Khám phá

Trải nghiệm cực mới ở Lạng Sơn: leo vách đá

(VOVTV) - Lạng Sơn với những lợi thế về địa lý, tự nhiên, là nơi có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng và leo núi thể thao, hay còn gọi là leo vách đá.

Tác giả Mai Linh / VOV Đông Bắc
01/12/2020 23:54

Với phong cảnh hữu tình, nơi giao thoa văn hóa giữa miền ngược và miền xuôi, lại có quốc lộ 1A, tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn và tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn chạy qua, huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn) có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là du dịch cộng đồng. Mới đây, ở địa phương đã được cấp phép một dịch vụ du lịch mới: leo núi thể thao, hay còn gọi là leo vách đá.

Du lịch cộng đồng bên "Vịnh Hạ Long của xứ Lạng"

Lạng Sơn: Phát triển du lịch cộng đồng và leo núi thể thao - Ảnh 1.

Rất nhiều khách du lịch đến với khu du lịch cộng đồng Yên Thịnh

Điểm du lịch cộng đồng xã Hữu Liên nằm cách trung tâm huyện Hữu Lũng khoảng 25 km. Nơi đây được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi, ở giữa là đồng ruộng, thảo nguyên xanh mát. Tại khu danh thắng Đồng Lâm, vào mùa mưa, nước dâng cao phủ kín cánh đồng cỏ rộng lớn, tạo nên một không gian kỳ vĩ của non nước được ví như "Vịnh Hạ Long của xứ Lạng". 

Du khách đến đây ngoài cắm trại thưởng ngoạn phong cảnh, khám phá rừng nguyên sinh,… còn được trải nghiệm tìm hiểu đời sống, bản sắc văn hóa người dân bản địa. Những nếp nhà sàn truyền thống lợp mái ngói âm dương của người Tày, người Dao tạo ấn tượng khó quên cho du khách.

Du khách cũng được thưởng thức rượu ngô men lá của đồng bào Dao, tắm nước thảo dược, học cách làm bánh bí đỏ, bánh chưng đen của người Tày,… và thưởng thức nghệ thuật truyền thống do chính người dân địa phương thể hiện.

Lạng Sơn: Phát triển du lịch cộng đồng và leo núi thể thao - Ảnh 2.

Du khách được thưởng thức những món ăn truyền thống

Anh Vi Văn Cờ, chủ một homestay tại thôn Làng Bên, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng cho biết: “Gia đình nhà tôi vẫn thường xuyên đón khách với mỗi đợt đón được gần 30 người. Chúng tôi có 4 phòng khép kín và còn lại là các phòng sinh hoạt chung.

Khách đến đây thường thích đi trải nghiệm cùng bà con nông dân nhổ mạ, cấy lúa, thưởng thức những món ăn truyền thống của địa phương như bánh bí ngô, bánh chưng đen,… Từ khi xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, kinh tế gia đình cũng khá hơn nhiều so với làm nông, người dân xung quanh cũng được hưởng lợi từ các hoạt động du lịch.”

Lạng Sơn: Phát triển du lịch cộng đồng và leo núi thể thao - Ảnh 3.

Homestay dành cho khách du lịch

Hình thành từ năm 2016, Làng văn hóa du lịch cộng đồng xã Hữu Liên (huyện Hữu Lũng) đã có gần chục hộ kinh doanh dịch vụ homestay, đã thu hút khoảng 20 nghìn lượt khách trong nước và quốc tế.

Chị Nguyễn Thị Thu, du khách đến từ thành phố Hải Phòng cảm nhận: “Tôi là người rất hay đi du lịch khám phá, chắc là cũng đi gần hết đất nước Việt Nam rồi. Cái khác biệt mà mình cảm nhận được so với những địa điểm đã từng đến đó là khung cảnh rất hoang sơ và tự nhiên, không khí rất mát mẻ."

Lạng Sơn: Phát triển du lịch cộng đồng và leo núi thể thao - Ảnh 4.

Kiến trúc nhà ở tạo ấn tượng cho khách du lịch khi đến làng du lịch cộng đồng Hữu Liên

"Người dân ở đây thân thiện, chất phác và hiền lành. Đặc biệt bản sắc văn hóa vẫn giữ nguyên nhiều không bị mai một hay làm thương mại hóa. Tôi rất ấn tượng và chắc chắn sẽ quay lại,” chị Thu nói.

Cách điểm du lịch cộng đồng xã Hữu Liên không xa, Làng du lịch cộng đồng tại xã Yên Thịnh được thành lập gồm 3 thôn: Đồng Tiến, Làng Áng và Gạo Ngoài với những dãy núi đá vôi hiểm trở, những hang động kỳ thú và những dòng suối uốn lượn quanh thung lũng.

Leo núi mạo hiểm trên những vách đá dựng đứng

Ngoài trải nghiệm du lịch cộng đồng, du khách còn được khám phá sản phẩm du lịch thể thao leo núi mạo hiểm. Với nhiều đường leo cấp độ khác nhau, khi chinh phục những ngọn núi cao tại đây du khách được phóng tầm mắt tận hưởng khung cảnh đồng lúa xanh mướt phía dưới.

Anh Ngô Văn Đức, trú tại thôn Làng Áng, xã Yên Thịnh, cho biết: “Những người leo núi trải nghiệm khi đến đây thì người ta nhận xét rằng vách đá ở đây rất đẹp, còn đẹp hơn cả các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Philippin. Có khách đến đây không thích leo núi trải nghiệm thì người ta trải nghiệm cuộc sống ở vùng quê hoặc tập yoga trong không khí trong lành, đọc sách, đọc báo… Ở đây đón nhiều khách nước ngoài nhưng đa số là khách người Pháp. Trước kia phải đi xuống Hà Nội mới thấy khách du lịch người nước ngoài, nhưng bây giờ trực tiếp ở quê hương mình cũng đón được khách nước ngoài, thì bà con cũng thấy rất vinh dự.”

Lạng Sơn: Phát triển du lịch cộng đồng và leo núi thể thao - Ảnh 5.

Leo núi thể thao là một hình thức du lịch khá mới mẻ mới được cấp phép tháng 10 vừa qua

Hoạt động leo núi mạo hiểm do Công ty cổ phần dịch vụ thể thao và giải trí Việt Nam (Vietclimb) khởi xướng và hiện đang khai thác với hai hình thức leo dẫn đường và leo với dây neo sẵn.

Tại mỗi khu vực đều có thiết kế bản đồ leo núi do các chuyên gia nước ngoài nghiên cứu phát triển và thông tin cơ bản các đường leo; phục vụ thí điểm hoạt động leo núi thể thao cho du khách.

Lạng Sơn: Phát triển du lịch cộng đồng và leo núi thể thao - Ảnh 6.

Anh Ngô Văn Đức, trú tại thôn Làng Áng, xã Yên Thịnh, cho biết: Với nhiều đường leo cấp độ khác nhau, khi chinh phục những ngọn núi cao tại đây du khách được phóng tầm mắt tận hưởng khung cảnh đồng lúa xanh mướt phía dưới

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Lạng Sơn cho biết: “Cuối tháng 10 vừa qua chúng tôi đã khai trương và cấp phép cho doanh nghiệp được khai thác dịch vụ leo núi. Đây là một trong số ít những địa điểm được triển khai dịch vụ leo núi mạo hiểm ở nước ta.

Hiện nay chủ yếu là khách đến tham quan, còn người trải nghiệm chủ yếu là các vận động viên leo núi chuyên nghiệp đã có kinh nghiệm rồi. Vấn đề đảm bảo an toàn cho du khách là rất quan trọng, doanh nghiệp triển khai đưa du khách tới đó thì phải có trách nhiệm trong vấn đề này.”

Được biết, nhiều lớp tập huấn cách thức, kỹ năng nghiệp vụ phát triển du lịch cộng đồng; tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện và nhân viên cứu hộ môn leo núi thể thao của doanh nghiệp và người dân địa phương đã được mở ra.

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết: "Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh".

Ý kiến của bạn