Tin tức

Triều Tiên muốn 'cắt đứt' đàm phán bằng tên lửa?

(VOVTV) - Sau một thời gian yên ắng, an ninh trên bán đảo Triều Tiên những ngày qua lại trở thành tâm điểm chú ý khi Triều Tiên liên tiếp phóng thử tên lửa.

Tác giả Bùi Hùng / VOV Tokyo
16/09/2021 10:04

Mới nhất, vào ngày 15/9 Quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên phóng hai tên lửa đạn đạo chưa rõ chủng loại. Vụ phóng này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa hành trình chiến lược với tầm bay ít nhất 1.500 km.

Những vụ thử tên lửa này diễn ra trong bối cảnh Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang tăng cường nỗ lực ngoại giao nhằm nối lại đối thoại với Triều Tiên. Quá trình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên về vấn đề hạt nhân đã bị đình trệ suốt hơn 1 năm qua. Và hành động của Triều Tiên có thể đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên vốn đã “mông lung” lại càng “mông lung”.

Tiếp tục phát triển hạt nhân ở mức độ cao

Cùng với vụ phóng thử nghiệm 2 tên lửa hành trình vào ngày 11, 12/9, cộng với vụ phóng 2 tên lửa đạn đạo vào ngày 15/9, chúng ta có thể thấy đây là lần đầu tiên Triều Tiên phóng tên lửa nhiều đến thế trong vòng 1 tháng.

Mặc dù chưa có kết luận cụ thể, nhưng các chuyên gia cho rằng tên lửa hành trình của Triều Tiên giống với tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk của Mỹ. Hệ thống tên lửa này được thiết kế để bay dưới tầm quét của hệ thống radar phòng thủ hoặc bay vòng để tránh bị bắn hạ, đồng thời có thể tránh được các hệ thống phòng thủ của Hàn Quốc và Nhật Bản.

Triều Tiên muốn 'cắt đứt' đàm phán bằng tên lửa? - Ảnh 1.

Sau một thời gian yên ắng, an ninh trên bán đảo Triều Tiên những ngày qua lại trở thành tâm điểm chú ý khi Triều Tiên liên tiếp phóng thử tên lửa. Ảnh: Reuters

Như vậy, bước đầu có thể nhận định đây là một bước tiến rõ rệt trong công nghệ vũ khí của Triều Tiên, là mối đe dọa đáng kể vì tên lửa không bay theo quỹ đạo cố định mà bay ở tầm thấp, khiến khó bị phát hiện.

Nguy hiểm hơn, theo các chuyên gia, tên lửa hành trình cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân. Nếu đối chiếu Nghị quyết số 2094 năm 2013 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thì có mục cấm Triều Tiên thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, nhưng không cấm việc thử tên lửa hành trình. Do đó, truyền thông quốc tế có giả thiết rằng Triều Tiên đã “lách luật” để tránh sự trừng phạt. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Duyeon Kim của Mỹ, Mỹ và đồng minh vẫn có thể cáo buộc Triều Tiên vi phạm lệnh trừng phạt vì nghị quyết 2094 có một đoạn nghiêm cấm Bình Nhưỡng "tiến hành các hoạt động khiêu khích khác".

Cùng với việc liên tục phóng tên lửa, Triều Tiên vẫn thực hiện các đợt tập trận quân sự, thường có sự giám sát của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dù đang trong giai đoạn áp dụng lệnh đóng cửa biên giới và nhiều biện pháp cách ly khác để phòng tránh Covid-19. Những động thái này dấy lên lo ngại Triều Tiên có thể đang quay trở lại chính sách cứng rắn tiếp tục phát triển chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân.

Thông điệp từ bên trong

Trong thời gian gần đây nhất, chúng ta đều được tiếp nhận thông tin, hình ảnh về cuộc tập trận mùa Hè thường niên của Mỹ và Hàn Quốc tiến hành từ ngày 16-26/8. Cũng trong ngày 15/9, Hàn Quốc công bố đã phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM). Sự kiện này chỉ diễn ra vài giờ sau khi Triều Tiên bắn 2 tên lửa đạn đạo.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang ở thăm Hàn Quốc và đã trao đổi về việc tăng cường hợp tác giữa hai nước trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Ngày 15/9, trong cuộc tiếp Ngoại trưởng Vương Nghị, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đánh giá Trung Quốc đã đóng góp to lớn vào thực hiện lộ trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên thời gian qua, đề nghị ông Vương Nghị đóng vai trò hỗ trợ cho những nỗ lực của Hàn Quốc vì sự việc phát triển quan hệ song phương, phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên muốn 'cắt đứt' đàm phán bằng tên lửa? - Ảnh 2.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters

Hành vi phóng thử nghiệm tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo liên tiếp của Triều Tiên dường như là sự phản đối, thể hiện sự “bất mãn” của nước này đối với những động thái trên.

Nhưng có thể đó chỉ là vỏ bên ngoài, còn thực chất bên trong Triều Tiên đã không còn kiên nhẫn chờ đợi những “lời hứa” từ bên ngoài. Cuộc gặp lịch sử Mỹ-Triều vào tháng 6/2018 tại Singapore, tháng 2/2019 tại Việt Nam… và những nỗ lực của Hàn Quốc sau này về đối thoại Hàn-Triều, hay xúc tiến một đối thoại Mỹ-Triều trong thời chính quyền Tổng thống Joe Biden…đã không còn “hấp dẫn” đối với Triều Tiên. Tất cả những gì Triều Tiên mong muốn đều kèm theo những điều kiện, và có thể khi đáp ứng điều kiện rồi Triều Tiên chưa chắc có được cái mình mong muốn.

Hơn thế nữa, trong bối cảnh tất cả các quốc gia, khu vực đang dồn sức cho việc ngăn chặn đại dịch Covid-19, tình hình Afghanistan thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng quốc tế, Triều Tiên có thể mong muốn phân tán sự tập trung đó, đánh lên hồi chuông gây sự chú ý bằng sức mạnh hạt nhân.

Hòa bình rơi vào bế tắc?

Việc các nước như Nhật-Hàn-Mỹ phản ứng hành vi của Triều Tiên không có gì mới, và vẫn với lập trường như trước đây. Duy chỉ có Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide có phát ngôn mạnh mẽ hơn rằng hành vi phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là “không có ngôn từ để diễn tả”.

Cũng trước ngày Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo 1 ngày là vào ngày 14/9, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã nhóm họp tại Tokyo. Ba bên đã trao đổi ý kiến về việc Triều Tiên có dấu hiệu tái khởi động cơ sở hạt nhân Yongbyun, và phóng thử nghiệm tên lửa hành trình tầm xa kiểu mới vào cuối tuần trước là dấu hiệu cho thấy nước này vẫn mong muốn phát triển hạt nhân ở mức cao hơn. Do đó, sự phối hợp ba bên rất quan trọng trong thời điểm hiện tại.

Quan điểm của Mỹ là đòi hỏi cách tiếp cận thực tế, được điều chỉnh hợp lý trong vấn đề Triều Tiên. Washington không hề có ý định thù địch với Triều Tiên  hy vọng Bình Nhưỡng phản hồi tích cực về đề xuất đối thoại. Mỹ sẽ tuân thủ tuyệt đối nghị quyết cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên, cho tới khi nước này có phản hồi tích cực.

Nhưng điều cốt lõi ở đây là quan điểm và hành động của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Khi mới lên nhậm chức, ông có tuyên bố sẽ tích cực giải quyết vấn đề Triều Tiên, nhưng ông cũng cứng rắn nói rằng sẽ có trừng phạt đích đáng nếu Triều Tiên tiếp tục phát triển hạt nhân. Và những vụ phóng tên lửa vừa qua cho thấy Triều Tiên không còn thấy sức mạnh từ những “đe dọa” hay “phê phán” kiểu đó nữa, và ngược lại Mỹ sẽ không nhẹ tay với Triều Tiên. Những nỗ lực của Hàn Quốc, Nhật Bản…cho đối thoại Mỹ-Triều hay Hàn-Triều…dường như ngày càng khó khăn. Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên có thể lại rơi vào bế tắc.

Ý kiến của bạn