Trung Quốc công bố kế hoạch hành động tiết kiệm lương thực
(VOVTV) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn và tài nguyên ngày càng khan hiếm, chính phủ Trung Quốc ngày 1/11 đã công bố một bản kế hoạch hành động kêu gọi người dân tiết kiệm lương thực để đảm bảo nguồn cung trong nước ổn định.
Văn bản vừa được Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc công bố. Trong đó, yêu cầu người dân tiết kiệm lương thực trong mọi khâu từ sản xuất, chế biến, vận chuyển đến tiêu dùng, đồng thời sử dụng các phương tiện kỹ thuật để tăng cường hơn nữa an ninh lương thực, đảm bảo cung cấp đủ lương thực cho 1,4 tỷ dân. Văn bản cũng yêu cầu các ngành, các địa phương ở nước này kết hợp tình hình thực tế thực hiện nghiêm kế hoạch đề ra.
Liên quan đến việc “ngăn chặn lãng phí trong khâu tiêu dùng ăn uống”, kế hoạch đã đưa ra các yêu cầu cụ thể, như khuyến khích hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ động nhắc nhở người tiêu dùng gọi suất ăn vừa phải và chủ động cung cấp các dịch vụ như “khẩu phần ăn nhỏ”. Khuyến khích phát giác các hành vi lãng phí của chủ kinh doanh dịch vụ ăn uống qua đường dây nóng.
Cơ quan Đảng, chính quyền các cấp, các doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp tăng cường hiệu quả công tác quản lý ăn uống đối với các hoạt động chiêu đãi, hội họp, tập huấn và các hoạt động chính thức khác. Nghiêm cấm tổ chức tiệc, ăn uống linh đình dưới danh nghĩa hội họp, tập huấn...
Tăng cường quản lý bữa ăn học đường, tăng cường kiểm tra nhà ăn, thực hiện chế độ ăn uống tập trung và thầy cô ăn cùng học sinh đối với các trường tiểu học, trung học cơ sở và mẫu giáo.
Hỗ trợ tận dụng tài nguyên và xử lý vô hại rác thải nhà bếp thông qua đầu tư từ ngân sách trung ương và phát hành trái phiếu xanh doanh nghiệp, thu hút sự tham gia tích cực của các nguồn vốn trong xã hội.
Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả các khâu trong chuỗi công nghiệp lương thực của Trung Quốc đạt hiệu quả rõ rệt trong việc giảm thất thoát lương thực; cơ bản thiết lập một hệ thống cơ chế, tiêu chuẩn và giám sát đối với việc giảm thất thoát lương thực, đồng thời thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của phong trào “vét sạch bát đĩa”.
Năm ngoái, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng ra chỉ thị, hối thúc việc thông qua lập pháp và giám sát ngăn chặn tình trạng lãng phí thực phẩm, đồng thời nhấn mạnh phải luôn nhận thức được các nguy cơ về an ninh lương thực.
Mặc dù, Trung Quốc tuyên bố đã có 18 năm liên tiếp bội thu lương thực với sản lượng nhiều lần lập kỷ lục, song các quan chức nước này dường như vẫn lo ngại về việc giảm sản lượng lương thực trong tương lai.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông trong nước mới đây, người đứng đầu Văn phòng Tiểu tổ lãnh đạo công tác nông thôn Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết, nhu cầu lương thực ở nước này hiện đang tăng mạnh, những hạn chế về tài nguyên và môi trường ngày càng nghiêm trọng, thêm vào đó là tác động của đại dịch Covid-19 toàn cầu và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, khiến việc đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng thực phẩm ngày càng trở nên khó khăn.
Là nước tiêu thụ lương thực lớn nhất thế giới, Trung Quốc liên tục phải gia tăng nhập khẩu lương thực. Theo số liệu của hải quan nước này, từ tháng 1-9/2021, Trung Quốc đã nhập khẩu 24,93 triệu tấn ngô, chiếm 19,44% tổng lượng nhập khẩu lương thực, tăng 274,5% so với cùng kỳ; đại mạch nhập khẩu 8,61 triệu tấn, tăng 85,5% so với cùng kỳ; cao lương nhập khẩu 7,35 triệu tấn, tăng 110,2% so với cùng kỳ.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, vấn đề an ninh lương thực luôn là rất quan trọng đối với một quốc gia có tới 1,4 tỷ người, đặc biệt là khi chính quyền trung ương nước này nhấn mạnh việc thiết lập một mô hình phát triển mới, lấy trọng tâm là tuần hoàn trong nước, trong đó bao gồm cả giải quyết vấn đề mất an toàn trong cung cấp lương thực.