Tin tức

TP.HCM: Lấn chiếm vỉa hè sau dịch như 'nấm sau mưa'

(VOVTV) - Câu chuyện lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè vẫn là bài toán dai dẳng của TP.HCM. Dù đã có nhiều lần TP ra quân xử lý nhưng gần như tình trạng này vẫn không giảm mà thậm chí là ngày càng phức tạp hơn.

Tác giả Hà Khánh/VOV TP.HCM
13/02/2023 08:58

Sau dịch COVID-19, lấn chiếm lòng đường vỉa hè như nấm mọc sau mưa

Lòng đường, vỉa hè tại nhiều khu vực ở TP.HCM đang bị lấn chiếm. Hàng hoá, xe cộ, bàn ghế và biển hiệu lấn hết cả vỉa hè, thậm chí là một phần mặt đường. Người dân, du khách đi bộ gần như không được đi trên lối đi vốn giành cho mình mà phải liều đi dưới lòng đường, nguy hiểm bủa vây.

TP.HCM: Lấn chiếm vỉa hè sau dịch như 'nấm sau mưa' - Ảnh 1.

Hàng quán bày bàn ghế và giữ xe hết cả vỉa hè đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: Hà Khánh

Thực ra đây là câu chuyện không mới bởi vốn dĩ đây là thực trạng của TP.HCM nhiều năm qua. Câu chuyện dai dẳng, "căn bệnh mãn tính" dù TP đã nhiều lần có những giải pháp mạnh tay để xử lý, nhưng vẫn được ví như là “bắt cóc bỏ dĩa”.

Có giai đoạn, Quận 1, TP.HCM đẩy mạnh thực hiện xử lý vi phạm với quyết tâm của một Phó Chủ tịch quận, việc này đã có những kết quả bước đầu đáng ghi nhận dù cách làm nhiều khi còn chưa phù hợp và phong trào cũng lan tỏa ra các quận, huyện khác. Nhưng chuyện này cũng không kéo dài lâu và mọi chuyện lại đâu vào đó… Và có lẽ giai đoạn lòng đường, vỉa hè TP.HCM thông thoáng nhất chính là giai đoạn TP.HCM chống dịch COVID-19.

TP.HCM: Lấn chiếm vỉa hè sau dịch như 'nấm sau mưa' - Ảnh 2.

Người đi bộ đi lại khó khăn trên vỉa hè. Ảnh: Hà Khánh

Sau dịch, độ nén của nền kinh tế như chiếc lò xo, bung ra mạnh mẽ và việc lấn chiếm lòng đường vỉa hè cũng vì thế mà…phát triển mạnh như "nấm sau mưa" và có thể đánh giá là hiện nay, tình trạng này còn nghiêm trọng hơn trước.

Nếu như trước đây tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm làm nơi giữ xe, buôn bán chỉ phổ biến ở các tuyến đường trung tâm thì nay khắp nơi đều có. Dạo quanh các tuyến đường ở khắp các quận như Nguyễn Gia Trí, Ung Văn Khiêm, Tầm Vu, Quốc lộ 13, Đinh Bộ Lĩnh, Phạm Văn Đồng, Trường Sa, Hoàng Sa, Phan Xích Long… tình trạng chung là người đi bộ gần như không có chỗ để đi. Ban ngày thì hàng hoá, xe cộ giành hết, ban đêm thì bàn ăn, xe đẩy, dịch vụ ăn uống, bán hàng rong nở rộ, lấn chiếm hết cả vỉa hè và thường xuyên lấy một phần, thậm chí là nửa mặt đường để làm nơi buôn bán, giữ xe…

Anh Nguyễn Phú Hiếu, một du khách đang vất vả len lỏi trên vỉa hè tại trung tâm TP.HCM cho biết: "Lấn chiếm lòng lề đường này cũng không tốt nhưng mà việc buôn bán của người dân cũng không thể dọn dẹp hết bởi cuộc sống mưu sinh. Nếu có cách khắc phục em nghĩ là người ta dời lên, để gọn vào một chỗ bởi hiện đang mất hết chỗ. Sắp xếp gọn gàng vào thì hợp lý hơn".

TP.HCM: Lấn chiếm vỉa hè sau dịch như 'nấm sau mưa' - Ảnh 3.

Hàng quán và xe máy dựng ngay dưới lòng đường Tầm Vu. Ảnh: Hà Khánh

Theo một người bán hàng rong tại đường Tầm Vu (Phường 25, Bình Thạnh), cuộc sống mưu sinh nên họ biết dù đang vi phạm pháp luật nhưng người trước bảo người sau, cứ phải liều. Và chính họ cũng thừa nhận là lâu rồi không thấy ai nhắc nhở hay phạt nên cũng tự tin buôn bán.

Trước thông tin, sắp tới TP sẽ thu phí sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường, chị Lan, chủ một xe bán nước đang hoạt động tại đây rất ủng hộ: "Cái này cũng tốt bởi sẽ không bị công an phường hay đô thị đuổi thì tụi em cũng an tâm hơn và lượng khách cũng sẽ tăng hơn".

Thực tế, lòng đường Tầm Vu cũng như một phần công viên Tầm Vu luôn ken cứng người mỗi buổi chiều. Các bảo vệ công viên phải thường xuyên nhắc nhở người buôn bán hàng rong đảm bảo lối đi riêng trên công viên cho người đi bộ.

Anh Nguyễn Xuân Sơn, một bảo vệ nói: "Mình cũng nhắc nhở bà con cho sát sát vào để chừa đường đi bộ. Bây giờ đang đi nhắc bà con để gọn để có đường đi thong thả cho người đi bộ".

Ủng hộ cho thuê vỉa hè nhưng cần phải tính toán, giám sát khâu triển khai

Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Lê Ninh, Uỷ viên UBMTTQ Việt Nam TP.HCM đánh giá, việc cho thuê vỉa hè khá khó trong quản lý bởi người sử dụng vỉa hè thường chỉ thuê trong một thời gian nhất định trong ngày nên cần phải tính toán sao cho hợp lý. Ủng hộ cho phép thu phí để sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán hay giữ xe… nhưng ông Ninh cho rằng TP cần phải nghiên cứu, tính toán kỹ, có tầm nhìn tổng thể chung. Tức là chủ trương này không áp dụng chung, đại trà toàn TP mà phải nghiên cứu, áp dụng ở một số nơi phù hợp. Ví dụ như khu vực các tuyến đường trung tâm ở Quận 1, 3… nơi có đông du khách có thể tận dụng vỉa hè, mặt đường để phát triển dịch vụ, quảng bá ẩm thực hè phố của Việt Nam.

TP.HCM: Lấn chiếm vỉa hè sau dịch như 'nấm sau mưa' - Ảnh 4.

Người đi bộ ít có lựa chọn. Ảnh: Hà Khánh

Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Lê Ninh cho rằng, quan trọng nhất vẫn là khâu quản lý, giám sát: "Chỗ nào thấy ở đó phát triển có lợi cho phát triển kinh tế tư nhân hoặc là tổ hợp nào đó thì làm. Còn không phát triển lung tung, không hình thành chính sách chung là cho buôn bán vỉa hè. Khi làm tiêu cực hay không là do quản lý. Quản lý tốt thì không có tiêu cực, còn nếu khoán, đề ra chủ trương rồi không quản lý không để mắt thì đương nhiên tiêu cực phát sinh".

TP.HCM: Lấn chiếm vỉa hè sau dịch như 'nấm sau mưa' - Ảnh 5.

Người đi bộ phải đi dưới lòng đường. Ảnh: Hà Khánh

Tiến sỹ Trương Hoàng Trương, Khoa Đô thị học, Đại học Khoa học – Xã hội và Nhân văn TP.HCM cũng ủng hộ phương án cho thuê, thu phí sử dụng lòng đường vỉa hè. Theo Tiến sỹ Trương, TP.HCM là đô thị đặc biệt và trong bối cảnh hiện nay khi nhu cầu về điểm đỗ xe, kinh doanh buôn bán… là rất lớn và cũng phù hợp với văn hóa vỉa hè vốn đã tồn tại lâu đời ở TP này.

Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu kỹ trước khi áp dụng, làm sao phải có sự hợp lý. Ví dụ như ở một số tuyến đường nhỏ, vỉa hè hẹp thì không thể áp dụng được mà phải áp dụng ở những tuyến đường lớn, vỉa hè rộng và thực sự có nhu cầu… Trong đó, có thể nghiên cứu phương án cho phép sử dụng lòng đường, vỉa hè để vào các mục đích như đậu đỗ xe, kinh doanh…ở một số khung giờ nhất định. Đặc biệt là cần phải giám sát khâu thực hiện, có thể áp dụng công nghệ để hạn chế tiêu cực.

TP.HCM: Lấn chiếm vỉa hè sau dịch như 'nấm sau mưa' - Ảnh 6.

Bảo vệ công viên nhắc nhở khách hàng và người bán hàng rong đảm bảo giao thông. Ảnh: Hà Khánh

Tiến sỹ Trương Hoàng Trương nói: "Mình ủng hộ nhưng mà cần phải có đánh giá nhu cầu và điều kiện ở khu vực đó để có hình thức tổ chức phù hợp…Tuy nhiên cái đó là ngắn hạn thôi, còn về lâu dài thì cần phải tính dùng những bãi đậu xe công cộng phát triển kết nối các trung tâm thương mại, các bãi xe công cộng dưới không gian công cộng, cố gắng nghiên cứu triển khai".

TP.HCM: Lấn chiếm vỉa hè sau dịch như 'nấm sau mưa' - Ảnh 7.

Bảo vệ công viên nhắc nhở khách hàng và người bán hàng rong đảm bảo giao thông. Ảnh: Hà Khánh

TP.HCM đang hướng đến mục tiêu xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Vì thế, việc giải bài toán “kinh tế vỉa hè” một cách thấu đáo được xem là chìa khóa để xóa đi cảnh nhếch nhác, tạm bợ, mất vệ sinh ở các tuyến đường. Đây cũng là giải pháp để người dân, nhất là những người gắn bó cuộc sống mưu sinh với vỉa hè, lòng đường có lối ra.

Ý kiến của bạn