Trung Quốc: Địa phương đầu tiên cấm xe xăng và việc hiện thực hóa giấc mơ xe điện
(VOVTV) - Cùng với các nước phát triển như Anh, Pháp, Trung Quốc đang tăng tốc trong tiến trình chuyển đổi sang xe điện. Tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc đã trở thành địa phương đầu tiên ở nước này đưa ra lộ trình cấm xe chạy bằng xăng vào năm 2030, theo “Phương án thực hiện đạt đỉnh carbon” vừa được chính quyền tỉnh này công bố ngày 22/8.
Tỉnh Hải Nam có thể xem là mô hình thí điểm trong lộ trình của Trung Quốc loại bỏ xe chạy bằng động cơ đốt trong trong một vài thập kỷ tới, tiến tới mục tiêu tiết kiệm năng lượng, giảm nhập khẩu xăng dầu và giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi sự chuyển đổi sâu rộng đối với ngành công nghiệp ô tô ở Trung Quốc, bởi mục tiêu cấm xe xăng trong tương lai gần cũng nhiều chông gai ngay cả ở các thị trường đã phát triển.
Cấm xe chạy xăng – xu thế không thể đảo ngược ở Trung Quốc
Từ năm 2017, Trung Quốc đã lên kế hoạch cấm hoàn toàn ô tô chạy bằng xăng và diesel nhưng chưa đưa ra lộ trình cụ thể.
Đến tháng 9/2020, là quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới, Trung Quốc đã đưa ra cam kết đạt đỉnh phát thải CO2 trước năm 2030 và trung hòa carbon trước năm 2060.
Cuối năm 2020, chính phủ nước này đã đưa ra mục tiêu tới năm 2025, cứ 5 ô tô mới bán ra thị trường sẽ có 1 xe thuộc dòng năng lượng mới - gấp hơn 4 lần năm 2020.
Hồi đầu năm 2022, mục tiêu đến năm 2025 doanh số bán xe năng lượng mới sẽ đạt khoảng 20% tổng doanh số bán xe mới, tiếp tục được nhắc đến trong một chương trình tổng thể về tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) của chính phủ Trung Quốc.
Tháng 4/2022, BYD, hãng sản xuất xe điện hàng đầu nước này, chính thức tuyên bố dừng sản xuất xe chạy bằng xăng và diesel từ tháng 3. Một số hãng xe nội địa lớn khác, như BAIC Group hay Changan Auto, cũng đặt lộ trình chấm dứt hoàn toàn việc bán các phương tiện chạy bằng nhiên liệu truyền thống vào năm 2025.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Changan Auto Chu Hoa Vinh mới đây cho biết, năm 2021, chỉ còn 85 thương hiệu xe chạy bằng nhiên liệu truyền thống trên thị trường Trung Quốc. Ông nhận định, trong vòng 3-5 năm tới, 80% các thương hiệu xe chạy bằng nhiên liệu của Trung Quốc sẽ đóng cửa, ngừng sản xuất, sáp nhập hoặc chuyển đổi mô hình.
Có thể thấy, để thực hiện cam kết và mục tiêu giảm phát thải, thúc đẩy phát triển xanh và chất lượng cao, cũng như nâng cấp ngành công nghiệp ô tô, việc loại bỏ xe sử dụng động cơ đốt trong ra khỏi thị trường đã trở thành xu thế không thể đảo ngược ở Trung Quốc.
Tuyên bố mới đây của tỉnh Hải Nam về việc cấm hoàn toàn việc bán các loại xe chạy bằng xăng vào năm 2030 có thể được coi là phát súng đầu tiên của tiến trình rút hoàn toàn các phương tiện chạy bằng nhiên liệu truyền thống ra khỏi thị trường nước này, mà theo một báo cáo nghiên cứu của Trung Quốc dự báo, là có thể vào trước năm 2050.
Hải Nam đang làm gì để có thể loại bỏ xe xăng/diesel vào năm 2030
Trên thực tế, không phải bây giờ Hải Nam mới đề ra mục tiêu này. Ngay từ tháng 3/2019, chính quyền địa phương này đã công bố “Quy hoạch phát triển phương tiện năng lượng sạch tỉnh Hải Nam”, trong đó đề ra mục tiêu “cấm bán xe chạy bằng nhiên liệu” trong toàn tỉnh vào năm 2030, trở thành tỉnh đầu tiên ở Trung Quốc đưa ra thời gian biểu cho việc cấm xe chạy bằng xăng.
Tháng 3/2022, Sở Công nghiệp và Công nghệ Thông tin tỉnh Hải Nam đã ban hành “Một số biện pháp khuyến khích sử dụng xe năng lượng mới năm 2022”, nhằm đẩy nhanh việc nhân rộng sử dụng loại xe này và đảm bảo tỷ lệ xe năng lượng mới trong số xe tăng thêm của tỉnh đạt hơn 30% trong năm nay.
Theo số liệu của tờ Nhật báo Hải Nam ngày 24/7, trong 6 tháng đầu năm, số xe năng lượng mới được đưa vào sử dụng ở tỉnh này đã đạt 38.100 chiếc, hoàn thành 76,28% tiến độ cả năm là 50.000 chiếc, tăng 133% so với cùng kỳ. Tỷ lệ xe năng lượng mới trong số xe tăng thêm đạt 37,93%, cao hơn 18 điểm phần trăm so mức bình quân chung của cả nước Trung Quốc.
Tính đến cuối tháng 6, số xe năng lượng mới ở tỉnh Hải Nam đã đạt 159.000 chiếc, chiếm 8,91% tổng số phương tiện, cao hơn 5,7 điểm phần trăm so với mức trung bình của cả nước, tỷ trọng vượt qua Thiên Tân và Bắc Kinh, chỉ đứng sau Thượng Hải và đứng thứ hai trong các khu vực cấp tỉnh. Đây chính là những tiền đề quan trọng để tỉnh này về đích đúng thời hạn.
Trung Quốc tiếp tục gia hạn các biện pháp trợ cấp xe điện
Để khuyến khích ngành công nghiệp xe năng lượng mới (NEV) phát triển, những năm qua Trung Quốc đã tăng cường đầu tư, cải thiện cơ sở vật chất, đột phá về công nghệ và hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trước hết, về mặt cơ chế chính sách, cuộc họp Thường trực Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc vừa tổ chức ngày 18/8 đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện chính sách miễn thuế mua xe năng lượng mới cho người tiêu dùng, vốn sẽ hết hạn vào cuối năm nay sau 2 lần gia hạn, đến hết năm 2023. Dự kiến số thuế được miễn vào khoảng 100 tỷ nhân dân tệ (gần 15 tỷ USD).
Cuộc họp này cũng quyết định tiếp tục duy trì sự ổn định của các chính sách hỗ trợ khác đối với việc tiêu thụ xe năng lượng mới, tiếp tục miễn thuế phương tiện, tàu thuyền và thuế tiêu thụ, hỗ trợ về quyền đi đường (ví dụ xe năng lượng mới được phép ra đường vào những ngày xe chạy bằng xăng mang biển số có đuôi tương tự bị cấm) và chỉ tiêu về bốc thăm biển số (ở Trung Quốc để có được biển số xe phải quay số bốc thăm, có người phải đợi cả chục năm mới có biển số xe). Đẩy mạnh việc xây dựng các trạm sạc điện và đưa việc làm này vào phạm vi hỗ trợ chính sách về tài chính.
Tính đến cuối năm 2021, Trung Quốc đã xây được hơn 2,6 triệu trạm sạc, tăng hơn 70% so với cùng kỳ. Tháng 1/2022, Trung Quốc cũng ban hành hướng dẫn về cải thiện hơn nữa các phương tiện sạc cho xe điện, cam kết sẽ thiết lập một hệ thống sạc có khả năng đáp ứng nhu cầu của hơn 20 triệu xe năng lượng mới vào cuối năm 2025.
Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trong ngành công nghiệp xe năng lượng mới ở Trung Quốc cũng tăng mạnh. Năm 2021, 520 công ty niêm yết trong ngành này đã tiết lộ dữ liệu đầu tư cho R&D là hơn 255 tỷ nhân dân tệ (hơn 37 tỷ USD). Đối chiếu với 291 công ty niêm yết có dữ liệu so sánh trong năm 2012, tổng vốn đầu tư cho R&D năm 2021 đạt 208,661 tỷ nhân dân tệ, tăng 299,80% sau 10 năm.
Đến nay, sản lượng và doanh số xe năng lượng mới của Trung Quốc đã vượt 3,5 triệu chiếc vào năm 2021, đứng đầu thế giới trong 7 năm liên tiếp. Mặc dù vậy, ngành ô tô năng lượng mới của nước này cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức, như công nghệ cốt lõi liên quan đến pin xe điện và nguyên liệu chế tạo pin, số lượng trạm sạc, chính phủ sẽ chấm dứt các chính sách trợ cấp trong khi ngành công nghiệp xe năng lượng mới chưa đủ lớn mạnh hay thị trường phát triển thiếu cân bằng... Những điều này đòi hỏi Trung Quốc phải tái cấu trúc hoạt động của ngành để tạo nên các công ty với quy mô lớn và tình hình kinh doanh lành mạnh hơn, đảm bảo đi đúng định hướng trong công cuộc cải tổ của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.