Tranh cãi rapper làm kinh tế có bị mất chất?
Rap đang trở thành một xu hướng mới trong âm nhạc quảng cáo dịp Tết 2021. Song, điều này cũng gây không ít tranh cãi trong dư luận.
Tranh cãi trái chiều
2020 là một năm bùng nổ của thế giới Underground với tâm điểm là 2 chương trình Rap Việt và King of Rap, tạo nên làn sóng mạnh mẽ trên thị trường âm nhạc Việt. Không "chịu" đứng ngoài xu hướng, các nhãn hàng đã nhanh chóng lựa chọn chất nhạc này vào trong các sản phẩm quảng cáo, nhằm đưa tên tuổi của mình tiếp cận gần hơn với văn hóa đại chúng.
Trong đó, có thể kể đến MV rap "Tết ngợp giải trí", "Tết mê ly" (Truyền hình K+) thu hút đến hơn 900.000 lượt xem, “Không cản bước về nhà” (Pepsi) có hơn 20 triệu lượt xem, “Chuyện cũ bỏ qua 3” (Mirinda) có hơn 30,5 triệu lượt xem, “Câu chuyện cuối năm” (Tiki) có 9,6 triệu lượt xem, “Sống như ý” (Generali Việt Nam) có hơn 30 triệu lượt xem, “Quốc tế dọn nhà” (Trà xanh không độ) hút hơn 20 triệu lượt xem...
Trước sự bùng nổ mạnh mẽ của nhạc rap trong các sản phẩm quảng cáo mùa Tết Nguyên Đán Tân Sửu, có không ít ý kiến trái chiều. Bên cạnh bộ phận ủng hộ việc nhãn hàng bắt kịp xu hướng mới, một số ý kiến cho rằng apper làm quảng cáo mất chất, không vì đam mê và "thương mại hóa" dần theo giới Mainstream.
"Vì đam mê chân chính đôi khi là cái lý do bao biện cho sự thất bại khi không biến được đam mê thành tiền thôi. Giả sử mà có cái hợp đồng mấy chục triệu thì chắc cũng bỏ cái “đam mê chân chính” mà húp vội"; "Cho mình hỏi thế tại sao DSK lại không kiếm tiền từ nhạc mà chọn hướng đi vất vả hơn ạ vì anh ấy muốn 1 thứ âm nhạc thuần túy không quảng cáo"; "Rapper nổi lên tí là toàn đi chạy quảng cáo cho nhãn hàng này nhãn hàng nọ, nhạc nhẽo chẳng hiểu gì, nói chung là mất chất"... là một số bình luận của cư dân mạng trên các diễn đàn.
Trên trang cá nhân, O Buồn (Bùi Quốc Anh, vốn là 1 nhân vật có tiếng trên MXH với các viral triệu view, chuyên gia trong các clip parody về Rap/Hip-hop, có tiếng tăm trong giới Underground và gần đây gần như chuyển hẳn sang hướng làm rapper với rap name O Buồn) từng ngậm ngùi chia sẻ về thực trạng của nghề rapper ở Việt Nam: muốn làm hip hop đúng chất, trước tiên vẫn phải "lo cái bụng đói".
“Các bạn tự hào nói rằng rapper bên Mỹ họ làm nhạc vì đam mê? Đam mê của họ là tiền đó. Họ bán được album, họ đi show to, view họ trên YouTube tính tiền gấp 5 lần Việt Nam...Còn khi không có tiền, có bao nhiêu rapper Mỹ đứng đường để bán mixtape, chờ mòn mỏi để 1 label ký hợp đồng...” - O Buồn lên tiếng.
Anh cũng nói thêm sẽ tiếp tục làm quảng cáo và cũng khuyên anh em khác hãy làm vậy nhưng làm một dự án thật khủng. Khi đã có tiền rồi thì làm MV hoành tráng hơn và chào mời các nhãn hàng để có thêm tiền. O Buồn khẳng định đó là "đầu tư cho bản thân".
Quan điểm của O Buồn nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ các bạn bè đồng nghiệp và người nổi tiếng trong showbiz như Thành Draw, Vinh Râu, MCK, DVD...
Rapper quảng cáo đâu có sai!
Câu chuyện rap quảng cáo nên hay không nên vẫn đang là đề tài tranh cãi của cộng đồng mạng. Song nhìn lại, chuyện rapper đi làm kinh tế không phải quá mới mẻ.
Còn nhớ năm 1985, Run-DMC là một trong những cái tên thời đầu đã thành công trong việc “thương mại hoá” sản phẩm âm nhạc của mình với track My Adidas. Đây là bài hát đơn nằm trong album Raising Hell, được đề cử Grammy. Khởi đầu bằng một sản phẩm âm nhạc chất lượng, tour diễn của Run-DMC sớm lọt vào mắt xanh của Adidas. Đây cũng là cách Run-DMC mang văn hoá “đường phố” tới đại chúng.
Đen Vâu đã từng thừa nhận trong MV "Bài này chill phết" rằng: “không có tiền thì làm nhạc làm sao?”. Phản ứng của người nghe nhạc lẫn cả các nghệ sĩ trong nghề đều rất tích cực, ai cũng tự nguyện quyết tâm ủng hộ Đen Vâu 1 tỷ đồng để làm show.
Chia sẻ với báo chí, chuyên gia truyền thông Hằng Nguyễn nhận định: "Rap là một thị trường tiềm năng cho các nhãn hàng có tệp khách hàng có độ tuổi từ 15-28. Hình thức quảng cáo này đưa thương hiệu bộc lộ “chất riêng” khi biết cách tận dụng. Có thể nói đây là sự hợp tác win-win đem lại thành công cho nhãn hàng, tên tuổi cho nhóm cũng như tăng sức nặng cho văn hoá Hip-hop trên thị trường".
Rõ ràng, rapper hay bất cứ nghệ sĩ nào cũng đang phải chật vật với cơm áo gạo tiền bằng nhiều nghề khác để nuôi dưỡng đam mê. Việc sử dụng sản phẩm âm nhạc của bản thân kết hợp làm quảng cáo cũng chỉ là cách để kiếm tiền làm nhạc hay hơn gửi tặng đến khán giả. Tựu chung lại, làm quảng cáo hay làm vì đam mê, bản chất vẫn là làm việc, bởi thế nên đều này đáng được quan tâm, chia sẻ và tôn trọng thay vì lên án một cách vô cớ.
Đó còn chưa kể, các rapper có được sự chú ý thời gian vừa qua cũng là một tín hiệu đáng mừng sau 20 năm văn hóa Hip-hop ở Việt Nam vẫn loay hoay trong bóng tối.
Tin nổi bật
Tin Video