Tin tức

TP.HCM: Y tế tuyến cơ sở bộc lộ nhiều hạn chế qua đợt dịch COVID-19

(VOVTV) - Sáng 9/10, tại buổi tiếp xúc trực tuyến với cử tri ngành y tế TP.HCM của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, các cử tri nhận định, thời gian qua, khi đại dịch COVID-19 bùng phát đã bộc lộ nhiều điểm yếu của y tế tuyến cơ sở, cần nhanh chóng có sự thay đổi về chính sách, tập trung đầu tư về nhân lực, vật lực để nâng cao năng lực của y tế “cửa ngõ” trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tác giả Kim Dung / VOV TP.HCM
09/10/2021 14:24

Theo TS. BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, mạng lưới y tế cơ sở là tuyến đầu, làm nhiệm vụ “gác cổng”, nơi đầu tiên người dân tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh, là tuyến gần dân nhất có nhiệm vụ quản lý sức khỏe và cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Thế nhưng, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố, hệ thống y tế cơ sở đã bộc lộ rõ những điểm yếu trong việc trong việc duy trì hoạt động phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong công tác phòng, chống dịch, cụ thể là nhân lực, cấu trúc tổ chức, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu-Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM kiến nghị các chính sách cho trạm y tế.jpg

TS. BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM kiến nghị các chính sách cho trạm y tế

Vì vậy, Sở Y tế đang xây dựng Kế hoạch “Nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở trong giai đoạn kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM” trình UBND TP, trong đó có những vấn đề liên quan đến chính sách để phát huy hiệu quả y tế cơ sở trong phòng chống dịch.

Cụ thể, đối với trạm y tế, Sở Y tế TP kiến nghị, các bộ, ngành sớm giao chỉ tiêu số lượng người làm việc theo quy mô dân số tại phường, xã, thị trấn và tính đặc thù của địa bàn, đảm bảo đủ nhân lực thực hiện chăm sóc, khám chữa bệnh ban đầu, quản lý sức khỏe người dân và phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Đồng thời có chính sách thu hút nhân lực gắn bó lâu dài với các trạm y tế, như tăng hệ số lương khởi điểm; có cơ chế tạo điều kiện phát triển chuyên môn theo nhu cầu; khi nhân viên y tế có đủ thời gian tối thiểu công tác tại y tế cơ sở 5 năm được quyền chọn lựa nhiệm sở khác theo nguyện vọng...

BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: "Cần có chính sách thu hút nhân lực có chuyên môn từ những nguồn khác như y tế tư nhân, nhân viên y tế nghỉ hưu, lực lượng tình nguyện viên từ các sinh viên thuộc khối ngành sức khỏe... bằng các hình thức hợp đồng lao động, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng hợp tác chuyên môn sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách. Có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, gồm nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao khẩn cấp cho mô hình trạm y tế lưu động để ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh bùng phát hoặc thiên tai, thảm hoạ."

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc trực tuyến cử tri ngành y tế TP.HCM.jpg

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc trực tuyến cử tri ngành y tế TP.HCM

Đối với trung tâm y tế, Sở Y tế TP.HCM nhận định, đây là bộ phận thường trực của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận huyện, toàn bộ lực lượng nhân viên y tế của trung tâm y tế và trạm y tế cùng với chính quyền tham gia phòng, chống dịch tại địa phương. Ngoài ra, trung tâm y tế là đơn vị nòng cốt của quận, huyện chỉ đạo, giám sát hoạt động chuyên môn của trạm y tế trong việc chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân. Vì vậy mô hình UBND quận huyện quản lý toàn diện y tế địa phương là phù hợp hơn và Sở Y tế đóng vai trò quản lý về chuyên môn và chịu trách nhiệm điều phối nhân lực quản lý.

Còn theo TS. BS Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng TP.HCM, trạm y tế ngoài việc chăm sóc sức khỏe toàn dân thì còn có nhiệm vụ khám chữa bệnh thông thường, quản lý các bệnh mãn tính không lây... Tuy nhiên, muốn có người bệnh đến khám thì phải xây dựng niềm tin của người dân. Hiện nay do thiếu nhân lực về cả số lượng và chất lượng nên hoạt động của trạm y tế còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, theo số liệu của Bộ Y tế năm 2017-2018, số cán bộ y tế tại các trạm y tế ở TP.HCM chỉ có 2,3 người/10.000 dân, thấp hơn 3 lần so với toàn quốc. Vì vậy, cần tăng biên chế cho trạm y tế, với mức 1 biên chế/2.000-4.000 dân, đảm bảo trạm y tế có bác sĩ y học cổ truyền, dược tá, điều dưỡng, cán bộ phụ trách công nghệ thông tin, bác sĩ gia đình…; tăng thu nhập cho cán bộ y tế làm việc tại các trạm y tế.

Nhân viên y tế hỗ trợ cấp cứu F0 (Ảnh tư liệu).jpg

Nhân viên y tế hỗ trợ cấp cứu F0. (Ảnh tư liệu)

Bác sĩ Lê Bá Kông, Trưởng Trạm y tế phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức cho biết, đợt dịch bệnh vừa qua đã lộ ra những điểm yếu của trạm y tế về nguồn nhân lực, nguồn tài chính cũng như kiến thức. Tại phường Bình Chiểu, trong tháng 7, có thời điểm mỗi ngày lên đến 100 ca COVID-19, nhưng nhân sự không đủ để truy vết và thăm khám, dẫn đến quá tải rất lớn. Nhờ sự hỗ trợ của y tế tư nhân cũng như nguồn thuốc của các mạnh thường quân, sau này có sự chi viện hỗ trợ từ Tổng đài tư vấn 115, sinh viên y khoa, lực lượng quân y… mới đáp ứng công tác chống dịch tại trạm y tế. Nếu trong vài ngày tới, lực lượng chi viện này rút đi thì cần phải có nguồn khác thay thế.

Bác sĩ Lê Bá Kông đề nghị: "Để thu hút được nhân lực thì cần phải có một nguồn kinh tế vững vàng cho nhân viên cũng như niềm vui khi làm việc tại trạm. Vì vậy tôi mong được quan tâm hơn về chính sách đào tạo, nâng cao năng lực, cũng như chế độ lương, phụ cấp trong công tác chống dịch."

Theo Bác sĩ Nguyễn Thái, Giám đốc Trung tâm Y tế Quận 3, lực lượng liên quan đến y học dự phòng, y tế công cộng chưa được quan tâm, đầu tư thỏa đáng. Trong đợt dịch vừa qua, với việc đảm nhận nhiệm vụ tầng 1 trong hệ thống điều trị COVID-19 cho thấy trạm y tế có vai trò vô cùng quan trọng. Vì vậy, cần có một cơ chế vận hành riêng cho trạm y tế, cụ thể, cho phép trạm huy động sự tham gia của các lực lượng y tế mà trạm chưa có, ví dụ như bác sĩ răng hàm mặt không có trong khung hoạt động của trạm y tế, hoặc bác sĩ y học gia đình hiện nay nơi có – nơi không.

Ý kiến của bạn