Tin tức

Trồng chuối xuất khẩu trên đất cao su, doanh nghiệp thắng lớn

(VOVTV) - Nhiều năm qua, lợi nhuận từ cây cao su đã giảm đi so với trước. Mất lợi thế cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp cao su đã mạnh dạn chuyển sang trồng chuối thay thế. Lợi nhuận thu về từ những dự án trồng chuối cho thấy đây là một trong những xu hướng phù hợp với tình hình thực tế.

Tác giả Nguyễn Quang / VOV TPHCM
26/03/2021 21:49

Bước đi táo bạo

Trong những năm gần đây, ngành cao su đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bởi lợi nhuận kinh tế từ cao su mang lại thấp, kéo theo đời sống người trồng cao su gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng trên, năm 2017, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng (Bình Dương) quyết định thay thế cây cao su bằng trồng cây chuối. Để có bước đi táo bạo này, Cao su Dầu Tiếng chủ động hợp tác cùng Công ty CP Nông nghiệp U&I (Unifarm) theo mô hình liên doanh liên kết thực hiện dự án trồng 117ha chuối cấy mô trên đất nông trường cao su Thanh An tại xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng. 

Dự án được áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến trong sản xuất chuối như: Cáp chống đổ, hệ thống cáp tải thu hoạch chuối, nhà xưởng, băng tải vận chuyển, chuyền chuối, đóng gói, kho đông lạnh… qua đó đã nâng cao chất lượng chuối từ khâu thu hoạch tới khâu xuất khẩu.

Trồng chuối xuất khẩu trên đất cao su, doanh nghiệp thắng lớn - Ảnh 1.

Hiệu quả từ việc chủ động chuyển sang trồng chuối cấy mô giúp mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với cây cao su

Ông Nguyễn Ngọc Cường, Phó Ban điều hành dự án chuối Thanh An, cho biết, sau 3 năm triển khai đã cho thấy thành công bước đầu. Chuối thành phẩm thu hoạch sau khi được sơ chế và đóng gói được đem xuất khẩu vào các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… Lợi nhuận từ cây chuối đem lại đạt từ 50-60 triệu đồng/ha/năm so với chỉ từ 1 đến 6 triệu đồng/ha từ cây cao su. Năm 2020, doanh thu từ chuối ước đạt hơn 63 tỷ đồng, lợi nhuận thu về khoảng 6,5 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Ngọc Cường cho biết thêm: "Chúng tôi đang tiếp tục triển khai trồng ở nông trường Minh Tân với 1.063ha. Năm nay triển khai trước 194ha. Chủ yếu ở Minh Tân tập trung cho xuất khẩu, còn tại Thanh An những hàng không đạt xuất khẩu thì đối tác họ bao tiêu tiêu thụ trong nước. Những hàng đủ tiêu chuẩn thì tập trung xuất đi nước ngoài".

Việc chuyển đổi cây trồng không chỉ giải quyết được bài toán kinh tế cho công ty mà còn góp phần giải quyết một số vấn đề về an sinh xã hội tại địa phương; ổn định việc làm cho hơn 300 lao động với tiền lương bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng. 

Trồng chuối xuất khẩu trên đất cao su, doanh nghiệp thắng lớn - Ảnh 2.

Dự án đã ổn định việc làm hơn 300 lao động, với tiền lương bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng

Anh Thạch Út, công nhân làm việc tại dự án này cho biết: "Khi dự án này mở ra đã tạo công việc làm ổn định cho người dân nơi đây, cũng khá đông bà con làm, người bản xứ cũng có và người đồng bào cũng có. Ở đây độ tuổi và trình độ cũng không yêu cầu quá cao, khu dự án riêng nhà đóng gói của mình giải quyết được 70 lao động. Tính toàn khu thì có hơn 300 lao động".

Linh hoạt trong kinh doanh

Ông Lê Văn Vui, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long (Bình Phước), chia sẻ, trong những giai đoạn giá cao su giảm tính cạnh tranh, doanh nghiệp này bắt đầu thử mô hình trồng xen canh chuối già Nam Mỹ giữa các lô cao su trong giai đoạn kiến thiết cơ bản luôn mang lại hiệu quả cao nhất. Hiện mô hình này mang lại lợi nhuận từ 3-4 triệu đồng/ha. Thời điểm thuận lợi có thể đạt 5 triệu đồng/ha. Riêng đối với các dự án trồng chuối chuyên canh, lợi nhuận cố định hàng năm khoảng 40 triệu/ha, cao hơn nhiều lần so với cây cao su.

Không chỉ chuyển đổi sang trồng chuối, hiện nhiều doanh nghiệp cao su đang trong quá trình chuyển hướng từ trồng cao su sang trồng các loại cây ăn trái khác như mít, bưởi da xanh… phát triển nông nghiệp công nghệ cao. 

Đến nay, Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) đã có hai khu nông nghiệp công nghệ cao, 13 dự án trên tổng diện tích hơn 4.370ha được phê duyệt. Hiện đã có 5 dự án triển khai, với diện tích 586ha để trồng nhiều chủng loại nông sản, như: chuối, sachi, dưa lưới, bưởi da xanh, các loại cây có múi khác… Trong đó cây chuối luôn là cây chủ lực với 403ha (chiếm 82,9%). Hầu hết các dự án đều thực hiện bằng hình thức liên doanh liên kết có thời hạn trung bình khoảng 10 năm, riêng dự án trồng chuối cấy mô tại Dầu Tiếng có thời gian 20 năm.

Trồng chuối xuất khẩu trên đất cao su, doanh nghiệp thắng lớn - Ảnh 3.

Chuối thành phẩm thu hoạch sau khi được sơ chế và đóng gói được đem xuất khẩu vào các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia…

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng cho biết: "Từ năm 2021-2025, đơn vị sẽ dành trên 1.200ha ha tại nông trường Minh Tân và Long Hoà phát triển chuối cấy mô tại đó. Về đầu ra, việc bao tiêu sản phẩm đã có đã cùng với một đối tác của Bình Dương có ký hợp tác vào có kế hoạch giao các sản phẩm chuối cho tập đoàn Dole".

Việc chuyển đổi mô hình canh tác kết hợp các mô hình liên kết để tranh thủ kinh nghiệm, công nghệ, thị trường, vốn của đối tác là bước đi đúng đắn, tiến tới làm chủ công nghệ, thâm nhập thị trường, cho thấy sự linh hoạt trong kinh doanh của nhiều đơn vị thành viên thuộc VRG. Sự chủ động ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thị trường tạo đà mở rộng tìm kiếm đối tác cùng hợp tác phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao trong tương lai.

Ý kiến của bạn