Kinh doanh

TP.HCM: Thị trường bất động sản nhà ở tăng trưởng mạnh

(VOVTV) - Nửa đầu năm 2022, thị trường bất động sản ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh diễn ra vô cùng nhộn nhịp. Nguồn cung và sức cầu ở các phân khúc đều duy trì khá ổn định, mặt bằng thứ cấp ‘dậm chân’ tại chỗ, mặt bằng sơ cấp lại có nhiều triển vọng.

Tác giả Nguyễn Hương – Hoàng Lân / VOVTV
08/07/2022 17:27

Chương trình Báo cáo thị trường Bất động sản Nhà ở TP. Hồ Chí Minh và vùng phụ cận 6 tháng đầu năm 2022 với chủ đề ‘Giá Giảm?’ diễn ra sáng ngày 7/7 tại khách sạn Sheraton Quận 1 đã nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng.

Đơn vị tổ chức – Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam đã thông tin, 6 tháng đầu năm 2022 phân khúc căn hộ với cung – cầu tăng mạnh trở thành phân khúc chủ đạo dẫn dắt thị trường Bất động sản nhà ở TP. Hồ Chí Minh và vùng phụ cận.

TP.HCM: Thị trường bất động sản nhà ở tăng trưởng mạnh - Ảnh 1.

Toàn cảnh Báo cáo thị trường Bất động sản Nhà ở TP. Hồ Chí Minh và vùng phụ cận 6 tháng đầu năm 2022 do DKRA Vietnam tổ chức

Cụ thể, với thị trường thứ cấp, mặt bằng giá tăng nhẹ với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng cùng với đó, thanh khoản thứ cấp sụt giảm. Riêng loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, thị trường ghi nhận tín hiệu khởi sắc từ phân khúc cao cấp biệt thự nghỉ dưỡng và nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng.

Phân khúc đất nền tiếp tục đón nhận thêm các dự án mới, giữ vững vị thế chủ lực chủ yếu ở Long An và Bình Dương. Riêng TP. Hồ Chí Minh, thị trường tiếp tục khan hiếm nguồn cung

Phân khúc căn hộ nguồn cung tăng 96% so với cùng kỳ năm 2021, thị trường TP. Hồ Chí Minh duy trì vị trí dẫn đầu.

TP.HCM: Thị trường bất động sản nhà ở tăng trưởng mạnh - Ảnh 2.

TS Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế trình bày tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam 6 tháng cuối năm 2022 và những tác động đến thị trường bất động sản

Theo dự báo thị trường 6 tháng cuối năm 2022 từ phía công ty, nguồn cung và sức cầu của phân khúc đất nền sẽ không có nhiều đột biến và duy trì ổn định như giai đoạn đầu năm. Nguồn cung tập trung tại các dự án đã mở bán trước đó và phân bổ ở các khu vực phụ cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Dù đang trên đà phục hồi xuất hiện ở hầu hết các phân khúc chủ chốt trên thị trường song vẫn còn khá nhiều khó khăn và thách thức như lạm phát, sự bất ổn chính trị ở một số trước trên thế giới, khan hiếm nguồn cung mới… Tất cả các tác động trên ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị bất động sản, hình thành nghịch lý về giá giữa thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Mặt khác, các chuyên gia cũng nhận định rằng trong thời gian sắp tới, đà tăng giá sơ cấp sẽ khó có thể dừng lại trong bối cảnh chi phí đầu vào liên tục leo thang, nguồn cung hiếm trong khi sức cầu quá lớn.

TP.HCM: Thị trường bất động sản nhà ở tăng trưởng mạnh - Ảnh 3.

Các diễn giả tham gia thảo luận xoay quanh diễn biến thị trường và chủ đề "Giá Giảm?"

Do đó, giải pháp để kiểm soát tốc độ tăng giá bất động sản trên thị trường sơ cấp, cũng như duy trì giá bán thứ cấp ở mức ổn định là chú trọng ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và lãi suất ở mức phù hợp. Tích cực tháo dỡ các vướng mắt về pháp lý, khắc phục sự khan hiếm nguồn cung. Nhà nước phải tăng cường quản lý để tránh tình trạng ‘sốt đất ảo’, song người dân cũng cần cực kỳ tỉnh táo tránh tâm lý đầu tư theo đám đông, có chiến lược đầu tư dài hạn, ổn định.

Ý kiến của bạn