Trở lại trường kiểu kỳ dị: Học tại lớp buổi sáng, chiều về nhà trực tuyến
Hà Nội chưa cho mở bán trú, trường dạy học trực tiếp một buổi, online một buổi không chỉ khiến học sinh mệt mỏi mà còn gây bất tiện trong việc đưa đón cho phụ huynh.
Từ hôm qua (8/2), học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trên địa bàn Hà Nội đã đến trường học trực tiếp. Hà Nội yêu cầu các trường dạy trực tiếp 1 buổi/ngày, không tổ chức bán trú, căng-tin ăn uống. Nhiều trường cho học bán trú trước đây giờ chia học ở trường một buổi, còn một buổi về nhà học online. Việc này không chỉ khiến học sinh mệt mỏi, ảnh hưởng chất lượng học mà còn khiến phụ huynh ức chế vì phải bỏ việc đón con.
'Thà học online còn hơn'
11h15, anh Nguyễn Trọng Quân (39 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) xin nghỉ làm sớm, vội vã rời cơ quan đến trường đón cậu con trai lớp 7 tan học sau buổi đầu tiên đến trường. Nơi anh làm việc cách trường con khoảng hơn 20 phút di chuyển nên phải đi thật nhanh để kịp giờ tan học.
"Theo kế hoạch, học sinh lớp 7 - 12 tại các vùng xanh, vùng vàng trên toàn thành phố đi học trực tiếp sau hơn 9 tháng nghỉ dịch ở nhà. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT Hà Nội quy định chỉ học 1 buổi trực tiếp, các trường không tổ chức bán trú, việc này gây khó khăn, xáo trộn cho tôi và nhiều phụ huynh ở các trường tư thục", anh Quân nói.
Cháu nhỏ nhà anh Quân học lớp 7 tại quận Hai Bà Trưng và cháu lớn học lớp 10 ở quận Hoàng Mai. Ông bà nội ở quê chưa lên, gia đình không yên tâm cho con tự đi học bằng xe bus hay xe đưa đón của trường, nên hai vợ chồng phải phân chia nhau mỗi người một cung đường đi đón con rồi về chuẩn bị bữa trưa.
"Kỳ dị nhất là trường chỉ tổ chức học nửa buổi trực tiếp, nửa buổi còn lại học online. Trong khi đó, các con kết thúc 5 tiết học trực tiếp buổi sáng ở trường đã 11h45, di chuyển về nhà ăn uống chưa kịp nghỉ ngơi là phải bật máy tính lên để kịp 13h30 vào giờ học online chiều. Nếu đã mở cửa thì nên 100% học trực tiếp. Việc kết hợp nửa nọ nửa kia chỉ khiến cho học sinh mệt mỏi hơn cả học online như trước mà chất lượng chưa chắc tốt hơn", phụ huynh bức xúc.
Đồng cảnh ngộ, gia đình chị Lê Thanh Tú (43 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) "loạn như cào cào" ngay trong ngày đầu hai con đi học trở lại. Một cháu học lớp 11 ở quận Hoàn Kiếm, một bé học lớp 7 ở quận Đống Đa, buổi sáng chồng chị phải đưa hai con đi học từ 6h hơn cho đúng giờ vào lớp. Trong lúc đó, chị ở nhà tranh thủ nấu sẵn bữa trưa.
Chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng là vậy nhưng đến trưa, cả hai con cùng tan học lúc 11h30, chồng không kịp đón đứa nhỏ nên chị Thanh chạy từ cơ quan đi đón. Về đến nhà, gia đình ăn uống xong cũng hơn 13h, vợ chồng chị lại vội vàng đi làm, các con chuẩn bị vào tiết học online buổi chiều. "Cả nhà 4 người chưa ai kịp nghỉ ngơi giây phút nào đã phải tất tả vào việc buổi chiều. Mở cửa trường kiểu này, thà học online còn hơn", chị than thở.
Trước đây, trường có bán trú, phụ huynh chỉ đưa con đến trường vào buổi sáng và đón vào cuối chiều, phù hợp với thời gian đi làm và tan ca. Các con sẽ ăn và nghỉ trưa tại trường để tiếp tục các tiết học buổi chiều. Nay các trường chưa tổ chức bán trú, phụ huynh phải tất tả đón con sau giờ học buổi sáng khiến công việc không thể đảm bảo.
"Tôi lo nhất là sức khoẻ và tinh thần của các con. Trái ngược cảm xúc với ngày đi học đầu tiên, sáng nay con bắt đầu uể oải không muốn đến trường. Con gái tôi hỏi sao không được học online cả ngày hả mẹ. Sáng đến trường, chiều về nhà vẫn học online. Tôi không biết giải thích với con ra sao", phụ huynh chia sẻ và hy vọng các trường sẽ sớm tổ chức bán trú và 100% học trực tiếp để trẻ được đến trường bình thường như trước đây.
'1 buổi/ngày để tránh lây nhiễm là vô nghĩa'
Ông Nguyễn Khánh Chung, Hiệu trưởng trường THCS - THPT Ban Mai (Hà Nội) cho biết, theo kế hoạch học sinh khối lớp 7 đến lớp 12 đi học trở lại từ 8/2. Khác với trường THCS và THPT công lập, các trường tư thục phần đa đều tổ chức học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, do Sở GD&ĐT Hà Nội quy định chỉ được phép học trực tiếp 1 buổi/ngày, nên buộc các trường phải triển khai dạy 5 tiết học trực tiếp buổi sáng và 3 tiết học online vào buổi chiều để đảm bảo tiến độ chương trình học.
Quy định này không ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Bởi trong thời gian nghỉ dịch, trường vẫn duy trì việc dạy online và đảm bảo chất lượng, đến nay học sinh, giáo viên đều thành thục phương pháp học này. Mặt khác, trường cũng duy trì hoạt động xe đưa đón học sinh nên phần đa phụ huynh không bị xáo trộn và mất công đưa đón.
"Tuy nhiên, khi các em kết thúc tiết học thứ 5 là lúc 11h30, cộng thêm thời gian di chuyển về nhà, ăn uống buổi trưa sẽ rất cập rập, không có khoảng nghỉ ngơi trước khi bắt đầu tiết học buổi chiều. Đây là điều bất cập và khiến học sinh vất vả", ông Chung nói và cho biết, nhà trường tính toán phương án giãn tiết học đầu tiên của buổi chiều từ 13h30 lên 14h để học sinh có thời gian nghỉ ngơi, đảm bảo sức khoẻ.
Ông cho rằng, đây chỉ là phương án tạm thời. Nhà trường hy vọng Hà Nội sớm thay đổi quyết định, cho các trường tổ chức bán trú, cho phép học cả ngày để thuận tiện cho phụ huynh, giáo viên và học sinh hơn.
Cô Nguyễn Thị Hiền, trường Đoàn Thị Điểm thẳng thắn, Hà Nội quy định "không tổ chức bán trú, học trực tiếp 1 buổi/ngày để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19" nhiều bất cập và gây khó khăn cho phụ huynh.
"Học 1 buổi hay 2 buổi, nguy cơ lây nhiễm là như nhau. Nếu không may gặp F0, chỉ cần tiếp xúc gần 15 phút, trong phòng kín thì vẫn có khả năng lây nhiễm cao, chưa nói đến việc trẻ ngồi học cùng nhau, vui đùa, nói chuyện cả buổi. Do đó, việc cho học 1 buổi/ngày để tránh nguy cơ lây nhiễm trong trường học là vô nghĩa", bà nói.
Theo bà, Sở GD&ĐT Hà Nội cần tính toán lại quy định này để phụ huynh, nhà trường và học sinh không vất vả khi thích ứng trạng thái bình thường mới. "Trong thời gian chờ quy định mới, trường đã tính toán chuyển các môn học Mỹ thuật, Thể dục, Hoạt động ngoại khoá, Nhạc... xuống buổi chiều dạy online, ưu tiên môn học Toán, Văn, tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý, Hoá học, Sinh học, Vật lý dạy trực tiếp buổi sáng", Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đoàn Thị Điểm nói.
Hà Nội quá dè chừng mở cửa trường
TS Nguyễn Kim Huệ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thẳng thắn: “Hà Nội đang quá dè chừng khi mở cửa trường học. Quy định không tổ chức bán trú, chỉ học 1 buổi/ngày gây nhiều bất tiện, khó khăn cho phụ huynh trong việc đưa đón. Mặt khác học sinh di chuyển đi lại nhiều, giờ học trực tiếp buổi sáng và học online buổi chiều sát nhau cũng rất mệt mỏi, không hiệu quả, tạo tâm lý chán nản”.
Bà cho rằng, trước khi học sinh đến lớp, nhà trường đều yêu cầu theo dõi sức khoẻ, tự test SARS-CoV-2, em nào biểu hiện bất thường thì nghỉ ở nhà. Cùng với đó là các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt như đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, không tụ tập đông… nguy cơ lây nhiễm rất thấp.
“Việc các trường tổ chức học nửa buổi không có nghĩa giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Nếu không may có F0 thì tiếp xúc gần 15 phút là lây nhiễm. Như vậy, học nửa ngày, nghỉ nửa ngày để tránh lây nhiễm là không thuyết phục”, TS Huệ nói và cho rằng, Hà Nội cần nghiên cứu lại vấn đề này, tránh cứng nhắc mà gây khó khăn cho phụ huynh.
Bộ GD&ĐT sẽ họp bàn với Hà Nội
Liên quan đến vấn đề học bán trú của học sinh, Tại Hội nghị giao ban báo chí đầu Xuân Nhâm Dần 2022 hôm 8/2, Thứ trưởng GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, ngày 9/2, Bộ sẽ làm việc với TP Hà Nội, cùng đưa ra hướng giải quyết mới, không cứng nhắc và thích ứng với điều kiện bình thường mới. "Khi các em trở lại trường, chúng ta hãy đặt cương vị của phụ huynh, nhất là gia đình có các em nhỏ, tiểu học mầm non. Nếu các em học nửa ngày, bố mẹ đi đón sẽ ảnh hưởng tới giờ làm", Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Minh cũng dẫn chứng TP.HCM, thời gian đầu không tổ chức bán trú với lý do đảm bảo an toàn chống dịch nhưng hiện nay đã tổ chức bình thường, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, giáo viên, phụ huynh.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng bày tỏ, mở cửa trường học và giữ cho trường học luôn mở cửa là ưu tiên hàng đầu vì ngày càng nhiều bằng chứng chỉ ra rằng với những biện pháp phòng ngừa thích hợp, rủi ro về sức khỏe đối với trẻ em và nhân viên giáo dục có thể được giảm thiểu.
Khảo sát, tham vấn ý kiến của các chuyên gia y tế và giáo dục cũng như lắng nghe ý kiến của học sinh, sinh viên cho thấy, việc học ở nhà quá lâu để lại nhiều hệ lụy, tác động tới tâm lý, thể chất của các em, tác động tới cả chất lượng dạy và học.
Nhằm đánh giá tình hình tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, ngày 9/2, Bộ GD&ĐT tạo sẽ tổ chức 6 đoàn kiểm tra do bộ trưởng, các thứ trưởng làm trưởng đoàn khảo sát thực tế tình hình mở cửa trường học tại các địa phương, cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến đại học.
Khoảng 17 triệu học sinh và trẻ mầm non đến trường học trực tiếp từ ngày 7/2. Trong đó, 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh THCS, THPT đi học trực tiếp bắt đầu trong khoảng thời gian từ ngày 7 đến ngày 14/2. 60/63 tỉnh, thành phố lên kế hoạch đưa học sinh bậc mầm non, tiểu học quay trở lại trường học trực tiếp trong tháng 2. 100% các trường đại học, cao đẳng đã lên kế hoạch cho sinh viên, học viên đi học trở lại trong tháng 2.
Tin nổi bật
Tin Video