Trò chơi 'bên miệng hố chiến tranh' của ông Putin và thông điệp ngầm gửi đến Mỹ
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang đỉnh điểm khi quân đội Ukraine hạ lệnh sẵn sàng chiến đấu, còn Nga tăng cường triển khai binh lực sát biên giới Ukraine.
Trò chơi “bên miệng hố chiến tranh” của ông Putin
Trong bối cảnh các luận điệu đe dọa, cáo buộc và những động thái quân sự xung quanh Ukraine ngày càng gia tăng, các chính trị gia phương Tây lo ngại về nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh giữa hai nước, đồng thời hối thúc Tổng thống Putin “giảm leo thang căng thẳng”. Nhưng Nga đã từ chối.
Bộ Quốc phòng Nga tuần này khẳng định rằng, các động thái quân sự của họ là nhằm phản ứng trước các cuộc tập trận mang tính chất “đe dọa” của NATO tại châu Âu. Ngay sau đó, ông Putin đã nhận được một cuộc điện đàm từ Nhà Trắng.
“Trong trò chơi 'miệng hố chiến tranh' của Tổng thống Putin, Tổng thống Biden là người chớp mắt trước”, nhà báo Konstantin Eggert nhận xét sau khi ông Biden có cuộc điện thoại đầu tiên tới Điện Kremlin và đề xuất gặp ông Putin “trong những tháng tới”. Cuộc điện đàm này diễn ra chỉ vài tuần sau khi nhà lãnh đạo Mỹ chỉ trích gay gắt người đồng cấp, gọi ông Putin là “kẻ sát nhân”.
Trong lĩnh vực chính trị và ngoại giao, chiến lược bên miệng hố chiến tranh liên quan đến việc cho phép tranh chấp tiến triển đến mức gần như thảm họa trước khi một giải pháp đàm phán được xem xét. Đây giống như một trò thi gan, để xem bên nào sẽ nhượng bộ trước.
Động thái mới của ông Biden đã làm dấy lên một cuộc tranh luận: Liệu đây là một sự nhượng bộ sai lầm hay một bước đi phòng ngừa thảm họa. Một số ý kiến cho rằng, trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nga – Mỹ, khả năng Nga thực hiện các hành động quân sự lớn chắc chắn sẽ giảm.
“Với cuộc điện đàm này, Tổng thống Biden là người nhún nhường trước. Hơn nữa, việc nhà lãnh đạo Mỹ đề nghị xúc tiến một cuộc gặp thượng đỉnh đã mang lại lợi thế cho ông Putin”, ông Eggert nhận định.
“Đừng đùa với lửa”
Ngay sau đó, đài truyền hình Nga cũng như các khách mời trong cuộc trò chuyện về chính trị đã ca ngợi sự phô trương lực lượng của nước này, đồng thời khẳng định Moscow luôn sẵn sàng đối đầu với “mọi hành vi thù địch” của Mỹ và NATO. Một nhà bình luận nói rằng, ông thấy “thất vọng vì sức chịu đựng của ông Biden”. Còn Thượng nghị sỹ Nga lập luận, Mỹ có lẽ đã nhận ra nước này “không thể đạt được ưu thế quân sự so với Nga” và vì thế hai nước cần quay trở lại bàn đối thoại.
Theo một số nhà phân tích, việc Nga tăng cường các hoạt động quân sự gần biên giới với Ukraine, nhìn bề ngoài là động thái gây leo thang căng thẳng nhưng thực chất là gửi đi những thông điệp.
Ông Andrei Kortunov, người đứng đầu Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga cho biết: “Theo quan điểm của tôi, đó là thông điệp răn đe”. Chuyên gia này chỉ ra các đợt tăng cường tiếp viện binh lực của chính phủ Ukraine tại miền đông nước này và cho rằng hành động của Nga nhằm ngăn chặn bất cứ động thái nào nhằm lấy lại những khu vực do phe đối lập Ukraine kiểm soát. Một quan chức cấp cao của Điện Kremlin cảnh báo, hành động quân sự như vậy sẽ là “sự khởi đầu cho kết thúc của Ukraine” và nhắc nhở Kiev chớ “đùa với lửa”.
Giới quan sát cho rằng, trong trường hợp Ukraine làm tới, Nga sẽ có cớ để can thiệp vì khoảng 500.000 người dân ở Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk, miền Đông Ukraine đã được cấp hộ chiếu Nga kể từ khi giao tranh nổ ra vào năm 2014.
“Khó có khả năng Nga 'khoanh tay đứng nhìn' khi phe đối lập ở miền Đông Ukraine đối mặt với nguy cơ thất bại nghiêm trọng”, ông Andrei Kortunov nói, đồng thời lưu ý rằng, quân đội Ukraine hiện giờ đã được trang bị hiện đại hơn và có năng lực chiến đấu tốt hơn nhờ sự hỗ trợ của Mỹ và châu Âu. Tuy vậy, chuyên gia này cũng hạ thấp nguy cơ chiến tranh giữa Nga và Ukraine.
“Tôi không thấy Điện Kremlin có thể đạt được lợi ích gì khi can dự quân sự trực tiếp vào cuộc khủng hoảng Ukraine. Tôi nghĩ chính sách của Nga tập trung hơn vào việc duy trì hiện trạng”.
Thông điệp gửi tới Washington
Trên thực tế, thông điệp của Nga không chỉ dành cho Ukraine mà còn cho những bên khác, đặc biệt là Mỹ.
Đối với Mỹ, có một cảnh báo rõ ràng rằng, Nga vẫn coi các vấn đề của Ukraine là liên quan đến nước này và đặc biệt phản đối kế hoạch gia nhập NATO của Kiev. Nhưng một số nhà phân tích còn phát hiện ra mục tiêu khác của Moscow, đó là cố gắng đảo ngược các lệnh trừng phạt cứng rắn mới mà chính quyền Tổng thống Biden vừa ban hành với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, tấn công mạng, uy hiếp Ukraine và nhiều “hành vi sai trái” khác.
Nhà phân tích chính sách đối ngoại Mikhail Troitskiy nhận định: “Nga đang cố gắng chứng minh rằng nước này có thể khiến các đối thủ phải trả giá tương tự như những gì họ đã làm với Nga, ngay cả khi hành động này có thể gây rủi ro hoặc khiến các biện pháp trừng phạt trở nên khắc nghiệt hơn”, ông Mikhail Troitskiy nói. “Đây có thể là logic phía sau những căng thẳng hiện nay. Điều này rất nguy hiểm vì ở một thời điểm nào đó, nó có thể vượt tầm kiểm soát”.
Toan tính của Nga
Bất chấp những lời lẽ chỉ trích Ukraine trong các cuộc trò chuyện trên truyền hình nhà nước Nga, rất ít người Nga cho rằng một cuộc chiến tranh tổng lực giữa hai nước sẽ nổ ra, trong bối cảnh Moscow đang phải gồng mình đối phó với dịch Covid-19, các lệnh trừng phạt và chịu tác động của giá dầu giảm.
Chuyên gia Andrei Kortunov cho rằng, tiềm năng thực hiện các cuộc phiêu lưu về chính sách đối ngoại của Nga “gần như cạn kiệt” bởi người dân hiện giờ quan tâm đến các vấn đề cá nhân của họ nhiều hơn so với bối cảnh năm 2014.
Cuộc chiến giữa Nga với Gruzia năm 2008 là lời cảnh báo rõ ràng về việc căng thẳng có thể leo thang thành một cuộc xung đột quân sự nhanh như thế nào. Với tình hình hiện, sự can dự quân sự trực tiếp vào cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine có thể là một chiến dịch nguy hiểm và rủi ro hơn rất nhiều.
Ý định của Tổng thống Putin sẽ được thể hiện rõ ràng vào tuần tới khi ông đọc thông điệp liên bang. Và cuộc điện đàm của Tổng thống Biden có thể trao cho ông cơ hội để dừng lại các động thái. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Mỹ đã hủy kế hoạch triển khai 2 tàu khu trục tới Biển Đen trong tuần này do lo ngại Nga tăng cường các hoạt động quân sự.
Chuyên gia Konstantin Eggert nhận xét: “Tôi nghĩ Tổng thống Putin đang thu hút sự chú ý. Ông ấy đặt mình vào tầm ngắm không chỉ của châu Âu mà còn của chính quyền Mỹ. Ông ấy đã thành công trong việc gửi tín hiệu cảnh báo đến các bên”.
Đồng tình với quan điểm này, nhà phân tích Mikhail Troitskiy nhấn mạnh: “Nếu Nga nhận thấy các lệnh trừng phạt của Mỹ không ảnh hưởng đến lợi ích sống còn của mình thì Moscow có thể cân nhắc rút quân ra khỏi biên giới. Một cách giảm leo thang căng thẳng là đưa mọi việc lên đến đỉnh điểm, như những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Nhưng tất nhiên, đây là giải pháp không bên nào mong muốn”.
Tin nổi bật
Tin Video