Trải lòng của những phóng viên “cắm bản”
(VOVTV) - Hiện có hàng trăm cán bộ, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí được phân công về địa phương làm nhiệm vụ chuyên môn. Đặc biệt, ở những nơi xa xôi, khó khăn, những phóng viên "cắm bản" luôn đặt nhiệm vụ lên hàng đầu. Họ đến vùng đất mới với tình yêu nghề và nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.
“Lên đây lần đầu tiên tôi đi công tác tại huyện vùng cao Pác Nặm, khi tiếp xúc bà con dân bản chỉ nói tiếng dân tộc thiểu số. Lần đầu tiên tôi cũng không biết tiếng dân tộc là gì cả. Thực sự chuyến đi đó tôi gần như không thu hoạch được gì, lúc đó tôi khá hoang mang. Nhưng về nghĩ lại, tôi không thể chịu khuất phục trước những cái khó đó được và chính điều đó kích thích tôi chinh phục. Khó khăn đó cũng là muốn thử thách mình, từ đó tôi cũng quyết tâm tìm hiểu, học hỏi để gắn bó với mảnh đất này”.
Đó là chia sẻ của Nhà báo Vũ Hoàng Giang, Cơ quan thường trú TTXVN tỉnh Bắc Kạn về ngày đầu nhận nhiệm vụ năm 2014. Sinh ra, lớn lên và công tác tại Hà Nội nhưng anh xung phong lên “cắm” địa bàn ở mảnh đất được xem là khó khăn nhất của cả nước. Bắc Kạn thời điểm đó điều kiện đường xá đi lại khó khăn, có đến 80% là người dân tộc thiểu số; nhiều bản phải đi bộ đến nửa ngày mới tới nơi. Khác biệt về ngôn ngữ, xa lạ về văn hóa, tập quán… là trở ngại nhưng cũng là thử thách thôi thúc bản năng ưa khám phá của một nhà báo trẻ như Hoàng Giang khát khao chinh phục.
Trong khoảng một năm, nhà báo Hoàng Giang đã đặt chân đến gần hết 122 xã, thị trấn trong toàn tỉnh. Những bản vùng cao người Mông huyện Pác Nặm hay nhưng bản người Tày ở tận vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Nam Xuân Lạc không còn xa lạ với Hoàng Giang. Khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa càng là chất liệu quý cho những bài viết của anh về đề tài dân tộc, miền núi có góc nhìn mới mẻ. Mảnh đất và con người Bắc Kạn đã làm thay đổi cuộc đời của nhà báo Hoàng Giang. Năm 2017, anh yêu và lập gia đình với một cô gái người Bắc Kạn, chính thức trở thành công dân của tỉnh miền núi này.
Theo Nhà báo Vũ Hoàng Giang, để hoàn thành vai trò một phóng viên thường trú thì ý thức trách nhiệm phải được đặt lên hàng đầu: “Trong thời gian công tác ở Bắc Kạn, điều tôi nhớ nhất đó là 30 Tết âm lịch năm 2020, bố mẹ vẫn ở Hà Nội nên tôi xin phép cơ quan về thăm nhà. Nhưng đêm giao thừa tôi nhận được tin Bắc Kạn có mưa đá khiến hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hư hại. Về với gia đình được mấy giờ đồng hồ thì ngay lập tức tôi lại trở lại Bắc Kạn để có thể kịp thời thông tin công tác khắc phục luôn trong những ngày Tết”.
Còn với Trịnh An, phóng viên trẻ của báo Lao Động đang thường trú tại tỉnh Cao Bằng, dù có chút hình dung nhưng khi đến nhận nhiệm vụ vẫn không khỏi bất ngờ về điều kiện cơ sở vật chất của vùng đất này. Hai năm gắn bó, kỷ niệm đáng nhớ nhất với nhà báo Trịnh An là chuyến công tác ở bản Lũng Mần, xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng). Lũng Mần là bản xa xôi, khó khăn nhất trên tuyến biên giới Cao Bằng với câu nói “xa Yên Thổ, khổ Đức Hạnh”. Để đến được đây nhà báo Trịnh An phải đi mất gần 1 ngày. Theo Trịnh An, chính những vùng đất xa xôi, gian khó, nơi “gói mì tôm cũng là đặc sản”, nơi có các thầy cô giáo cõng chữ lên núi, nơi mỗi người dân được ví như "cột mốc sống" là động lực để anh có những bài viết thực sự sâu sắc và trưởng thành với nghề.
“Khoảng 1,2 tháng đầu tôi cũng bất ngờ với sự khó khăn của Cao Bằng, ở đây bà con vất vả quá, khó từ nguồn nước đến cái ăn, mặc, điều kiện tự nhiên. Trở lại câu chuyện với phóng viên trẻ bản thân tôi rút ra, thì quan trọng là tính thích nghi để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và như tôi vẫn nói vui, đó là cần sống khỏe trong mọi hoàn cảnh. Đó mới là phóng viên trẻ thực sự để có xứng đáng với tin tưởng hay không, chỗ khó mới cần người hay, tôi xem đó như một thử thách bản thân, như lửa thử vàng vậy”, PV Trịnh An nói.
Với nhiệm vụ đặc thù của phóng viên thường trú, họ là những người chịu trách nhiệm bao quát, thông tin kịp thời tất cả sự việc, vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của địa bàn được giao phụ trách. Do đó, ngoài sự nhanh nhạy, nghiêm túc với nghề, điều cần thiết đối với những phóng viên “cắm bản” là sự am hiểu về tình hình địa phương, nhất là về văn hóa, phong tục. Điều này cũng là trở ngại không nhỏ với phóng viên như Hoàng Giang hay Trịnh An từ Hà Nội, đô thị phồn hoa đến gắn bó với vùng đất còn nhiều khó khăn như Cao Bằng, Bắc Kạn. Do đó, họ sẽ phải nỗ lực gấp đôi so với những nhà báo khác để có được thông tin kịp thời và những bài viết thực sự chất lượng, có tầm bao quát vấn đề. Thậm chí, để có những chuyến đi dài ngày ở miền núi hay có thể cắm chốt tại địa bàn, họ còn phải sắp xếp lo toan cho gia đình, con cái để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nhà báo Nguyễn Liên, Phóng viên phụ trách các tỉnh miền núi phía Bắc (Báo Công Lý) chia sẻ: Với đồng nghiệp nam phụ trách địa bàn miền núi vốn vất vả thì với phóng viên nữ còn khó khăn hơn gấp bội. Tuy nhiên, sự tin tưởng và yêu quý của người dân chính là động lực to lớn cho chị cũng như mỗi người làm báo gắn bó và yêu nghề hơn.
“Chúng tôi luôn nỗ lực có những bài viết hay, cũng như đi sâu hơn, gắn bó hơn với đồng bào để hiểu được tình cảm, tâm tư nguyện vọng của bà con và đưa hơi thở cuộc sống cũng như văn hóa các vùng miền đến với đồng bào để mọi người chia sẻ nhiều hơn về cuộc sống cũng như hiểu hơn về chính sách. Bản thân tôi mỗi khi về bản có người chạy ra cho cân gạo, vài bắp ngô, cân khoai, bó rau thực sự đó là những món quà rất quý giá mà không phải ai cũng cảm nhận được”, nhà báo Nguyễn Liên cho hay.
Ở các tỉnh vùng núi, nhiều bản không có điện thắp sáng, không có sóng điện thoại hay xa trung tâm xã đến cả chục cây số đường đồi, dốc. Đặc thù của thường trú của các đơn vị báo chí chỉ có 1 - 2 người, nên mỗi chuyến công tác, phóng viên độc hành trên chiếc xe máy với đủ các thiết bị như máy ảnh, máy quay, máy tính... Chặng đường đi thực tế của các phóng viên thường trú vất vả, nhiều nguy cơ rủi ro. Đó có thể là tai nạn khi qua những cung đường đèo dốc hay những cơn mưa rừng bất chợt gây lũ quét, sạt lở đất, thậm chí lời đe dọa khi thực hiện những phóng sự mang tính điều tra, phản ánh tiêu cực… Vậy nhưng, với những nhà báo chân chính, khó khăn cũng là động lực để họ vượt qua chính mình.
Nhà báo Lê Quốc Đạt, Phóng viên thường trú báo Nhân dân tại tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: “Địa bàn miền núi thường rất khó khăn. Có lẽ chúng ta cần sự đam mê, chỉ có sự đam mê, yêu nghề, có lửa nghề thì chúng ta mới vượt qua khó khăn trở ngại đó. Không một sự nghiệp, con đường nào màu hồng và trải hoa hồng cả. Hoa hồng thì luôn có gai và tất cả khó khăn sẽ là động lực giúp chúng ta yêu nghề, đam mê với nghề hơn”.
Dù khó khăn, vất vả nhưng những nhà báo “cắm bản” vẫn đang nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao, âm thầm đóng góp cho sự phát triển của báo chí Cách mạng Việt Nam cũng như cho sự phát triển kinh tế, xã hội vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên khắp mọi miền. Bởi với họ, hạnh phúc là được làm nghề./.
Tin nổi bật
Tin Video