Trung Quốc gieo trồng 'lúa biển' trên diện rộng
(VOVTV) - Sau khi phát triển và trồng thí điểm thành công giống lúa chịu mặn, hay còn gọi là “lúa biển”, nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh đối mặt nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, đến nay, Trung Quốc đã nhân rộng loại lúa này ra hơn 10 tỉnh trên cả nước.
Hôm 22/5 vừa qua, nhiều nơi trên khắp cả nước Trung Quốc như Thiểm Tây, Tân Cương, Sơn Đông đã đồng loạt gieo trồng giống lúa mới chịu kiềm mặn, hay còn gọi là “lúa nước biển”, tức “lúa biển”, nhằm tăng sản lượng với nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh thị trường lương thực toàn cầu ngày càng trở nên bấp bênh.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến cuối năm 2021, Trung Quốc đã có 8 giống lúa chịu mặn được thông qua thẩm định thử nghiệm ở các vùng đất nhiễm phèn cấp quốc gia và diện tích trồng đã đạt 600.000 mẫu (40.000 ha hay 400km2), phân bố ở hơn 10 tỉnh và khu tự trị như Hắc Long Giang, Liêu Ninh, Nội Mông, Tân Cương, Thiểm Tây, Sơn Đông, Giang Tô, Chiết Giang, phủ khắp các loại hình đất nhiễm mặn chính của nước này.
Bà Lưu Giai Âm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa biển Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông cho biết trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc: “Theo số liệu do các chuyên gia của Nhóm hợp tác chịu mặn kiềm toàn quốc thu thập được, hiện nay, năng suất lúa biển bình quân của cả nước đạt 450 kg/mẫu. Ngày 12/10/2021, tại cơ sở lúa biển Đông Doanh (tỉnh Sơn Đông), năng suất trung bình trên mỗi mẫu mà chúng tôi đo được đã vượt 860 kg. Đây là sản lượng cao nhất (trên một đơn vị sản lượng) trên toàn quốc cho đến nay. Năm nay, diện tích lúa biển chúng tôi gieo trồng trên cả nước sẽ vượt 1 triệu mẫu.”
Được phát triển bởi “Cha đẻ lúa lai” Trung Quốc Viên Long Bình, “lúa biển” được đánh giá là một bước đột phá lớn trong nỗ lực tăng sản lượng gạo của Trung Quốc. Theo số liệu thống kê, Trung Quốc hiện có gần 1,5 tỷ mẫu đất nhiễm mặn, trong đó khoảng 340 triệu mẫu có thể tận dụng để trồng lúa nước, dù sản lượng trên mỗi mẫu hiện mới chỉ bằng một nửa sản lượng lúa thông thường.
Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia Trung Quốc, nếu có thể biến 100 triệu mẫu (tức gần 6,7 triệu ha hoặc 67.000 km2) đất ngập mặn thành đất trồng lúa, sẽ đem về tối thiểu 30 triệu tấn gạo. Số gạo này đủ để nuôi 80 triệu người dân Trung Quốc.
Tin nổi bật
Tin Video