Giải trí

Trào lưu phim remake - dấu hiệu của việc cạn kiệt ý tưởng?

Điều quan trọng của một bộ phim remake là nhà sản xuất phải đủ sự tâm huyết và trách nhiệm để tạo ra một tác phẩm mới mẻ, thú vị từ những điều có sẵn, bởi nghệ thuật luôn truyền cảm hứng cho nghệ thuật.

21/07/2022 08:52

Phim remake hay còn được gọi là “phim làm lại”. Nhiều người cho rằng đây là phim nhái lại bản gốc, tuy nhiên phim remake đã được chấp nhận và xuất hiện ở Châu Âu từ lâu. Phim remake là phim lấy chất liệu từ chính những bộ phim ra đời trước đó. Các nhà làm phim sẽ giữ nguyên cốt truyện, sử dụng ý tưởng, hệ thống nhân vật của bộ phim trước và chỉ thay đổi một số tình tiết và cách thức thể hiện.

Mới đây, series Money Heist phiên bản Hàn Quốc được công chiếu trên Netflix và nhận được sự quan tâm đặc biệt từ khán giả toàn cầu do sức ảnh hưởng mạnh mẽ từ bản gốc của Tây Ban Nha. Lấy không gian một xã hội giả tưởng - vùng kinh tế chung của Nam - Bắc Hàn, kịch bản đã thay đổi bối cảnh để tô đậm giá trị bản địa. Không những vậy, cách thể hiện của các nhân vật trong bản Hàn cũng được thay đổi để phù hợp với tính cách của người Châu Á, cẩn trọng hơn và không “nóng” được như bản gốc. Tuy nhiên, dù đã nỗ lực rất nhiều trong việc bản địa hóa và thêm các chi tiết mới nhưng Money Heist bản Hàn vẫn khó lòng có được sự bi tráng và tình tiết “ráo riết” như bản gốc.

Trào lưu phim remake - dấu hiệu của việc cạn kiệt ý tưởng? - Ảnh 1.

Phim truyền hình "Thương ngày nắng về"

Trước cái bóng quá lớn của bộ phim gốc, tại sao phim remake vẫn được ưa chuộng đến vậy? Theo các nhà làm phim, có hai lý do chính để nhà sản xuất remake một bộ phim. Thứ nhất, tác phẩm gốc hấp dẫn số đông khán giả. Thứ hai, đạo diễn có hứng thú với phim cũ đó.

Có thể thấy, phim remake là một lựa chọn an toàn cho các nhà sản xuất. Một bộ phim remake có thể tận dụng được sức ảnh hưởng của bộ phim gốc, thu hút được sự quan tâm từ lượng khán giả có sẵn. Phim remake sẽ tạo được mối liên hệ trong cảm xúc, khai thác sự hoài niệm và tình cảm của khán giả đối với nhân vật, nội dung bộ phim trước đó. Ngoài ra, việc remake một bộ phim có thể thu hút truyền thông, tiết kiệm thời gian, chi phí ... cho việc sản xuất.

Nhiều ý kiến cho rằng việc nhiều bộ phim được remake, sử dụng cốt truyện của bộ phim trước là dấu hiệu của việc cạn kiệt ý tưởng. Việc sử dụng ý tưởng cũ để đưa vào một tác phẩm mới, không dám thử sức với câu chuyện mới đã cho công chúng lý do để cảm thấy sự sáng tạo đang bị xói mòn, chỉ trông chờ và vay mượn những ý tưởng trước đó. Chưa kể đến những tác phẩm bị remake “lỗi”, diễn xuất của diễn viên kém hơn bản gốc, bối cảnh không được đầu tư khiến phim remake giống như một bộ phim “nhái” lại bản gốc.

Trào lưu phim remake - dấu hiệu của việc cạn kiệt ý tưởng? - Ảnh 2.

"Money Heist" phiên bản Hàn Quốc

Trào lưu phim remake - dấu hiệu của việc cạn kiệt ý tưởng? - Ảnh 3.

Miu Lê trong "Em là bà nội của anh"

Tuy nhiên, remake một bộ phim không chỉ là quá trình “ăn sẵn”. Để làm được một bộ phim remake hay đòi đội ngũ đạo diễn, biên kịch cần phải nghiên cứu, học hỏi, hiểu được tinh thần cốt lõi của bộ phim trước. Đồng thời phải có sự am hiểu vốn văn hóa để khiến cho bộ phim phù hợp với văn hóa bản địa cũng như trong thời đại mới. Bên cạnh đó, phải giữ lại những chi tiết đắt, thay đổi một số cảnh quay chưa phù hợp và thêm vào đó những chất liệu mới.

Trên thực tế, đã có nhiều bộ phim remake đạt được thành tích vang dội hơn cả bản gốc như A Star Is Born (2008), Little Women (2019)... Cụ thể ở Việt Nam, có nhiều bộ phim truyền hình được remake và thành công như Người phán xử (2017), Hương vị tình thân (2021) … hay bộ phim đang chiếu “Thương ngày nắng về” đang rất thành công khi khai thác về đề tài gia đình, đặc biệt là tình mẫu tử. Ở địa hạt điện ảnh, bộ phim Em là bà nội của anh (2015) cũng được đánh giá cao và cán mốc doanh thu 100 tỷ đồng,

Như vậy, điều quan trọng của một bộ phim remake là nhà sản xuất phải đủ sự tâm huyết và trách nhiệm để tạo ra một tác phẩm mới mẻ, thú vị từ những điều có sẵn, bởi nghệ thuật luôn truyền cảm hứng cho nghệ thuật.

Ý kiến của bạn