Trung Quốc cấm phim hoạt hình có nội dung bạo lực
Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (NRTA) ra thông báo cấm các bộ phim hoạt hình có nội dung bạo lực, tình tiết không chuẩn mực.
Ngày 25/9, trang 163 đưa tin Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc đã ra thông báo, yêu cầu các cơ quan cung cấp dịch vụ nghe nhìn trên Internet, phải tuân thủ nghiêm các quy định về nội dung của phim hoạt hình.
Những hệ lụy từ phim hoạt hình có nội dung chưa chuẩn chỉnh
Tối 24/9, bộ phim hoạt hình Ultraman Tiga bị gỡ khỏi các nền tảng xem trực tuyến, khiến khán giả hoang mang. Kênh CCTV4 của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đã điểm danh 21 tác phẩm hoạt hình bị các bậc phụ huynh báo cáo vì chứa nhiều tình tiết không phù hợp với trẻ em, có thể gây nên ảnh hưởng xấu, dễ tác động khiến khán giả nhỏ tuổi có hành vi phạm tội.
Danh sách này có phim Thám tử lừng danh Conan, Chú gấu Boonie, Heo Peppa, Re:Zero - Bắt đầu lại ở thế giới khác, Đấu phá thương khung, Toàn chức cao thủ, phim hoạt hình đam mỹ (tình yêu đồng tính nam) Thiên quan tứ phúc, Ma đạo tổ sư...
Nhiều phim hoạt hình bị cơ quan quản lý nghệ thuật Trung Quốc xếp vào dạng nguy hại
Tháng 4, Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã ban hành Báo cáo điều tra về việc tiêu thụ an toàn đối với phim hoạt hình dành cho trẻ vị thành niên. Trong đó, điều tra 21 tác phẩm và phát hiện 1.465 chi tiết có liên quan đến tội phạm bạo lực, hành động nguy hiểm, vi phạm luật quảng cáo, tiếp thị...
Theo Tân Hoa Xã, hồi tháng 2, đã có một trẻ em 8 tuổi bung dù nhảy từ trên tầng cao xuống dẫn đến gãy xương. Năm 2018, một bé gái học theo phim hoạt hình chơi trò leo núi bị ngã tử vong...
Theo báo cáo của Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Giang Tô, những khiếu nại của người dân về tính an toàn trong các bộ phim hoạt hình ngày càng tăng. Trong năm 2020, có hơn 17.800 ý kiến từ dư luận về việc phim hoạt hình vi phạm sự phát triển an toàn của trẻ vị thành niên, ở tỉnh Giang Tô.
Báo cáo chỉ ra có hơn một nửa trong số 21 tác phẩm hoạt hình kể trên có chứa yếu tố tội phạm bạo lực ở các mức độ khác nhau. Ngoài ra, còn có các cảnh khiến khán giả nhỏ tuổi dễ bắt chước, đem lại sự nguy hiểm, như trong Peppa Pig có cảnh mở cửa máy bay, phim khác có cảnh múc nước ở bồn cầu uống.
Ngoài ra có 123 cảnh liên quan đến bóng tối, kinh dị... Theo Sina, tác phẩm nổi tiếng Thám tử lừng danh Conan từng bị đánh giá là "kích động bạo lực".
Bà Hà, một phụ huynh ở Liên Vân Cảng, Giang Tô nói với 163: "Phim hoạt hình ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển nhận thức của trẻ em. Liệu chúng ta có thể kiểm soát nó chặt chẽ được không? Tôi hy vọng nội dung các bộ phim tích cực hơn, có thông điệp về văn hóa truyền thống, ít cảnh hành động nguy hiểm".
"Hiện tại, rất dễ dàng để xem phim hoạt hình trên Internet. Bạn có thể xem được cả những nội dung nên và không nên. Trẻ em đang trong độ tuổi phát triển rất dễ bị kích động, tò mò bởi những nội dung khiêu dâm bạo lực, vì vậy, chính quyền phải có sự giám sát chặt chẽ", một phụ huynh khác ở Nam Kinh chia sẻ.
Giáo sư Lý Xuyên của Đại học Luật, Đại học Đông Nam cho biết: "Chất lượng của các bộ phim hoạt hình là vấn đề nhức nhối lâu dài trong việc bảo vệ trẻ vị thành niên".
Ngăn chặn nội dung xấu, phân loại rõ độ tuổi xem phim hoạt hình
Trong thông báo của NRTA, các tác phẩm dành cho trẻ em phải có nội dung đặc sắc, giúp hình thành nhận thức "chân, thiện, mỹ" của trẻ nhỏ.
Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc kiên quyết chống lại việc sản xuất những nội dung bạo lực, máu me, khiêu dâm thô tục...
"Trẻ em và thanh thiếu niên là nhóm khán giả chủ yếu của phim hoạt hình. Do đó, các đơn vị sản xuất phải thiết lập 'kênh dành cho trẻ em' và 'khu vực đặc biệt dành cho thanh thiếu niên', chuẩn hóa hơn nữa nội dung chương trình, tối ưu hóa việc lên lịch phát sóng, tạo không gian cho sự phát triển lành mạnh của thanh thiếu niên", Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc viết.
"Xây dựng một 'tường lửa' cho trẻ vị thành niên là điều cần thiết", báo cáo điều tra viết.
Ngoài ra, các đơn vị cung cấp dịch vụ nên phân loại rõ hơn nội dung của tác phẩm, tích cực sản xuất những phim có nội dung mang tính tích cực.
Theo báo cáo của Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Giang Tô, các bậc phụ huynh mong muốn con sẽ được xem những nội dung truyền tải quan điểm về nhận thức đúng - sai, thiện - ác, tôn trọng người già, yêu trẻ nhỏ, nội dung về đạo đức công lý, sự dũng cảm...