Trên 51% sinh viên 3 trường sư phạm được khảo sát từng bị quấy rối tình dục
(VOVTV) - Kết quả khảo sát hơn 1.800 sinh viên ở 3 trường đại học gồm Đại học Sư phạm Hà Nội, trường Đại học sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên, trường Đại học Hồng Đức cho thấy, trên 51% sinh viên đã từng trải nghiệm ít nhất một trong những biểu hiện của hành vi quấy rối tình dục.
Đây là thông tin tại tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Giảng đường an toàn” do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) – Cơ quan Liên Hợp Quốc vì Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UNWOMEN) và Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức.
Trong khuôn khổ dự án “Khuôn viên trường đại học an toàn”, ba trường đại học gồm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên và Trường Đại hoc Hồng Đức đã tiến hành khảo sát về tình hình an toàn của sinh viên trong nhà trường.
Cụ thể, kể từ đầu năm học 2021-2022, có 944 sinh viên (chiếm 51,8%) ở cả 3 trường đại học được khảo sát đã từng trải nghiệm ít nhất một trong những biểu hiện của hành vi quấy rối tình dục. Với cán bộ, giáo viên, có trên 30% đã từng trải nghiệm ít nhất một trong các hành vi quấy rối tình dục. Kết quả khảo sát cho thấy, hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói chiếm đa số.
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Hồng, Phó Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, nhiều sinh viên không tìm sự trợ giúp khi bị bạo lực tình dục.
"Các em e ngại chia sẻ những vấn đề của mình. Có 68,8% lý do các em đưa ra là vì các em e dè và lo sợ tiết lộ câu chuyện riêng tư của mình và đặc biệt là các em lo sợ mình sẽ bị đánh giá là nguyên nhân xảy ra vụ việc. Có đến 50% sinh viên đưa ra lý do là các em lo lắng người mà mình tố cáo, hoặc những người khác có thể phát hiện ra và làm điều gì đó để trả thù các em và các em lo sợ mọi người sẽ không giữ bí mật cho các em," Tiến sỹ Hồng chia sẻ.
Cũng theo nhận định của sinh viên khi được khảo sát, giảng đường, thư viện là nơi an toàn nhất; tiếp sau đó là kí túc xá; phòng chờ, nhà để xe… Địa điểm sinh viên ở cả 3 trường đánh giá không an toàn nhất là đường về kí túc xá; tiếp đến là cổng trường.
Từ kết quả khảo sát này, nhóm nghiên cứu đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có kế hoạch tổng thể đánh giá mức độ an toàn của sinh viên trong trường đại học để có dữ liệu cập nhật hàng năm, cũng như xác định tình hình an toàn của sinh viên Việt Nam khi so sánh với sinh viên các nước trong khu vực và thế giới. Với các trường đại học, nên có kế hoạch và tăng cường tổ chức các khoá tập huấn, hội thảo cho sinh viên để nâng cao hiểu biết của các em về bạo lực nói chung và bạo lực tình dục nói riêng. Đồng thời, cần có phòng tham vấn tâm lý ở tất cả các trường nhằm hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho sinh viên và cán bộ trong trường./.
Tin nổi bật
Tin Video