Trung Quốc: Đưa các Taskforce vào doanh nghiệp hỗ trợ phục hồi sản xuất
(VOVTV) - Trung Quốc đưa các tổ công tác đặc biệt (Taskforce) hoặc phân công những cá nhân cụ thể đến từng doanh nghiệp để trực tiếp tìm hiểu và nhanh chóng giải quyết những khó khăn mà họ gặp phải trong quá trình khôi phục sản xuất.
Để có thể nhanh chóng nối lại sản xuất hậu đại dịch Covid-19, bên cạnh việc giảm mạnh thuế phí, giãn nợ, giãn thời gian nộp thuế..., một trong những biện pháp được cho là hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là doanh nghiệp lớn mà các địa phương ở Trung Quốc thực hiện, đó là đưa các tổ công tác đặc biệt (Taskforce) hoặc phân công những cá nhân cụ thể đến từng doanh nghiệp để trực tiếp tìm hiểu và nhanh chóng giải quyết những khó khăn mà họ gặp phải trong quá trình khôi phục sản xuất.
Từ câu chuyện của Tesla
Ngày 7/1/2019, Tesla – hãng xe điện nổi tiếng và lớn nhất thế giới của Mỹ đã khởi công một “siêu nhà máy” (Gigafactory) đầu tiên trên thế giới bên ngoài lãnh thổ Mỹ ở ngoại ô Thượng Hải, phá vỡ xu hướng ngày càng tăng của việc duy trì, nâng cao và phát triển sản xuất tại Mỹ theo sáng kiến America First của chính quyền Tổng thống Trump khi đó.
Tesla đã đánh cược 50 tỷ nhân dân tệ (hơn 7 tỷ USD) vào dự án Gigafactory Thượng Hải. Do được tạo điều kiện tối đa từ chính phủ Trung Quốc, công ty này chỉ cần 168 ngày làm việc liên tục để hoàn tất các khâu xin giấy phép đến nối điện cho siêu nhà máy. Khoảng 1 năm sau khi khởi công, tức đầu năm 2020, những mẫu xe điện Tesla Model 3 “Made in China” đã được xuất xưởng và giao đến tay các khách hàng đầu tiên của Trung Quốc.
Cũng vào thời điểm này, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại nước này. Ngày 23/1/2020, Vũ Hán “phong thành”. Với quyết tâm vừa chống dịch vừa vực dậy nền kinh tế đang bị đình đốn, Trung Quốc quyết định cho doanh nghiệp tại các địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch bắt đầu khôi phục sản xuất từ ngày 10/2/2020, tức chưa đến 20 ngày sau đó.
Với chính sách kiểm soát dịch nghiêm ngặt, các doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài ở Trung Quốc luôn phải đối mặt với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp.
Tuy vậy, như nhiều doanh nghiệp chủ chốt khác, từ ngày 10/2/2020, Tesla đã nối lại sản xuất của toàn bộ nhà máy ở Thượng Hải. Đằng sau sự “nhanh chóng và hiệu quả” này là cơ chế “chuyên viên phục vụ phòng chống dịch bệnh và khôi phục sản xuất” do Khu mới Lâm Cảng thuộc Khu thí điểm mậu dịch tự do Thượng Hải - nơi tọa lạc của siêu nhà máy Tesla đưa ra.
Những “chuyên viên” này đã gặp gỡ trước công ty để nắm bắt những khó khăn khi họ phục hồi sản xuất. Ngay lập tức, họ đã nhanh chóng bố trí cho nhà máy của Tesla 2 máy nhiệt kế hồng ngoại, 10.000 chiếc khẩu trang và 600 phòng ký túc xá cho nhân viên, đồng thời trao đổi với 8 công ty trong chuỗi sản xuất của Tesla, bao gồm cả nhà máy cung cấp nguyên vật liệu và các nhà tiêu thụ, đẩy nhanh tiến độ phục hồi sản xuất.
Không chỉ vậy, Khu mới Lâm Cảng còn cử riêng một phụ trách chịu trách nhiệm giải quyết mọi vấn đề liên quan đến Tesla – anh Tôn Tiêu Hòa, Trưởng phòng Đổi mới Công nghệ và Công nghiệp Công nghệ cao thuộc Ban quản lý Khu mới Lâm Cảng.
Từ mùng 8 Tết, tức ngày 1/2/2020, nhận được thông báo về việc phụ trách công tác phòng dịch của Tesla, anh Tôn Tiêu Hòa đã phải có mặt từ 8h sáng tại nhà máy và kết thúc công việc vào 8h tối hàng ngày.
Bà Đào Lâm, Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại của Tesla cho biết: “Khi sản xuất được nối lại, Ban quản lý Khu mới Lâm Cảng đã cử người có mặt thường trực ở nhà máy chúng tôi, những vấn đề phát sinh sẽ được giải quyết nhanh gọn ngay tại chỗ”.
Những “chuyên viên” như anh Tôn Tiêu Hòa ở Khu mới Lâm Cảng có tới hơn 300 người.
Cùng với đó, Tổ công tác (Taskforce) nghiên cứu công tác khôi phục sản xuất tại thành phố Thượng Hải của chính phủ Trung Quốc, do Thứ trưởng Bộ Thương mại kiêm Phó đại diện đàm phán thương mại quốc tế Vương Thụ Văn đã trực tiếp đến làm việc tại Tesla vào giữa tháng 3/2020. Ông đã khẳng định vai trò đầu tàu dẫn dắt trong phục hồi sản xuất của công ty này.
Cuối tháng 4/2020, Bí thư Thành ủy Thượng Hải đã có cuộc kết nối qua video với Giám đốc điều hành của Tesla, tỷ phú Elon Musk, khẳng định thành phố này đang đẩy nhanh tiến độ khôi phục sản xuất và kinh doanh, trong khi vẫn đang làm tốt công tác phòng chống dịch thường xuyên, nhằm khôi phục hơn nữa niềm tin của thị trường và các nhà đầu tư. Ông cũng khẳng định xu hướng phát triển tích cực trong dài hạn của nền kinh tế Trung Quốc và quyết tâm mở cửa rộng hơn với thế giới của nước này là không thay đổi.
Ông mong muốn Tesla sẽ tiếp tục phát triển tại Thượng Hải, đẩy nhanh tiến độ xây dựng giai đoạn 2 của siêu nhà máy, đẩy nhanh việc triển khai trung tâm R&D và nội địa hóa, cũng như đầu tư thêm các mẫu xe và dự án mới phù hợp với nhu cầu của thị trường Trung Quốc.
CEO Elon Musk khẳng định, Tesla sẽ “làm sâu sắc hơn” hợp tác giữa hai bên, tiếp tục mở rộng đầu tư tại Thượng Hải, đẩy nhanh việc sản xuất nội địa hóa, đảm bảo sự ổn định của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng, tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và phục vụ tốt hơn cho thị trường và người tiêu dùng Trung Quốc.
Theo số liệu từ Hiệp hội xe du lịch Trung Quốc, số lượng đăng ký xe của Tesla trong tháng 3/2020 đã tăng lên 12.709 chiếc (tương đương tăng 450%) so với tháng 2 (2.314 xe). Trong đó, có 10.160 chiếc đã được bán.
Năm 2020, 143.800 chiếc xe của Tesla đã được bán tại thị trường tỷ dân, chiếm 29,6% toàn cầu, doanh thu đạt 42,9 tỷ nhân dân tệ (6,662 tỷ USD), tăng 123,6% so với cùng kỳ.
Đến các Taskforce ở khắp các địa phương tại Trung Quốc
Không chỉ Thượng Hải, hàng loạt các tỉnh, thành ở Trung Quốc cũng đã áp dụng các giải pháp tương tự nhằm kịp thời giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp sau khi nối lại sản xuất.
Tại tỉnh Giang Tô, địa phương phát triển công nghiệp hàng đầu nước này, từ ngày 13/3/2020, đã ban hành một văn bản chỉ đạo về việc tiếp tục làm tốt công tác phòng chống dịch, thúc đẩy khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và ổn định ngoại thương, đầu tư nước ngoài. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc “phân vùng phân cấp” trong phục hồi sản xuất, với việc thực thi các chính sách riêng biệt cho từng địa phương dựa trên tình hình dịch bệnh; thiết lập các cơ chế điều phối phục vụ doanh nghiệp; đảm bảo chuỗi cung ứng thông suốt; hỗ trợ doanh nghiệp thu mua vật tư phòng dịch và giải quyết vấn đề thiếu nhân công; hỗ trợ tài chính, cắt giảm thuế phí...
Từ ngày 27/2/2020, thành phố Thai Châu, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, đã cử 37 nhóm công tác gồm hơn 200 cán bộ tỏa đi khắp cả nước nhằm giúp doanh nghiệp tìm nhân công. Để thu hút nhân lực ở 37 thành phố điểm đến, Thai Châu đã đưa ra chính sách “Năm một”, gồm một vị trí việc làm, một vé tàu xe miễn phí, một mã sức khỏe, một bảo hiểm phòng dịch và một chính sách hỗ trợ (tức chính sách ưu đãi thu hút nhân lực, những nhân công mới đến làm lần đầu được hỗ trợ ngay 2000 nhân dân tệ, tức hơn 7 triệu đồng Việt Nam).
Hay như quận Vũ Thanh thuộc thành phố Thiên Tân đã thành lập 127 tổ công tác xuống làm việc trực tiếp tại 572 doanh nghiệp có quy mô tại địa bàn, hỗ trợ và hướng dẫn “một kèm một”, nỗ lực thúc đẩy việc nối lại sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp. Tổ công tác gồm 3 người, 1 tổ trưởng, 1 chuyên viên hướng dẫn phòng dịch, 1 chuyên viên phục vụ doanh nghiệp. Mỗi tổ phụ trách khoảng 5 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, chính quyền quận còn thành lập 5 tổ phục vụ hướng dẫn lưu động, gồm cán bộ Phòng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, Phòng Nhân sự và An sinh Xã hội, Phòng Giao thông, Phòng Thương mại, Phòng Khẩn cấp và Ủy ban Y tế, tiến hành kiểm tra, đôn đốc công việc đối với các tổ công tác làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp.
Cục Xúc tiến Đầu tư thành phố Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc, vào cuối tháng 2/2020, cũng cử 15 tổ công tác xuống phục vụ cho hơn 900 doanh nghiệp nước ngoài tại địa bàn, nhằm hiểu rõ hơn những vấn đề mà các công ty có vốn đầu tư nước ngoài gặp phải và nhu cầu phát triển khi phục hồi sản xuất, giúp các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề tồn tại theo dạng thức “P2P” mang tính mục tiêu rõ ràng.
“Chúng ta phải thâm nhập sâu vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đối với những doanh nghiệp chưa hoạt động trở lại, phải tìm hiểu nhu cầu của họ và những vấn đề cụ thể ảnh hưởng việc nối lại sản xuất... Đối với các công ty đã hoạt động trở lại, tập trung tìm hiểu nhu cầu về chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng, giúp họ giải quyết và tích cực triển khai xúc tiến đầu tư chuỗi công nghiệp”, ông Trương Quân, Phó Tổng thư ký kiêm Giám đốc Cục Xúc tiến Đầu tư thành phố Tế Nam cho biết.
Với sự nỗ lực của các địa phương, theo số liệu do ông Tông Trường Thanh, Vụ trưởng Vụ Đầu tư nước ngoài, Bộ Thương mại Trung Quốc, tính đến 30/3/2020, tức chỉ 1 tháng 20 ngày sau khi các doanh nghiệp ở Trung Quốc được phép phục hồi sản xuất, trong khi Vũ Hán vẫn chưa được dỡ bỏ phong tỏa, 66,9% trong số 8.756 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trọng điểm của nước này đã khôi phục trên 70% công xuất.
Riêng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, có tới hơn 70% doanh nghiệp phục hồi trên 70% năng lực sản xuất; khoảng 60% doanh thu của doanh nghiệp dịch vụ đạt trên 70% mức doanh thu bình thường. 238 trong số 241 dự án có vốn đầu tư nước ngoài quy mô lớn ở Trung Quốc đã hoạt động trở lại và đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Tin nổi bật
Tin Video