TP.HCM thu phí vỉa hè, lòng đường: Làm sao để tránh việc trục lợi chính sách
(VOVTV) - Việc thu phí lòng đường, vỉa hè đã được HĐND TP.HCM chấp thuận chủ trương tại kỳ họp vừa qua và nhận được sự ủng hộ, đồng thuận trong nhân dân. Tuy nhiên cũng có những ý kiến lo lắng, làm sao để triển khai hiệu quả, tránh việc đối phó, tránh nguồn thu lại tiếp tục chảy vào túi của một số cá nhân…
Siết lại quản lý trật tự vỉa hè, lòng đường
Có mặt tại con đường Nguyễn Gia Trí (D2 cũ), phường 25, quận Bình Thạnh vào chiều tối, chúng tôi thấy sự nhộn nhịp của hoạt động buôn bán, ăn uống. Hàng quán, cửa hàng san sát nhau, từ ăn uống, cà phê, quần áo, làm đẹp… đều tấp nập. Hàng ăn thì bày bàn ghế ra sát mép đường, xe máy để lấn chiếm gần hết vỉa hè, thậm chí là giữ xe tràn cả dưới lòng đường. Vào cuối tuần, hoạt động buôn bán lại càng thêm xôm tụ, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường cũng nghiêm trọng hơn.
Đó chỉ là hoạt động buôn bán cố định. Còn vào buổi sáng, tuyến đường này cùng với hàng loạt con đường xung quanh đó như Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Ung Văn Khiêm… có không biết bao nhiêu xe đẩy, quầy di động bán đồ ăn sáng, cà phê mang đi đậu sát mép vỉa hè hoặc ngay dưới lòng đường. Người dân, nhất là những người vội đi làm vào buổi sáng cũng tranh thủ dừng xe để mua… đã gây nên cảnh ùn tắc thường xuyên.
Đây cũng là cảnh chung của các tuyến đường ở khắp các quận trung tâm của TP.HCM. Vì vậy, người đi bộ - những người được sử dụng vỉa hè để di chuyển, khó khăn lắm mới có thể đi lại trên vỉa hè, thậm chí là phải đi ra hẳn ngoài lòng đường cả 1 - 2m mới di chuyển được.
Tình hình ùn tắc giao thông, vỉa hè bị lấn chiếm cũng được ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.HCM đánh giá tại phiên họp KT- XH tháng 9 và 9 tháng đầu năm vừa diễn ra:
“Trật tự lòng lề đường, chúng ta có xu hướng từ từ buông lơi. Công việc này phải thường xuyên phải kiên trì, cương quyết. Bây giờ nhiều tuyến đường bị lấn chiếm trở lại, trong đó có những tuyến đường chính, cụ thể như tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi hiện nay và một số khu vực, một số địa điểm có tình trạng là lấn chiếm vỉa hè khá phổ biến. Vấn đề này cũng đề nghị các địa phương quan tâm, tập trung”, ông Nguyễn Thành Trung nhấn mạnh.
Tại kỳ họp chuyên đề của HĐND TP.HCM hồi giữa tháng 9 vừa qua, các đại biểu đã thảo luận và thông qua Đề án thu phí lòng đường, vỉa hè. Theo đó, việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè sẽ được triển khai từ năm 2024, mức thu từ 20.000 – 350.000 đồng/m2/tháng. Nghị quyết của HĐND TP.HCM cũng quy định rõ 5 trường hợp được tạm dùng vỉa hè và đóng phí.
Theo tính toán, TP.HCM có thể thu được 1.500 tỷ đồng mỗi năm khi thu phí lòng đường, vỉa hè. Toàn bộ số tiền phí thu được nộp vào ngân sách để duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố. Sở Giao thông vận tải sẽ tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường đối với các tuyến đường do Sở này quản lí; UBND cấp huyện tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đối với các tuyến đường do địa phương mình quản lí.
Trước lo lắng, băn khoăn của người dân về mục đích của việc thu phí, TP.HCM khẳng định, mục đích của thu phí lòng đường, vỉa hè là góp phần lập lại trật tự và mỹ quan đô thị, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại; nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố chứ không phải tăng nguồn thu.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, không phải tuyến đường nào trên địa bàn TP cũng kinh doanh, cho thuê mà phải đủ các điều kiện.
“Đã đủ điều kiện rồi thì các quận, huyện phải lên phương án khảo sát, thực hiện việc đưa ra lộ trình, biện pháp triển khai thực hiện. Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong việc xây dựng phương án là phải đảm bảo sự đồng thuận của người dân trong nguyên tắc xây dựng để khi đưa ra phương án sẽ khả thi, tránh mâu thuẫn và việc này cũng đang có hướng dẫn các quận huyện”, ông Đường nói.
Có nên "chia tiền" cho chủ nhà có vỉa hè cho thuê?
TS. Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM ủng hộ việc TP đẩy nhanh thu phí lòng đường, vỉa hè. Mặc dù đây là việc chẳng đặng đừng nhưng chỉ có áp dụng thu phí lòng đường, vỉa hè mới có thể góp phần giúp đảm bảo trật tự đô thị và triệt tiêu đi nạn bảo kê, lợi ích nhóm…
Theo ông Trần Quang Thắng, tại các tuyến đường có đủ điều kiện để có thể áp dụng thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè thì cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, làm sao phải hài hòa lợi ích giữa các bên gồm nhà nước, người chủ nhà có vỉa hè và người thuê. Việc cho thuê lòng đường, vỉa hè chỉ có thể thành công nếu như có sự đồng thuận giữa các bên liên quan.
Đặc biệt, ông Trần Quang Thắng quan tâm đến khâu tổ chức thực hiện phải có giải pháp để quản lý chặt chẽ, hiệu quả, tránh trục lợi chính sách… hoặc là thực thi không có hiệu quả.
TS Trần Quang Thắng đề xuất nên tính toán có thể phân chia số tiền thu được cho cả chủ nhà nơi có vỉa hè cho thuê: “Bây giờ phải giải quyết làm sao cho ổn thỏa. Ví dụ chủ nhà cũng có thể được một phần chi phí, có lẽ như vậy hay hơn để họ cảm thấy hài hòa. Ví dụ thôi nhưng thực tế phải dàn xếp sao cho tốt. Luôn luôn có sự cân đối hài hòa giữa nhà nước và nhân dân”.
Bản thân những người sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè để buôn bán, cũng mong muốn đề án được triển khai một cách thực chất để họ có thể an tâm, thay vì cứ nơm nớp bài toán “chạy và chạy” rồi bị tịch thu đồ đạc…
Anh Chính, một người đang buôn bán bày tỏ: “Cuộc sống mình đi kiếm cơm mà. Nói chung là không có nghề, không có công ăn việc làm, mình ngồi vỉa hè. Nhìn thấy công an đều phải chạy hết, không thì sẽ bị phạt, hôm nào không chạy được thì bị phạt là bình thường. Nói chung là tôi đồng tình, nhà nước thu tiền lệ phí ít là tốt rồi, chúng tôi cũng an tâm làm ăn”.
Để đảm bảo triển khai thực hiện việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè, rất cần có sự tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận. Đồng thời, cần có sự công tâm, minh bạch thông tin của cơ quan chức năng để người dân giám sát. Có như vậy, việc thu phí mới đạt được mục đích tốt đẹp đề ra ban đầu thay vì bị hiểu lầm như là một kênh để rút tiền từ người dân.