Tin tức

Tranh cãi việc Trung Quốc tiêu hủy thú cưng của người mắc Covid-19

Một số chính quyền địa phương Trung Quốc đã tiêu hủy chó mèo của những bệnh nhân mắc Covid-19 để ngăn dịch lây lan, làm dấy lên nhiều tranh cãi tại nước này.

13/11/2021 06:43

Mùa đông năm nay, Lisa Li, một người dân ở Bắc Kinh, cẩn thận hơn bao giờ hết để không bị ốm.

Li đã thực hiện giãn cách xã hội và tuân thủ các biện pháp khác để bảo vệ bản thân, đồng thời cho biết nếu có một đợt bùng phát dịch khác ở Bắc Kinh, cô sẽ tự cách ly ngay lập tức và cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài.

"Trong trường hợp tôi bất ngờ mắc Covid-19, chuyện gì sẽ xảy ra nếu con mèo của tôi chết đói hoặc bị giết khi tôi đang cách ly?", Li nói với SCMP.

Tranh cãi việc Trung Quốc tiêu hủy thú cưng của người mắc Covid-19 - Ảnh 1.

Nhiều thú cưng đã bị tiêu hủy tại Trung Quốc để ngăn virus lây lan

Li đề cập đến một loạt các vụ việc gần đây ở Trung Quốc khi vật nuôi của bệnh nhân mắc Covid-19 bị chính quyền địa phương tiêu hủy nhằm ngăn virus lây lan. Đây là một phần trong các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt tại Trung Quốc.

Trong tháng này, một cư dân ở Thành Đô, tây nam Trung Quốc, đã chia sẻ trên mạng xã hội Xiaohongshu rằng những con mèo của cô đã bị tiêu hủy sau khi cô được đưa từ nhà đến nơi cách ly.

Hai tháng trước, một phụ nữ ở Cáp Nhĩ Tân đã chia sẻ trên Weibo rằng, 3 con mèo của cô đã bị nhân viên cộng đồng giết chết sau khi chúng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus.

Các nhân viên cộng đồng nói với truyền thông địa phương rằng, không có cách điều trị nào điều trị cho động vật mắc Covid-19, do vậy tiêu hủy là lựa chọn duy nhất.

"Nếu vật nuôi mắc Covid-19, sau đó chúng không thể trở lại bình thường và cả khu dân cư cũng thế, dịch bệnh sẽ không bao giờ kết thúc", một nhân viên cộng đồng nói.

Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chiến lược chống dịch Zero Covid (Không Covid). Bất cứ khi nào xảy ra các đợt bùng phát dịch, chính quyền địa phương sẽ triển khai xét nghiệm quy mô lớn, truy vết tiếp xúc và phong tỏa để cố gắng ngăn chặn sự lây lan của virus.

Tranh cãi việc Trung Quốc tiêu hủy thú cưng của người mắc Covid-19 - Ảnh 2.

Một trong 3 con mèo của một bệnh nhân Covid-19 ở Cáp Nhĩ Tân bị tiêu hủy

Mặc dù cho đến nay, người dân Trung Quốc nhìn chung vẫn chấp nhận chiến lược Không Covid, nhưng các khiếu nại đang tăng lên. Ngày càng nhiều người nói rằng, họ cảm thấy mệt mỏi với những đợt bùng phát dịch cũng như cách xử lý cứng rắn của chính quyền địa phương và nhân viên cộng đồng để ngăn chặn virus, bao gồm việc đối xử tệ với thú cưng.

"Không có bằng chứng y tế hoặc căn cứ pháp lý nào cho việc tiêu hủy những con vật này, điều đó rất vô nhân đạo", Li nói.

Các chủ sở hữu thú cưng đang tự giải quyết vấn đề bằng cách đưa ra các kiến nghị trực tuyến, kêu gọi chính quyền địa phương thực hiện các chính sách nhân đạo và rõ ràng hơn.

Họ cũng nghĩ ra nhiều cách khác nhau như kêu gọi trên mạng xã hội, quay video vật nuôi bị giết hại và ghi lại các hành động tàn bạo khác của nhân viên cộng đồng, kêu gọi sự giúp đỡ thông qua các phương tiện truyền thông địa phương và yêu cầu được cách ly cùng với vật nuôi của họ.

Một số người cũng đặt câu hỏi rằng, liệu việc chính quyền tiêu hủy vật nuôi của người dân có hợp pháp hay không. Theo luật pháp Trung Quốc, động vật hoang dã hoặc gia súc bị nhiễm bệnh trong đại dịch có thể bị tiêu hủy. Nhưng chó và mèo không được liệt vào danh sách gia súc.

Theo SCMP, về mặt y học, chưa có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy vật nuôi có thể lây lan virus. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ nhận định nguy cơ động vật lây lan Covid-19 sang người được coi là thấp.

"Nếu một người trong nhà mắc Covid-19, hãy cách ly người đó với tất cả những người và vật nuôi khác trong gia đình", CDC Mỹ đề xuất.

Tuy nhiên, khi chưa có các chính sách rõ ràng hơn, ở thời điểm hiện tại, những người nuôi thú cưng như Li chỉ có thể dựa vào bản thân để bảo vệ vật nuôi của họ.

"Hiện tại, không có luật bảo vệ thú cưng ở Trung Quốc, vì vậy không có nhiều cơ hội để đấu tranh cho những vật cưng của chúng tôi. Cái chết của chúng chỉ có tác dụng cảnh báo để chủ sở hữu phải cẩn thận hơn từ bây giờ", Li nói thêm.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn