Tin tức

TP.HCM: Người dân hào hứng trải nghiệm xe đạp công cộng

Lần đầu tiên TP.HCM có dịch vụ xe đạp công cộng với phí thuê 10.000 đồng/giờ. Nhiều người hào hứng khi trải nghiệm khám phá trung tâm thành phố.

10/12/2021 10:18

Xe được thiết kế đặc biệt

Những ngày đầu tháng 12, PV Báo Giao thông trực tiếp có mặt tại điểm đầu trạm trên vỉa hè đường Lê Lợi (quận 1) để trải nghiệm dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng.

TP.HCM: Người dân hào hứng trải nghiệm xe đạp công cộng - Ảnh 1.

Trong thời gian thử nghiệm và giai đoạn đầu vận hành, chủ đầu tư bố trí người để hỗ trợ cài đặt, hướng dẫn cho người dùng biết cách thanh toán thuê xe tại các trạm

Đây là một trong 43 vị trí vừa được thành phố bàn giao cho nhà đầu tư lập trạm thí điểm mô hình xe đạp công cộng tại khu trung tâm quận 1.

Ghi nhận của PV, trạm Lê Lợi có khoảng 20 chiếc xe đạp, có rất nhiều bạn trẻ tới hỏi thuê. Không chỉ giới trẻ mà những người trung niên, người già cũng ghé vào hỏi cách sử dụng để thuê.

Để thuê được xe đạp này, PV phải cài phần mềm TNGO trên app store, sau đó đăng ký thông tin khách hàng và quẹt vào mã code sau yên xe để mở khóa.

Chiếc xe chạy rất nhẹ, êm, chắc chắn dù xe được thiết kế khá nặng. Điểm đặc biệt của chiếc xe này là lốp xe không bơm hơi như những xe đạp thông thường mà sử dụng lốp đặc nhưng vẫn đàn hồi, không tạo cảm giác xe bị cứng, có thể chống đinh, chống xóc.

Khung xe, yên xe cũng được thiết kế đặc biệt, chống rỉ, để xe ngoài trời giữa mưa, nắng cũng không bị hư hỏng.

Sau khi chạy hết hành trình thời gian thuê, chiếc xe sẽ tự động báo hiệu để khách hàng trả xe về vị trí trạm, ngắt kết nối và chiếc xe sẽ tự động khóa.

Thích thú trải nghiệm dịch vụ cho thuê xe đạp, sinh viên Nguyễn Thanh Tuấn (trú quận Tân Bình) chia sẻ: “Chiếc xe đạp này rất thú vị, dịch vụ này chắc chắn sẽ thu hút nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, các trạm xe đạp này nên kết nối với các địa điểm du lịch để phục vụ nhu cầu đi lại của du khách”.

Ông Lê Văn Toàn, người dân sống gần khu vực đường Lê Lợi, đang chạy xe đạp tập thể dục cũng ghé vào trạm hỏi hướng dẫn để thuê.

“Tôi cho rằng, không chỉ giới trẻ, những xe này còn rất phù hợp với mọi đối tượng, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài với giá thuê rẻ, tiết kiệm chi phí đồng thời còn có thể đạp xe tập thể dục tốt cho sức khỏe nữa. Về lâu dài cũng cần có lối đi riêng cho xe đạp công cộng để đảm bảo an toàn”, ông Toàn nói.

Giữa tháng 12 sẽ triển khai 42 điểm còn lại

TP.HCM: Người dân hào hứng trải nghiệm xe đạp công cộng - Ảnh 2.

Giới trẻ thích thú trải nghiệm xe đạp công cộng tại quận 1, TP.HCM

Trao đổi với PV, ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trí Nam, (chủ đầu tư) cho biết, khi được sự chấp thuận của TP, kế hoạch triển khai dịch vụ này lẽ ra đã được thực hiện vào tháng 4, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đến nay mới đi vào hoạt động.

Chiều 3/12, đơn vị đã cho xe chạy thử nghiệm ở trạm Lê Lợi. Dự kiến đến ngày 15/12 sẽ triển khai trên 42 trạm còn lại.

Sau khi hoạt động thí điểm khoảng một năm, công ty sẽ báo cáo thành phố đánh giá kết quả và có thể sẽ nhân rộng trên toàn thành phố.

Theo ông Dân, xe đạp bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí đi lại, hành khách có thêm sự lựa chọn để di chuyển thuận lợi hơn. Thời gian đầu thử nghiệm, mỗi ngày, mỗi khách được tặng miễn phí 1 tiếng.

Trong giai đoạn thí điểm, công ty sẽ đầu tư 388 xe, đặt tại 43 vị trí khu vực ở quận 1. Giai đoạn 2 dự kiến cần 2.000 - 5.000 xe, triển khai trên khắp địa bàn TP.

Giá cho thuê xe đạp là 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút và có thể nghiên cứu mở rộng các gói linh hoạt. 43 vị trí đặt các điểm cho thuê xe đạp nằm trên các tuyến đường lớn ở quận 1.

Tại mỗi trạm sẽ được bố trí từ 10 - 20 xe đạp, mỗi xe đều được gắn khóa thông minh, có tính năng định vị GPS, hỗ trợ đóng, mở khóa xe qua kết nối 2G, 3G, 4G, Bluetooth.

Người thuê xe có thể sử dụng phương thức đóng, mở khóa xe bằng cách sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh đề xuất quét mã QR - Code được in trên khóa.

Đồng thời, người dùng cũng có thể đặt xe trước thông qua ứng dụng di động, website và sử dụng quét mã QR Code hoặc dùng thẻ từ để mở khóa xe tại trạm.

Phương thức thanh toán có thể trả tiền qua các ứng dụng thẻ điện tử như ví MoMo, Visa hay Mastercard…

Để chống mất trộm xe, nhà đầu tư có gắn các thiết bị ID giám sát trên xe, đồng thời yêu cầu người sử dụng cung cấp thông tin cá nhân đầy đủ khi đăng ký sử dụng dịch vụ.

Do đó, có thể giám sát được xe đang ở vị trí nào hoặc ai đang sử dụng. Các khóa thông minh trên xe có khả năng cảnh báo khi có tác động mở khóa trái phép.

Hệ thống tại trung tâm tự động giám sát và cảnh báo khi xảy ra các trường hợp không trả xe, sử dụng quá thời gian hoặc có hành vi mở khóa xe trái phép...

Ý kiến của bạn