TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 với các giải pháp mạnh hơn
(VOVTV) - TP.HCM tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 đến ngày 1/8 với các giải pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch. Đây là mục tiêu được nêu lên tại Hội nghị sơ kết 2 tuần thực hiện Chỉ thị 16 ở TP.HCM chiều ngày 23/7.
Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, mặc dù Thành phố đã cố gắng kiểm soát tình hình dịch trên địa bàn nhưng số ca nhiễm vẫn còn tăng cao, đa số là tại các khu phong tỏa, cho thấy việc quản lý tại các khu phong tỏa còn chưa chặt chẽ.
Việc triển khai các giải pháp theo Chỉ thị 16 có nơi có lúc chưa hiệu quả, thống nhất, chưa đủ mạnh trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn. Vì vậy, TP tăng cường một số biện pháp mạnh hơn nữa theo đúng tinh thần Chỉ thị 12 của Thành ủy TP.HCM ngày 22/7, nhằm kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao.
Cụ thể là thu hẹp diện các nhóm đối tượng hoạt động trong thời gian thực hiện cách ly toàn TP. Tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động của các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách.
TP sẽ siết chặt hoạt động của doanh nghiệp, chỉ những doanh nghiệp dịch vụ thiết yếu về y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động và phải bảo đảm an toàn.
TP.HCM cũng tiếp tục tổ chức việc lấy mẫu xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm để mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng đỏ (nguy cơ cao), thực hiện xét nghiệm tại nhà kịp thời cho người có triệu chứng, người có yếu tố dịch tễ…
Ông Dương Anh Đức nhấn mạnh, TP sẽ thực hiện khoanh vùng khu phong tỏa phù hợp đáp ứng các tiêu chí về dịch tễ; hàng ngày theo dõi số lượng F0 phát sinh mới tại từng khu phong tỏa, qua đó kịp thời phát hiện nguy cơ lây nhiễm chéo và có giải pháp khắc phục ngay, đánh giá tình hình khu phong tỏa định kỳ để kịp thời gỡ phong tỏa từng phần, từ đó sẽ giảm thiểu áp lực về tâm lý cho người dân và sức lực của các lực lượng quản lý phong tỏa.
"Các địa phương phải thật quyết liệt, tăng cường kiểm tra, giám sát đôn đốc thực hiện nghiêm về giãn cách, nhất là đảm bảo giãn cách giữa cá nhân và cá nhân, nhà cách ly với nhà, người cách ly với người, tăng cường công tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trong khu phong tỏa", ông Dương Anh Đức cho biết.
Trong đợt dịch thứ 4 này, số ca nhiễm cộng đồng của TP.HCM là 46.178 trường hợp, trong đó từ ngày 9/7 đến 6 giờ ngày 23/7 có 40.255 ca nhiễm mới, chủ yếu trong khu cách ly, phong tỏa.
Tin nổi bật
Tin Video