Tin tức

Trung Bộ bước vào mùa mưa lũ, các địa phương chủ động ứng phó

(VOVTV) - Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khu vực từ Thanh Hóa trở vào đến Bình Thuận đã bắt đầu vào mùa mưa lũ chính trong năm.

Tác giả PV/Tổng hợp
13/10/2023 19:39

Dự báo, trong những ngày tới khu vực Trung bộ sẽ chịu ảnh hưởng của một số hình thế gây mưa lớn. Trong đó, từ nay đến ngày 13 tháng 10 mưa lớn sẽ diễn ra ở khu vực Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế với tổng lượng mưa dự báo từ 100mm đến 300 mm.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia lưu ý, từ ngày 14 đến ngày 20/10, mưa lớn tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp, phụ thuộc vào cường độ của không khí lạnh và vị trí của dải hội tụ nhiệt đới.

Trung Bộ bước vào mùa mưa lũ, các địa phương chủ động ứng phó - Ảnh 1.

Thừa Thiên Huế: Mưa lớn diễn biến phức tạp, người dân chủ động ứng phó

Mưa lớn tiếp tục diễn ra diện rộng tại tỉnh Thừa Thiên Huế gây ngập nhiều nơi ở vùng trũng thấp, nhiều tuyến giao thông bị chia cắt do nước dâng cao. Chính quyền địa phương cử các lực lượng túc trực hướng dẫn người và phương tiện tránh lưu thông trên những đoạn ngập sâu nguy hiểm, chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở.

Mưa lớn đang diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Lệnh vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện Hương Điền với lưu lượng tăng dần. Theo đó, hầu hết các địa phương vùng hạ du đã thông báo đến người dân chủ động kê dọn đồ đạc, chuẩn bị lương thực, thực phẩm ứng phó mưa lũ.

Ở vùng thường xảy ra ngập lụt nên phương án “4 tại chỗ” được chính quyền địa phương và bà con nhân dân khu vực hạ du sông Bồ chủ động triển khai ứng phó. Bà con làng xóm giúp đỡ nhau kê dọn đồ đạc, thóc lúa.

Diễn biến mưa lũ tại tỉnh Thừa Thiên Huế rất phức tạp. Mưa cường suất lớn vùng đồng bằng đã gây ngập úng, ngập lụt các tuyến nội đô thành phố Huế và các xã thuộc các huyện Phong Điền, Phú Lộc Quảng Điền và thị xã Hương Trà, Hương Thuỷ. Tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các địa phương, đơn vị sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó ngập lụt, sạt lở; không được chủ quan, lơ là, nhất là vào thời điểm ban đêm.

Quảng Nam: Chủ động ứng phó với mưa lũ

Tại khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam, mưa kéo dài khiến nước các sông dâng cao, nguy cơ ngập lụt cục bộ tại một số khu dân cư, sạt lở đất trên các tuyến đường huyết mạch. Các địa phương miền núi chủ động lên phương án ứng phó, triển khai phương châm “4 tại chỗ”, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Cứ vào mùa mưa lũ, khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam lại đối mặt với nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, cô lập dài này. Các địa phương đã dự trữ lương thực, đảm bảo sử dụng trong thời gian giao thông bị chia cắt, bố trí lực lượng tại chỗ sẵn sàng hỗ trợ sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn.

Theo dự báo, từ trưa và chiều 13/10 đến ngày 17/10, các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sẽ xuất hiện một đợt lũ. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi; ngập úng tại các vùng thấp trũng ven sông và các khu tập trung đông dân cư.

Quảng Bình: Kích hoạt tổ xung kích tại chỗ ứng phó mưa lũ

Tỉnh Quảng Bình đã thành lập các Đội xung kích tại chỗ cấp cơ sở, kịp thời hỗ trợ nhân dân ứng phó khi mưa lũ xảy ra. Trong trường hợp ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây chia cắt địa bàn, các lực lượng bên ngoài không thể đến kịp để cứu nạn thì lực lượng tại chỗ giúp người dân thực hiện 4 tại chỗ để ứng phó.

Trung Bộ bước vào mùa mưa lũ, các địa phương chủ động ứng phó - Ảnh 2.

Các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình nằm cách trung tâm xã 8 km. Để vào các bản này, chỉ có 1 tuyến đường. Khi mưa lớn xảy ra, các bản dễ bị cô lập, chia cắt vì con đường ngập nước. Đóng quân trên địa bàn 3 bản này có Đồn Biên phòng Cà Xèng. Lực lượng Bộ đội Biên phòng được huy động hỗ trợ, giúp đỡ người dân di dời người và tài sản, ứng cứu khi có các sự cố ngập lụt, sạt lở núi trong thời điểm các lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận hiện trường. Thiếu tá Đinh Tiến Trung, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết, để khắc phục tình trạng ngập cục bộ trên tuyến đường khi mưa lớn, trước mùa mưa, Đồn đã huy động cán bộ, chiến sĩ khơi thông dòng chảy nhằm giảm thiểu tình trạng ngập lụt, chia cắt dài ngày.

Huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình có hơn 70 điểm sạt lở đất, lũ ống, lũ quét nguy hiểm tại 14 xã, thị trấn. Gần 2.000 người dân trong diện di dời nếu mưa, lũ lớn kéo dài. Đặc biệt, xã biên giới Dân Hóa, huyện Minh Hóa là nơi có nhiều điểm sạt lở, dễ bị ngập lụt, gây chia cắt khi mưa lớn, lũ từ ở thượng nguồn đổ về các khe suối ngầm tràn. Để kịp thời ứng phó với thiên tai, lực lượng xung kích của xã này túc trực 24/24 vào thời điểm mưa lớn, không cho người dân qua lại tại các ngầm tràn. Khi các bản làng bị chia cắt thì đây cũng là lực lượng tiếp cận đầu tiên để hỗ trợ người dân, thực hiện các phương án di dời.

Hiện nay, 149 xã, phường, thị trấn tại tỉnh Quảng Bình đã kiện toàn, thành lập các Đội xung kích Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã, thị trấn, mỗi Đội từ 60- 90 thành viên. Lực lượng này bám sát địa bàn và phát huy hiệu quả công tác cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ nhân dân ngay tại cơ sở. Ông Trần Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, dự báo mưa lớn dài ngày trong thời gian tới, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình sẵn sàng phương án ứng phó với từng loại hình, cấp độ thiên tai lũ lụt, sạt lở đất đối với từng địa bàn cụ thể.

Ý kiến của bạn