Trẻ mắc tay chân miệng tăng gấp 4 lần trong một tháng ở TP.HCM
(VOVTV) - Tại TP.HCM, số ca bệnh tay chân miệng trong tuần 18 của năm nay tăng gần gấp 4 lần so với trung bình 4 tuần trước. Số ca bệnh tăng ở cả nhóm bệnh nhi nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Dịch bệnh này đang gia tăng báo động ở tất cả các quận huyện và TP. Thủ Đức.
Gia tăng ca bệnh tay chân miệng nặng
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, trung bình mỗi ngày Khoa Nhiễm điều trị nội trú cho 30 đến 35 trường hợp bị tay chân miệng. Trong đó, phòng hồi sức Nhiễm hiện đang điều trị cho một bệnh nhi bị tay chân miệng ở mức độ 2B chuyển sang mức độ 3 - mức độ nặng.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Dư Tấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, khi trẻ bị tay chân miệng nhập viện trễ thì có thể dẫn đến các biến chứng như viêm não tối cấp, viêm cơ tim tối cấp, có nghĩa là diễn tiến cực kỳ nhanh và có thể tử vong trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Những trường hợp đó đều rất khó qua khỏi. Hiện khoa đã bố trí 50 - 60 giường (tính cả giường xếp) cho bệnh nhi mắc tay chân miệng, sẵn sàng điều trị nếu gia tăng số ca nhập viện. Những bệnh nhi tay chân miệng được tách riêng với các trường hợp mắc sốt xuất huyết, Covid-19, viêm não Nhật Bản.
Theo bác sĩ Dư Tấn Quy, nhiều trẻ mắc tay chân miệng ở mức độ nhẹ, không sốt, chỉ nổi bóng nước ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, vẫn vui chơi và ăn uống bình thường thì có thể điều trị tại nhà:
“Do phụ huynh rất lo lắng nên chúng tôi có thể cho các cháu nhập viện để theo dõi, tuy nhiên nếu từ khoảng 24-48 tiếng mà bác sĩ đánh giá lại thực sự ca này không cần nhập viện thì sẽ cho trẻ xuất viện và theo dõi tại nhà. Tay chân miệng kéo dài từ 7 đến 8 ngày, Bộ Y tế đã cho phép trẻ đi học từ 8-10 ngày sau khi khỏi bệnh”.
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố mới đây cũng tiếp nhận và điều trị thành công cho một bệnh nhi 3 tuổi nguy kịch vì mắc tay chân miệng. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, biếng ăn, chảy nước miếng nhiều vì loét họng. Lòng bàn tay, chân không có hồng ban bóng nước - những biểu hiện thường thấy ở bệnh tay chân miệng.
Tuy nhiên, qua thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bé bị phù phổi cấp, suy hô hấp do biến chứng tay chân miệng. Bệnh nhi nhanh chóng được các y bác sĩ cho thở máy, chống gồng giật tốt, truyền Gammaglobulin kịp thời... Sau 2 ngày điều trị tích cực, bé gái dần hồi phục và sức khỏe ổn định.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết, gần đây, bệnh viện tiếp nhận điều trị một số trẻ mắc tay chân miệng gặp biến chứng với những biểu hiện bên ngoài kín đáo chứ không phải nổi bóng nước hồng ban ở lòng bàn tay, chân.
Các trường hợp này thường đã chuyển biến nặng độ 3, 4. Do đó, quan trọng nhất là theo dõi lâm sàng, nếu bóng nước hồng ban lộ ra ngoài càng nhiều thì bệnh càng nhẹ, ngược lại biểu hiện bệnh tuy ít nhưng trẻ sốt cao thì rất đáng lo ngại.
Bệnh quen nhưng không lơ là
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo, khi trẻ bị sốt thì phải nghĩ ngay tới tay chân miệng bởi đây là một loại bệnh dễ mắc, dễ diễn tiến nặng, có thể dẫn đến tử vong. Sau 1 ngày ngày chăm sóc nhưng vẫn sốt thì cần đi khám, điều trị: “Tới cơ sở y tế để kiểm tra như test nhanh SARS-CoV2, test nhanh NS1 kháng nguyên sốt xuất huyết, còn tay chân miệng thì khám kỹ xem có loét họng không, có hồng ban, mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân không, ngoài ra có thể bị phát ở mông, gối nữa. Nếu phát hiện sớm thì sẽ điều trị thích hợp, tránh tình trạng nhập viện trễ, dễ bị nặng”.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, TP.HCM ghi nhận 936 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với 95% các trẻ mắc bệnh ở độ tuổi từ 1-5 tuổi. Riêng chỉ trong tuần 18 (từ ngày 29/4 đến 5/5/2022), thành phố ghi nhận 420 ca bệnh tay chân miệng, tăng gần gấp 4 lần so với trung bình 4 tuần trước đó. Số ca bệnh tay chân miệng có sự gia tăng báo động ở hầu hết các quận huyện, thành phố Thủ Đức, đặc biệt ở các quận: 12, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Bình, huyện Hóc Môn, khu vực 3 thành phố Thủ Đức.
Trước đó, đợt dịch tay chân miệng gần nhất tại TP.HCM xảy ra vào năm 2020 với 16.361 ca mắc, không ghi nhận ca tử vong, chủ yếu vẫn là xảy ra ở trẻ trong độ tuổi đi học. Khi mọi hoạt động xã hội trở lại trạng thái bình thường sau 2 năm gián đoạn do COVID-19, các chuyên gia dự đoán các dịch bệnh lưu hành thường niên tại TP.HCM như sốt xuất huyết, tay chân miệng... sẽ diễn biến phức tạp trong năm nay. Do đó, phòng ngừa dịch bệnh ngay từ sớm là điều rất quan trọng, không để dịch bùng phát và nhất là không để gây tử vong.
Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, không để dịch bùng phát, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM khuyến cáo thường xuyên rửa tay với xà phòng cho cả trẻ em và người lớn, đặc biệt trước khi người lớn tiếp xúc, chăm sóc trẻ.
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, tay nắm cửa. Đặc biệt, không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.