Tin tức

Trung đội trưởng trung đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh: 'Đã xác định lái xe vào chiến trường, chỉ một sống hai chết'

(VOVTV) - Bà Lê Thị Hải Nhi, Trung đội trưởng của Trung đội lái xe quân sự mang tên Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Hạnh năm xưa cho biết, ngày đầu ôm vô lăng dọc ngang tuyến lửa Trường Sơn, bà mới 22 tuổi.

Tác giả Anh Văn / VOVTV
23/03/2021 16:32

Theo giấy mời, chương trình giao lưu và tham quan không gian trưng bày "Một thời sôi nổi" 8 giờ 30 mới bắt đầu nhưng ngay từ 7 giờ bà Lê Thị Hải Nhi (sinh năm 1946) – Trung đội trưởng của Trung đội lái xe nữ Nguyễn Thị Hạnh đã có mặt tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. 

Chia sẻ với phóng viên VOVTV, bà Nhi cho biết, đây là lần đầu tiên có cơ hội được đến thăm Nhà tù Hỏa Lò, đồng thời háo hức để gặp lại đồng đội cũ nên bà đã bắt xe lúc 6 giờ sáng từ Mê Linh (Hà Nội) sang đây.

Trung đội trưởng trung đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh: 'Đã xác định lái xe vào chiến trường, chỉ một sống hai chết' - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Hải Nhi – Trung đội trưởng của Trung đội lái xe nữ Nguyễn Thị Hạnh

Bắt đầu tham gia thanh niên xung phong đi khai hoang, làm tuyến đường Yên Bái – Lào Cai từ ngày 20/8/1964, sau đó bà Nhi chuyển về công tác tại sân bay Yên Bái.

Tết Mậu Thân 1968, chiến sự trên các mặt trận ngày càng ác liệt, Mỹ huy động lượng lớn máy bay đánh phá các con đường trọng điểm trên chiến trường, nhu cầu cung cấp nhân lực, vật lực cho miền Nam trở nên cấp bách. Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559) khi ấy được giao nhiệm vụ phải tăng khối lượng chi viện gấp hai lần thời gian trước đó.

Trung đội trưởng trung đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh: 'Đã xác định lái xe vào chiến trường, chỉ một sống hai chết' - Ảnh 2.

7 chiến sĩ Trung đội lái xe nữ Nguyễn Thị Hạnh tham quan không gian trưng bày "Một thời sôi nổi" tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Lái xe nam không đủ, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 giao nhiệm vụ cho Binh trạm 9, Binh trạm 12 tuyển gấp một số nữ thanh niên xung phong, lập đội lái xe vận tải tuyến hậu phương để hỗ trợ các khu vực cửa khẩu. Bà Lê Thị Hải Nhi là một trong những cô gái trạc tuổi đôi mươi được tuyển chọn và gửi đi đào tạo cấp tốc.

Trải qua khóa huấn luyện 45 ngày tại Nghệ An, Thanh Hóa, đến ngày 18/12/1968, tại vùng rừng núi thuộc xã Hưng Phổ (Hương Khê, Hà Tĩnh), trung đội nữ lái xe mang tên nữ anh hùng Nguyễn Thị Hạnh ra đời với quân số 40 chiến sĩ.

Bà Lê Thị Hải Nhi – Trung đội trưởng của Trung đội lái xe nữ Nguyễn Thị Hạnh cho biết: "Trong số 40 chiến sĩ, nếu ai có tay lái tốt thì một mình lái một xe, còn tay lái yếu sẽ là hai chị em một xe. Tôi là một trong số những người có tay lái vững, được đi một mình, thường là chở nhu yếu phẩm hoặc xăng dầu".

Tuy là thân con gái nhưng bà cùng 39 chiến sĩ còn lại của Trung đội lái xe nữ Nguyễn Thị Hạnh luôn trong tâm thế vững vàng, đã xác định lái xe vào trong chiến trường chỉ "một là sống, hai là chết."

Trung đội trưởng trung đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh: 'Đã xác định lái xe vào chiến trường, chỉ một sống hai chết' - Ảnh 3.

Những người đồng đội năm xưa tay bắt mặt mừng, cùng nhau ôn lại kỷ niệm của một thời

"Khi chia tay nhau ở bến phà Địa Lợi (Hương Thuỷ, Hương Khê, Hà Tĩnh), các nam chiến sĩ đi vào chiến trường còn chị em ở lại lái xe cũng có những hẹn ước, lời tỏ tình, nhưng tất cả đều bảo nhau rằng đến khi đất nước thống nhất, hòa bình lặp lại thì sẽ gặp lại nhau", bà Nhi kể tiếp.

Trung đội trưởng trung đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh: 'Đã xác định lái xe vào chiến trường, chỉ một sống hai chết' - Ảnh 4.

Chiếc xe Gat không kính quen thuộc của bà Nhi và đồng đội tại chiến trường

Đội nữ lái xe Trường Sơn có nhiệm vụ chở lương thực, thuốc men, súng ống, đạn dược từ Vinh (Nghệ An) theo các tuyến đường 12, 15, 18, 20, 22 vào đến bờ bắc sông Gianh (Quảng Bình). Giao hàng xong, họ lại chở thương binh, cán bộ từ miền Nam ra Bắc an dưỡng, học tập. Có lúc nhận nhiệm vụ đặc biệt, đội lái xe phải đi sâu vào chiến trường, sang đất bạn Lào.

Năm 1975, nhiệm vụ hoàn thành, bà Lê Thị Hải Nhi về lái xe cho Thương nghiệp Hà Đông và về hưu năm 1990. Trong quãng thời gian này, bà lập gia đình, sinh sống tại Văn Quán (Xã Văn Khê, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội).

Sau khi lập gia đình, bà sinh được 3 người con trai nhưng vì mắc bệnh hiểm nghèo nên 2 người đã mất. "Đứa còn lại là con thứ hai, cháu cũng đã lập gia đình và hiện đang làm nghề tự do tại Mê Linh", bà Nhi nói.

Trung đội trưởng trung đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh: 'Đã xác định lái xe vào chiến trường, chỉ một sống hai chết' - Ảnh 5.

Bà Lê Thị Hải Nhi tin rằng thế hệ trẻ sẽ tiếp nối và còn làm tốt hơn những gì bậc cha chú đã làm được trước đây

Chia sẻ cảm xúc khi có mặt tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, bà Nhi bồi hồi: "Tôi cảm thấy rất xúc động khi hôm nay có mặt tại đây, gặp lại những đồng đội năm xưa để cùng nhau chia sẻ những kỷ niệm hào hùng với thế hệ trẻ. 

Đến đây, được xem lại những hình ảnh được các cháu tái hiện lại bằng chính niềm tự hào, ngưỡng mộ đối với bậc cha chú, anh chị đi trước, chúng tôi tin rằng, các cháu đoàn viên thanh niên chắc chắn sẽ còn làm được nhiều điều lớn lao góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày một giàu đẹp".

Ý kiến của bạn