Tin tức

Trạm y tế lưu động tại TP.HCM: Đưa y tế gần hơn với F0 điều trị tại nhà

(VOVTV) - Nhiều F0 đang điều trị tại nhà ở TP.HCM được các trạm y tế lưu động theo dõi sức khỏe và hỗ trợ kịp thời nếu trở nặng. Với nhiều điểm dày đặc, mỗi trạm y tế lưu động được ví như những cánh tay nối dài của các cơ sở y tế, để chăm sóc tốt nhất cho F0.

Tác giả Kim Dung / VOV TPHCM
27/08/2021 11:30

Không nề hà hỗ trợ F0

Chiều 25/8, tại nhà F0 ngụ đường số 5, phường Linh Trung, TP. Thủ Đức, anh Huỳnh Ngọc Anh, nhân viên chống dịch tại trạm y tế lưu động phường Linh Trung và anh Nguyễn Tuấn Anh, tình nguyện viên vận chuyển F0, hối hả gói một ít đồ cá nhân, gối mền cùng sổ khám bệnh cho bệnh nhân N.T.Mai, 63 tuổi, để nhanh chóng đưa bà vào bệnh viện.

Trạm y tế lưu động tại TP.HCM: Đưa y tế gần hơn với F0 điều trị tại nhà - Ảnh 1.

Chuẩn bị từng đồ dùng cá nhân cho F0 vào bệnh viện

Gia đình bà Mai có 3 F0 vừa được phát hiện trong đợt test nhanh tại phường nhưng người nhà trở nặng và đã được nhập viện cấp cứu nên còn mỗi bà nằm ở nhà. Sau khi nhận thông tin bệnh nhân bị khó thở, bác sĩ trạm y tế lưu động xuống khám và ngay sau đó là xe chuyển bệnh nhanh chóng có mặt. Bệnh nhân bị liệt, lại suy yếu, không đi lại được nên 2 nhân viên trạm phải bế bệnh nhân len lỏi từ cuối dãy trọ gần 40m ra tận hẻm để cho lên ô tô.

Di chuyển F0 lên xe để nhập viện

Anh Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: "Cũng phải ẵm người ta lên xe, bế xuống xe, cũng có vài trường hợp rồi. Hầu như anh em ở đây đều đi chuyển cấp cứu, đều có những tình huống ẵm người bệnh vào bệnh viện. Nếu đã đi làm rồi mà thấy những trường hợp tội vậy là phải giúp hết".

Theo bác sĩ Trương Nguyễn Đoan Hạnh, Phó trưởng trạm y tế phường Linh Trung, phụ trách trạm y tế lưu động đặt tại trung tâm cách ly phường Linh Trung, trạm bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 23/8. Do TP. Thủ Đức có 32 cơ sở thu dung, số F0 điều trị tại nhà rất ít nên chủ trương của TP. Thủ Đức là lập các trạm y tế lưu động trong những khu thu dung này.

Trên địa bàn phường Linh Trung hiện nay chỉ có 17 F0 tại nhà nên trạm lưu động vừa hỗ trợ F0 tại nhà, vừa chăm sóc luôn cho F0 trong khu cách ly tạm thời. Ngoài lực lượng được phân bổ theo quy định, trạm y tế lưu động hiện còn có sự hỗ trợ của 1 bác sĩ và 2 học viên Học viện quân y vừa được chi viện, kịp thời hỗ trợ cho các F0.

Bác sĩ Hạnh cho biết: "Có thể có những diễn tiến rất bất ngờ, có thể trước đó họ không có bệnh nền gì cả nhưng diễn tiến suy hô hấp rất nhanh, chiếm khoảng 10%. Thì những ca đó trạm y tế lưu động xử lý tại chỗ cho thở oxy, đánh giá dấu hiệu sinh tồn rồi làm hồ sơ chuyển viện nhanh".

Cánh tay nối dài đến gần F0

Tại huyện Bình Chánh, ngoại trừ xã được đánh giá là "vùng xanh", còn lại trên địa bàn huyện có 15 trạm y tế lưu động. Mỗi trạm tập trung nhân lực từ các nguồn như y bác sĩ tình nguyện, nhân viên y tế tại chỗ, các cán bộ hỗ trợ…

Trạm y tế lưu động tại TP.HCM: Đưa y tế gần hơn với F0 điều trị tại nhà - Ảnh 3.

Trạm y tế lưu động còn thăm khám cho các F0 ở khu thu dung, cách ly tạm thời

Bác sĩ Phạm Văn Tuấn, Giám đốc trung tâm y tế Bình Chánh cho biết, các F0 khi điều trị tại nhà đều được tặng một túi thuốc chăm sóc sức khỏe. Bác sĩ tại các trạm y tế lưu động sẽ tiếp nhận khám và kê đơn thuốc cho bệnh nhân. Nhân viên y tế Trạm y tế lưu động thường xuyên đến tận nhà dân để đo SpO2, hỗ trợ oxy, tiến hành các bước sàng lọc, liên hệ chuyển tuyến khi F0 trở nặng.

"Khi mới thành lập trạm y tế lưu động thì F0 mình đã quản lý rồi. Tuy nhiên để chăm sóc tốt hơn cho F0 tại nhà, hiện huyện có 252 F0 tại nhà thì sẽ triển khai khoảng 6 trạm y tế lưu động, nhưng giờ huyện mở rộng luôn là 15 trạm y tế lưu động", bác sĩ Phạm Văn Tuấn nói.

Tại "điểm nóng COVID-19" của huyện Bình Chánh là xã Bình Hưng, có nhiều thời điểm trạm y tế lưu động hoạt động xuyên đêm. Nhân viên y tế và lực lượng tình nguyện liên tục điện thoại hướng dẫn, nắm bắt sức khỏe các ca F0 tại nhà. Hiện riêng tại xã này có gần 50 F0 đang điều trị tại nhà đều do trạm chăm sóc là chính.

Trạm y tế lưu động tại TP.HCM: Đưa y tế gần hơn với F0 điều trị tại nhà - Ảnh 4.

Vất vả bế bệnh nhân lên xe

Theo cử nhân hộ sinh Lê Thị Kiều Ngân, phụ trách trạm y tế lưu động xã Bình Hưng, người dân cũng đã tìm đến để được tư vấn, nắm kỹ hơn về phòng chống dịch COVID-19, xét nghiệm sàng lọc kịp thời hoặc gọi điện tư vấn khi có triệu chứng nghi ngờ. Trạm y tế hiện có 8 tình nguyện viên và còn mong muốn được hỗ trợ thêm để công tác phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho người dân được nhanh chóng, kịp thời hơn.

Chị Lê Thị Kiều Ngân nói: "Các tình nguyện viên rất là nhiệt tình. Hiện nay tình nguyện viên như đoàn viên thì nhập liệu về tiêm chủng, còn những điểm lấy mẫu lưu động nữa và phải đi đến tận nhà cho người dân. Địa bàn thì quá rộng, đội ngũ chúng tôi thì quá thưa, nhiều khi sợ chăm sóc không tận tình đối với người dân được và không với tới tận nơi".

Từ ngày 19/8 đến 26/8, TP.HCM đã thiết lập được 401 trạm y tế lưu động chăm sóc F0 tại nhà ở tất cả các quận huyện, con số này vượt chỉ tiêu đề ra ban đầu là 400 trạm sau một tuần triển khai. Dự kiến trong thời gian tới, tùy vào tình hình dịch bệnh và số ca F0 chăm sóc theo dõi ở nhà, ngành y tế TP.HCM sẽ tiếp tục thiết lập các trạm y tế lưu động nhằm đảm bảo mỗi trạm quản lý từ 50 đến 100 F0.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn