'Trò đùa' Dogecoin trở thành kênh đầu tư 90 tỷ USD như thế nào?
Xuất phát từ một meme trên mạng xã hội vào những năm trước, ngày nay Dogecoin trở thành trò đùa đắt đỏ nhất thế giới với giá trị thị trường lên tới 90 tỷ USD.
Theo Bloomberg, chỉ một năm trước, vốn hóa thị trường của Dogecoin chỉ ở mức 315 triệu USD và bị nhiều người xem là "vô lý", "nực cười". Tuy nhiên, đà thúc đẩy mạnh mẽ của thị trường và sự xuất hiện của ngày càng nhiều những nhà đầu tư mạo hiểm đã đẩy giá trị đồng tiền kỹ thuật số này tăng vọt, trở thành một trong những đồng tiền mã hóa nổi bật nhất thế giới trong năm qua.
Đầu tháng 4, vốn hóa thị trường Dogecoin cán mốc 90 tỷ USD. Ít ai ngờ xuất phát từ một trò đùa nổi tiếng trên mạng xã hội, Dogecoin lại nhận được ủng hộ đông đảo và trở thành kênh đầu tư kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư mạo hiểm.
Từ trò đùa mạng trở thành kênh đầu tư chục tỷ USD
Năm 2013, hai kỹ sư phần mềm Billy Markus và Jackson Palmer đã tạo ra một token kỹ thuật số lấy hình ảnh của loài chó Shiba Inu, vốn đang là một meme phổ biến trên Internet lúc bấy giờ. Có thể nói, Dogecoin đơn giản là một loại tiền điện tử với hình ảnh đại diện là chú chó Shiba Inu nổi tiếng.
"Tôi tạo ra Dogecoin có phần vô tư. Nhưng thật kỳ lạ là thứ tôi vô tình tạo ra trong vài tiếng đồng hồ lại trở thành một phần của văn hóa Internet ngày nay", tác giả Billy Markus nói với Bloomberg.
Khi làn sóng giao dịch tiền điện tử tăng mạnh trong năm ngoái, Dogecoin trở thành một kênh đầu tư thú vị. Ông Sam Bankman-Fried, nhà sáng lập sàn giao dịch phái sinh tiền điện tử FTX, cho biết sau khi ứng dụng Robinhood hạn chế giao dịch cổ phiếu GameStop trong sự kiện đẩy giá điên cuồng của cư dân mạng, dòng tiền hàng trăm triệu USD đã đổ vào Dogecoin.
Ngày 20/4, Dogecoin chứng kiến đợt tăng giá mạnh chưa từng có. Người ủng hộ Dogecoin quyết định ăn mừng #DogeDay, cuồng nhiệt nâng giá đồng tiền điện tử lên đến gần 1 USD. Theo CoinGecko.com, nhóm nhà đầu tư đã thành công nâng giá đồng tiền này lên mức kỷ lục 0,41 USD trong cùng ngày.
Sự ủng hộ của các nhà đầu tư cá nhân trên các nền tảng truyền thông xã hội như Reddit, Discord cũng như Twitter đã thổi giá của loại tiền mã hóa này lên mức cao kỷ lục.
Dữ liệu từ CoinDesk cho thấy Dogecoin tăng vọt hơn 8.038% trong năm nay. Có thời điểm, Dogecoin chạm ngưỡng cao nhất khoảng 72 cent/đồng, đưa giá trị thị trường của đồng tiền kỹ thuật số lên gần 90 tỷ USD. Sự tăng vọt về giá Dogecoin cũng tạo ra một vài triệu phú trên giấy tờ.
Trên đà tăng vọt của Bitcoin, giá các loại tiền điện tử khác gia tăng mạnh mẽ và Dogecoin cũng không ngoại lệ. Khi giá của một Bitcoin vào tháng 4 là hơn 60.000 USD thì việc sở hữu một Dogecoin chỉ với 0,4 USD đã hấp dẫn nhiều nhà đầu tư mạo hiểm.
Dogecoin tăng trưởng vượt bậc hơn hầu hết loại tài sản khác trên thị trường. Trên thực tế, 1.000 USD đầu tư vào Dogecoin vào đầu năm sẽ có giá trị hơn 68.500 USD vào tháng 4 năm nay.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng điều gì tồn tại càng lâu trong thế giới tiền điện tử thì sẽ càng có uy tín. Được thành lập vào năm 2013, Dogecoin được xếp vào hàng "lâu năm" trong giới tiền điện tử.
Những rủi ro
Nhiều người nổi tiếng và giới tỷ phú cũng bày tỏ sự quan tâm đối với "trò đùa" Dogecoin. Elon Musk - ông chủ hãng xe điện Tesla và tỷ phú Mark Cuban - chủ sở hữu Dallas Mavericks liên tục nhắc tới Dogecoin trong các cuộc thảo luận trên tài khoản Twitter cá nhân.
Tuy nhiên, chính Musk cũng là người khiến giá Dogecoin sụt giảm mạnh khi gọi đồng tiền mã hóa là một "sự hối hả" trong một chương trình mà Musk tham gia hồi tháng 5.
Nhờ sự ủng hộ của cá tỷ phú mà Dogecoin có nhiều ứng dụng thực tiễn hơn. Người sở hữu Dogecoin có thể mua hàng hóa của Dallas Mavericks bằng chính loại tiền này. Một sự kiện phóng vệ tinh lên mặt trăng gần đây của SpaceX - một công ty khác của Musk - cũng được tuyên bố thanh toán bằng Dogecoin.
Tuy nhiên, cũng như bao đồng tiền điện tử khác, Dogecoin vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi cho đến hiện tại. Nhà đầu tư, đặc biệt những người không có nhiều hiểu biết về tiền điện tử, có thể cháy tài khoản khi liều lĩnh tham gia vào thị trường đầy biến động này.
Bên cạnh đó, vì xuất phát từ ý tưởng ban đầu thiếu nghiêm túc, Dogecoin không sở hữu những khía cạnh kỹ thuật mạnh mẽ như những loại tiền điện tử khác. Đồng tiền này đang thiếu nhiều khoản tài trợ để nâng cao chất lượng và tính bảo mật phần mềm. Vì vậy, người sở hữu Dogecoin có thể đối mặt với rủi ro về bảo mật hệ thống blockchain và lừa đảo cao.
Mặt khác, quá trình thu hút nhà đầu tư không thể diễn ra trong sớm chiều. Ông Konstantin Richter, nhà sáng lập công ty cung cấp hạ tầng blockchain Blockdaemon, cho biết lộ trình phát triển phần mềm của Dogecoin đang được giới đầu tư quan tâm đông đảo. Tuy nhiên, Dogecoin có thể mất thêm nhiều thời gian để thật sự gây ấn tượng với giới đầu tư toàn cầu.