện cơ chế báo cáo các vấn đề cá nhân đối với cán bộ lãnh đạo, tỷ lệ kiểm tra bất kỳ đối với đối tượng này hàng năm đã tăng từ 3% lên 5% và 10%.
Tất cả các ứng viên được đề cử vào ban lãnh đạo khóa mới đều bị kiểm tra xác minh. Trước Đại hội XX, việc kiểm tra xác minh cũng đã được tiến hành với toàn bộ các cán bộ do Trung ương quản lý. Trong thời gian tới, việc quản lý giám sát cán bộ sẽ tiếp tục được Trung Quốc thúc đẩy toàn diện và đi vào chiều sâu.
Tin nổi bật
Tin Video