Tin tức

Triển lãm "Khắc họa”: Hành trình mỹ thuật đồ họa Việt

(VOVTV) - “Khắc họa” là triển lãm mỹ thuật giới thiệu các tác phẩm của ba họa sĩ đồ họa tiêu biểu của Việt Nam là Trần Nguyên Đán, Lê Mai Khanh và Phạm Khắc Quang.

Tác giả Đình Đức - Phương Thảo / VOVTV
26/12/2020 22:21

Triển lãm mỹ thuật "Khắc họa" tập trung vào đồ họa tạo hình, giới thiệu tuyển tập bao gồm 50 tác phẩm của ba gương mặt họa sĩ tiêu biểu với những quan điểm, cách nhìn nhận riêng biệt, mang phong cách đặc trưng, cho thấy các bước hành trình của đồ họa Việt Nam trong giai đoạn cận hiện đại và hiện đại.

Triển lãm "Khắc họa”: Hành trình mỹ thuật đồ họa Việt - Ảnh 1.

Từ trái sang: Bà Luneta Phan – Giám đốc nghệ thuật của Lunet Art, Họa sĩ Trần Nguyên Đán, Họa sĩ Phương Mai – con gái cố Họa sĩ Lê Mai Khanh và Họa sĩ Phạm Khắc Quang

Cộng đồng yêu nghệ thuật và xã hội cũng sẽ nhìn thấy một giai đoạn lịch sử với những đóng góp của các nghệ sĩ đồ họa tạo hình Việt Nam trong bức tranh chung của Mỹ thuật Việt: Những mảng màu sắc đậm chất văn hóa người Việt, đậm đà tâm hồn người Việt như Họa sĩ Trần Nguyên Đán; Những cách thức biểu đạt, tạo hình kinh điển, hàn lâm của hội họa thế giới hàm chứa trong các tác phẩm của Họa sĩ Lê Mai Khanh; Cho đến những bước chuyển mình, những sáng tạo, cách tìm tòi ngôn ngữ biểu đạt mới trong nghệ thuật của Họa sĩ Phạm Khắc Quang.

Họa sĩ Trần Nguyên Đán (sinh năm 1941) là người đam mê sâu sắc nghệ thuật khắc gỗ. Ở độ tuổi thất thập cổ lai hy, ông vẫn tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật mà không một phút giây nào nghỉ ngơi. Tranh của ông vừa mang tính tả thực, biểu hiện, vừa trừu tượng, phảng phất một chút siêu thực, nhưng luôn thấm đẫm tính dân gian truyền thống và hồn cốt dân tộc. 

Dưới bàn tay của người họa sĩ những mảng màu, những chi tiết đan cài vào nhau tạo ra một không gian, một cách biểu đạt rất riêng, rất Việt. 

Đúng như nhà phê bình nghệ thuật Phan Cẩm Thượng từng nói: "Tranh khắc gỗ của họa sĩ Trần Nguyên Đán luôn luôn gợi một thứ gì đó làm cho người ta liên tưởng đến tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng nhưng nó có một nét riêng biệt, bút pháp đa dạng và súc tích".

Có thể thấy điều đó trong các tác phẩm: Phố cổ Hội An, về chợ phiên Bắc Hà, Bến Đục chùa Hương, Múa khè, người bán tranh làng Sình Huế ...

Triển lãm "Khắc họa”: Hành trình mỹ thuật đồ họa Việt - Ảnh 2.

Họa sĩ Trần Nguyên Đán năm nay đã 79 tuổi

Họa sĩ Trần Nguyên Đán nói: "Đến với nghệ thuật cũng là duyên phận. Tôi tự nhận tôi là người vụng. Bản thân tranh khắc gỗ nó bộc lộ ở một cái gọi là chân thành, có sao nói vậy, không uốn éo, nghệ thuật là thật thà. Ưu điểm của tôi là ưu điểm của cái thật thà, ưu điểm của cái thô, ưu điểm như câu nói của người dân tộc chứ không phải ưu điểm của người làm tiếp thị."

Triển lãm "Khắc họa”: Hành trình mỹ thuật đồ họa Việt - Ảnh 3.

Tác phẩm “chợ Bắc Hà”. Nét đặc trưng trong tác phẩm của họa sĩ Trần Nguyên Đán là sử dụng phong cách khắc gỗ, in tranh theo phương pháp truyền thống, nội dung chú trọng khai thác các yếu tố dân gian, những nét đẹp trong đời sống, văn hóa của người Việt

Những tác phẩm với cách thức biểu đạt, tạo hình kinh điển, hàn lâm của hội họa thế giới hàm chứa trong các tác phẩm của cố Họa sĩ Lê Mai Khanh (Mai Anh). Là nữ họa sĩ được nhiều người biết đến trong giới nghệ thuật và là một giảng viên đầy tâm huyết tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nhưng họa sĩ Lê Mai Khanh luôn chọn lối sống ẩn dật để có thể tận tâm tận hiến với nghề. Kể cả bức chân dung tự họa của bà cũng chỉ là một bức tranh một màu và hoàn toàn không thấy mặt. Đó cũng là cách bà muốn đưa nghệ thuật của mình đến với công chúng cảm nhận bằng trái tim, thay vì chỉ nhìn bằng mắt.

Triển lãm "Khắc họa”: Hành trình mỹ thuật đồ họa Việt - Ảnh 4.

Chân dung tự họa của họa sĩ Lê Mai Khanh ( Mai Anh)

Nội dung tranh của Họa sĩ Lê Mai Khanh rất đời thường, nhưng chứa đựng nhiều tầng nhân sinh quan sâu sắc và giàu tình cảm. Nữ họa sĩ đã đưa vào trong tranh những hình tượng gần gũi, thân quen của đồng quê, nông thôn Việt Nam một cách tự nhiên như các bức Thổi sáo, Chăn trâu, Bé Phương… Màu sắc, đường nét của tác phẩm luôn cho thấy sự bay bổng trong một không gian hòa quyện giữa siêu thực và hiện tại.

Triển lãm "Khắc họa”: Hành trình mỹ thuật đồ họa Việt - Ảnh 5.

Cách thức biểu đạt, tạo hình hội họa trong các tác phẩm của họa sĩ Lê Mai Khanh.Với tác phẩm Bé Phương giữa những nét rối bời vụn vặt bởi cái phông nền là những bông hoa trên rèm cửa. Đây cũng là tác phẩm được Ban tổ chức chọn làm biểu tượng của Triển lãm “Khắc Họa”

Cuối cùng là họa sĩ Phạm Khắc Quang với những bước chuyển mình mạnh mẽ, những sáng tạo và tìm tòi nhiều ngôn ngữ biểu đạt mới trong nghệ thuật. Bắt đầu sự nghiệp muộn hơn một chút, nhưng có thể nói, họa sĩ Phạm Khắc Quang đang ở thời kỳ đỉnh cao trong sáng tạo của mình. Anh tiếp cận với nghệ thuật khắc gỗ phá bản, sau đó mở rộng tín hiệu hiển thị trên tác phẩm của mình, từ các chấm tròn đồng tâm đến mã vạch. Các tác phẩm của anh liên tục sử dụng các chất liệu mới để biểu đạt những nội dung vốn đã quen thuộc, đem lại góc nhìn nhiều chiều và những cảm nhận mới mẻ bằng những tín hiệu của ngôn ngữ đồ họa mang tính đương đại, song vô cùng logic và chuẩn xác như khoa học. 

Triển lãm "Khắc họa”: Hành trình mỹ thuật đồ họa Việt - Ảnh 6.

Sự chuyển mình trong sáng tạo, tìm tòi ngôn ngữ để biểu đạt trong tác phẩm của họa sĩ Phạm Khắc Quang

Họa sĩ Phạm Khắc Quang chia sẻ: "Mình không có quyền chọn nghệ thuật, là nghệ thuật chọn mình. Khi nghệ thuật chọn mình thì mình đi, mình đi như một thiên mệnh, như một thiên chức".

Triển lãm "Khắc họa”: Hành trình mỹ thuật đồ họa Việt - Ảnh 7.

Tác phẩm chân dung bà nội của họa sĩ Phạm Khắc Quang

Bà Luneta Phan, Giám đốc nghệ thuật của Lunet Art, với Triển lãm mỹ thuật "Khắc họa", ban tổ chức muốn mang đến giá trị của đồ họa tạo hình đến với cộng đồng hướng đến những tác phẩm nghệ thuật đạt được giá trị cao đến với công chúng một tuyển tập chắt lọc của đồ họa, vừa mang tính hàn lâm, kinh điển, vừa thật sự mang đậm bản sắc và tâm hồn Việt Nam. 

Triển lãm "Khắc họa”: Hành trình mỹ thuật đồ họa Việt - Ảnh 8.

Một số tác phẩm được trưng bày tại triển lãm

Triển lãm "Khắc họa”: Hành trình mỹ thuật đồ họa Việt - Ảnh 9.

Triển lãm mang đến cho công chúng công chúng một tuyển tập chắt lọc đồ họa Việt Nam

Triển lãm "Khắc họa”: Hành trình mỹ thuật đồ họa Việt - Ảnh 10.

Triển lãm mỹ thuật “Khắc họa” kéo dài đến hết ngày 27/02/2021 tại số 1 Thanh Niên, Ba Đình, Hà Nội


Ý kiến của bạn