Tin tức

TP.HCM: Y tế cơ sở vẫn lo quá tải F0

(VOVTV) - Từ ngày 1/10 đến nửa cuối tháng 10/2021, số ca mắc mới, tử vong tại TP.HCM giảm liên tục và giảm sâu, được kỳ vọng F0 có xu hướng giảm sâu hơn. Tuy nhiên, vài tuần trở lại đây, số F0 đang gia tăng dần, trung bình mỗi ngày trên 1.000 ca. Đặc biệt F0 cách ly tại nhà được phát hiện qua test nhanh tăng cao.

Tác giả Kim Dung / VOV TP.HCM
18/11/2021 09:18

Mặc dù bệnh nhân COVID-19 không nặng, song số lượng F0 lớn cũng là nỗi lo quá tải cho y tế địa phương khi thực hiện quản lý tại nhà.

Nhân viên trạm y tế không kịp nghỉ ngơi

Những ngày này, các nhân viên của trạm y tế xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM căng mình hỗ trợ các F0 trên địa bàn. Cách đây 5 ngày, xã được chi viện thêm 1 trạm y tế lưu động gồm một bác sĩ và một kỹ thuật viên. Thế nhưng hiện xã Long Thới có hơn 250 ca F0 cách ly tại nhà, trong khi trạm y tế chỉ có 5 người, thêm 2 người của trạm lưu động vẫn phải đảm nhiệm một lúc nhiều công việc như lấy mẫu, chăm sóc, điều trị, cấp phát các túi thuốc… cho các bệnh nhân.

Bác sĩ Lê Tấn Đức, trưởng trạm Y tế xã Long Thới cho biết, nhân viên y tế ở đây rất áp lực nhưng phải chủ động sắp xếp. Hiện nay trạm y tế lưu động được đặt ngay tại trạm cơ hữu để bố trí, san sẻ công việc. Bác sĩ Đức đã đề xuất được tăng cường thêm 3 trạm y tế lưu động tại 3 ấp trên địa bàn, để người dân được hỗ trợ kịp thời, giảm bớt công việc cho nhân viên y tế.

TP.HCM: Y tế cơ sở vẫn lo quá tải F0   - Ảnh 2.

Nhân viên y tế vừa lấy mẫu xét nghiệm, vừa chăm sóc quản lý F0, phát thuốc... Ảnh: Kim Dung

Bác sĩ Lê Tấn Đức cho biết thêm: "Hằng ngày trạm y tế lấy mẫu, phải có 2-3 nhân viên. Sau đó đi truy vết những ca nhiễm trong cộng đồng, rồi mới khoanh vùng ổ dịch. Nói chung làm rất cực, từ sáng đến chiều, có khi không nghỉ nữa. Rồi về phải nhập phần mềm để quản lý, nhập Zalo, kết nối với các ca F0 để nếu người ta nhắn lên thì mình phải trả lời kịp".

Để hỗ trợ nhân viên y tế, UBND xã Long Thới đã huy động cả viên chức, người lao động của xã tham gia nhập dữ liệu cho trạm y tế.

Theo ông Nguyễn Tấn Minh Trí, Chủ tịch UBND xã Long Thới, số ca F0 ở xã gia tăng do tại đây có khu công nghiệp, công nhân sinh sống tại 175 khu nhà trọ trên địa bàn. Trong tình hình mới, thực hiện chiến lược điều trị F0 tại nhà thì cần lực lượng của cơ sở đủ về số lượng và chuyên môn để chăm sóc cho các F0 tại địa bàn dân cư. 

Xã đã thành lập 3 Tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, trên cơ sở là các trưởng ấp cùng những tình nguyện viên, người có chuyên môn y tế tham gia. Sắp tới, tùy tình hình số ca F0 trên địa bàn, địa phương sẽ có thêm các tổ chăm sóc F0.

TP.HCM: Y tế cơ sở vẫn lo quá tải F0   - Ảnh 3.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật kiểm tra công tác điều tra ổ dịch tại một khu trọ ở xã Long Thới - Nhà Bè. Ảnh: Kim Dung

"Trung bình một tổ chăm sóc từ 15-50 ca F0, nếu vượt hơn sẽ thành lập thêm nữa, vận động các tình nguyện viên và các anh chị tham gia rất nhiệt tình. Trách nhiệm của UBND xã và cá nhân của từng thành viên Ban chỉ đạo là phải vận động nguồn lực chăm lo thêm để cho các tình nguyện viên yên tâm thực hiện nhiệm vụ của mình", ông Trí nói.

Sẵn sàng đội dự bị

Còn tại huyện Hóc Môn, trước đó có tình trạng quá tải công việc, một số người dân gọi đến đường dây nóng của trạm y tế xã nhưng không ai nghe máy, do nhân viên đang tập trung thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, điều tra ổ dịch. Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn, thời điểm này có tổng cộng 34 trạm y tế lưu động chi viện cho 12 trạm y tế xã trong công tác chống dịch, quản lý và chăm sóc cho 6.650 F0 trên địa bàn, nhờ đó giảm được tình trạng quá tải.

Trong vòng 1 tháng trở lại đây, Hóc Môn ghi nhận hơn 7.500 ca F0, trong đó chỉ có khoảng 20 ca nặng phải chuyển lên tuyến trên, còn lại chủ yếu là triệu chứng nhẹ và không triệu chứng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Trường chia sẻ, mỗi ngày, huyện ghi nhận từ 300-500 ca F0: "Sở Y tế xây dựng kế hoạch và chỉ định các bệnh viện trên tinh thần các đội dự bị. Ở Hóc Môn thì có Bệnh viện Nhi đồng 2 với 10 trạm y tế lưu động. Khi nào cần thì mình sẽ gọi thì Sở Y tế sẽ điều động. Nhờ lực lượng này nên công việc của anh em cũng giảm áp lực bớt".

TP.HCM: Y tế cơ sở vẫn lo quá tải F0   - Ảnh 4.

Công nhân cách ly tại phòng trọ được dán bảng trước cửa. Ảnh: Kim Dung

TP.HCM hiện có 47.000 F0 cách ly tại nhà, chiếm 73% số F0 toàn TP. Theo lãnh đạo ngành y tế TP.HCM, số F0 ở một số địa phương tăng cao nhưng vẫn trong kiểm soát. Lượng F0 tăng chủ yếu tại các quận huyện vùng ven, phần lớn là những người đi làm, công nhân, các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Khi đi làm lại, các doanh nghiệp xét nghiệm nhanh và phát hiện F0. Trong quá trình điều tra ổ dịch, lại tiếp tục phát hiện F0 tại các nhà trọ liên quan đến nơi công nhân này sinh sống.

Để tăng cường năng lực theo dõi, quản lý, chăm sóc F0 tại nhà, Sở Y tế TP.HCM đã thiết lập hàng loạt trạm y tế lưu động.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, mỗi trạm có thể theo dõi từ 50-100 F0 cách ly tại nhà. Với tình hình tiếp tục gia tăng các F0 hiện nay, ngành Y tế TP đã đề xuất triển khai các khu cách ly cấp quận huyện, "chuẩn bị trước 1 bước và trên 1 mức" so với tình hình dịch hiện tại để có thể sẵn sàng ứng phó với bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra.

"Địa phương lên kế hoạch, có những kịch bản, tình huống nếu số lượng F0 như vậy thì bao nhiêu trạm và ở đâu. Tương tự như vậy thì sở y tế cũng có một danh sách cán bộ y tế chúng tôi sẵn sàng điều động, mà chúng tôi hay gọi là "lực lượng dự bị động viên", khi cần thì sẵn sàng bệnh viện này tăng cường bao nhiêu, ở những địa phương nào", Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng nói.

Mới đây, Sở Y tế TP.HCM và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM đã kích hoạt lại mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" nhằm tăng cường tư vấn và hỗ trợ cho F0. Theo đó, khi cần tư vấn và hỗ trợ, F0 hoặc người thân hãy gọi tổng đài 1022, bấm phím số 4.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn