Tin tức

TP.HCM: Yêu cầu không để F0 lưu lại tại địa phương quá 12 giờ

(VOVTV) - Sở Y tế TP.HCM mới ban hành công văn khẩn về việc điều chuyển các ca F0 đến bệnh viện trên địa bàn TP, trong đó yêu cầu không để F0 lưu lại tại địa phương quá 12 giờ.

Tác giả Kim Dung / VOV TP.HCM
17/07/2021 16:45

Theo đó, để kịp thời điều chuyển các ca F0 nhằm giảm áp lực cho hệ thống y tế của quận - huyện, TP.Thủ Đức và giảm tử vong đối với các ca nặng, Sở Y tế TP.HCM ủy quyền cho Trung tâm Cấp cứu 115 chịu trách nhiệm điều phối những trường hợp F0 đến các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19. Bên cạnh đó, tiếp nhận những ca nhiễm SARS-CoV-2 trong trường hợp cấp cứu đến các bệnh viện điều trị Covid-19.

Trung tâm Cấp cứu 115 sử dụng phần mềm điều phối thông minh của Sở Y tế để đáp ứng nhu cầu chuyển những trường hợp F0 vào các bệnh viện thu dung điều trị Covid-19, không để F0 lưu lại tại địa phương quá 12 giờ; đồng thời chuyển những trường hợp F0 có triệu chứng hay bệnh lý nền đến các bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 và Bệnh viện Hồi sức Covid-19 nhằm giảm số ca tử vong.

Điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp.jpg

Điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp

Đồng thời, Trung tâm Cấp cứu 115 tiếp nhận và huấn luyện 40 tình nguyện viên là sinh viên, học sinh do Thành đoàn TP.HCM điều phối, hoàn chỉnh ứng dụng điều phối xe cấp cứu thông minh (lắp đặt hệ thống GPS). Điều phối xe cấp cứu của các bệnh viện tư nhân, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM tự nguyện đăng ký tham gia công tác vận chuyển người bệnh Covid-19.

Đối với các bệnh viện phân công thu dung điều trị Covid-19, Sở Y tế yêu cầu giám đốc chịu trách nhiệm khẩn trương triển khai đầy đủ số giường được giao theo kể hoạch. Triển khai, giám sát việc cập nhật dữ liệu người bệnh và số giường còn trống vào Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19 một cách thường xuyên, bảo đảm luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh.

Trung tâm Y tế TP. Thủ Đức và các quận - huyện có trách nhiệm cập nhật thường xuyên F0 mới phát hiện tại địa phương. Triển khai, giám sát phân loại các F0 để chuyển đến các bệnh viện phù hợp. Nếu trường hợp F0 còn tồn đọng kéo dài, F0 có hoàn cảnh đặc biệt (ví dụ đang điều trị methadone, người bệnh già yếu neo đơn...), các trung tâm y tế chủ động liên hệ thanh tra hoặc phòng nghiệp vụ y của Sở Y tế TP.HCM để được giải quyết.

Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh các bệnh viện phải có trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch Covid-19 của TP, đặc biệt là tiếp nhận cấp cứu cho bệnh nhân nặng, tuyệt đối không được từ chối nếu còn khả năng tiếp nhận điều trị.

Trước đó, tại hội nghị Sơ kết 7 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ ra nhiều bất cập trong việc quy trình, xử lý, điều trị F0. Thời gian điều chuyển F0 từ địa phương đến bệnh viện còn chậm, công tác phối hợp điều chuyển F0 từ tuyến dưới lên tuyến trên có sự lúng túng, mất thời gian tìm bệnh viện đủ năng lực tiếp nhận bệnh nhân, gây mất thời gian cấp cứu cho bệnh nhân.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn