Trung Quốc: Chính sách 'Không COVID' tạo bong bóng tăng trưởng cho lĩnh vực y tế, công nghệ và xây dựng
(VOVTV) - Chính sách “Không COVID” của Trung Quốc nhằm giám sát, xét nghiệm và cách ly để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, song tạo ra những “bong bóng tăng trưởng” trong các lĩnh vực y tế, công nghệ và xây dựng.
Chính phủ Trung Quốc chi hơn 52 tỷ USD trong năm nay cho việc xét nghiệm, xây dựng cơ sở y tế mới, mua thiết bị giám sát dịch và các biện pháp khác chống COVID-19. Chính việc này đã đem lại lợi nhuận cho 3.000 công ty.
Ông Yanzhong Huang, chuyên gia y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR, một trong những trung tâm tham vấn uy tín nhất nước Mỹ về chính sách ngoại giao), cho biết: “Tại Trung Quốc, các công ty cung cấp dịch vụ xét nghiệm và liên quan đã thu lời lớn vì cách tiếp cận dựa trên ngăn chặn mà chính phủ nước này áp dụng để chống COVID-19”.
Trung Quốc hướng tới việc lập các cơ sở xét nghiệm trong vòng bán kính 15 phút đi bộ cho mọi người ở các thành phố lớn và tiếp tục áp dụng quy định xét nghiệm hàng loạt ngay khi có dấu hiệu nhỏ bùng phát dịch. Hãng Pacific Securities (có trụ sở tại Hong Kong) ước tính điều này đã tạo một thị trường trị giá 15 tỷ USD/ năm cho các nhà sản xuất và cung ứng bộ xét nghiệm.
Lợi nhuận quý I/2022 của tập đoàn Dian (có trụ sở tại Hàng Châu), một trong các nhà sản xuất bộ xét nghiệm y tế lớn nhất Trung Quốc, đã tăng gấp đôi. Doanh thu của công ty tăng 60%, đạt 690 triệu USD, gần 1/2 trong số này là từ dịch vụ xét nghiệm hoàn toàn được chính phủ chi trả.
Trong khi đó, đối thủ của họ là công ty Adicon Holdings đã nhận được khoảng 300 triệu USD hầu hết là tiền mua bộ xét nghiệm do nhà nước chi trả trong năm 2020 và 2021.
Công ty TNHH Công nghệ Y tế Runda Thượng Hải đã sản xuất 400.000 bộ xét nghiệm mỗi ngày vào tháng 4, giữa lúc phong tỏa kéo dài gần 2 tháng ở Thượng Hải, thu về hơn 30 triệu USD/tháng.
Đối với Trung Quốc, chính sách “Không COVID” đóng vai trò rất quan trọng để bảo vệ người dân và ngăn hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia rơi vào tình trạng quá tải. Có ít dấu hiệu cho thấy sự nới lỏng phong tỏa ngay cả khi chi phí kinh tế gia tăng.
Các chỉ số mới cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã suy yếu đáng kể từ tháng 3. Chi tiêu tiêu dùng, việc làm, xuất khẩu và doanh số bán nhà đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt khiến đường cao tốc và các cảng tắc nghẽn, nhiều nhà máy buộc phải đóng cửa.
Nhiều chuyên gia kinh tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay, đề cập đến những rủi ro bao gồm chính sách "Không COVID". Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 còn 4,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức 5,5% mà Chính phủ Trung Quốc đề ra.
Tin nổi bật
Tin Video