TPHCM: Lại phát hiện thêm các gối dầm metro 1 bị dịch chuyển
(VOVTV) - Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, vừa phát hiện thêm 4 gối cao su metro 1 thuộc đoạn cầu cạn VD9 và VD11 bị dịch chuyển ra khỏi vị trí đá kê gối theo hướng đi Suối Tiên mà không rõ nguyên do.
Theo đó, vào ngày 12 và 13/3, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM phát hiện thêm 2 gối cao su bản thép sử dụng cho dầm cầu cạn tại vị trí trụ P9-05 thuộc đoạn cầu cạn VD9 và 2 gối cao su bản thép tại vị trí trụ P11-06 thuộc đoạn cầu cạn VD11 bị dịch chuyển ra khỏi vị trí đá kê gối theo hướng đi Suối Tiên mà không rõ lý do.
Nhận định ban đầu của ban này là các gối cao su bản thép sử dụng cho cầu cạn đang tiếp tục bị dịch chuyển, xô lệch khỏi đá kê gối và có tính chất hệ thống do xảy ra hàng loạt. Công tác khẩn trương làm rõ nguyên nhân các sự việc trên là khẩn cấp nhằm giảm tối đa các ảnh hưởng, thiệt hại đến toàn bộ kết cấu bên trên. Đồng thời việc nhanh chóng thực hiện khắc phục gối cầu bị rơi, các gối cầu bị xô lệch, dịch chuyển nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho dự án và triển khai các công việc tiếp theo đạt chất lượng, tiến độ đề ra.
Tuy nhiên đến nay, Tổng thầu gói thầu số 2 là Liên danh Sumitomo – Cienco 6 vẫn tiếp tục chậm trễ trong phối hợp, thực thiện các yêu cầu của Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, Hội đồng nghiệm thu nhà nước, góp ý của các chuyên gia thuộc tổ công tác và cơ quan chuyên môn.
Việc chậm trễ này do Tổng thầu đã giảm bớt nhân sự, thay đổi cơ cấu tổ chức dẫn đến không đảm bảo việc quản lý chất lượng, tiến độ công việc. Vì thế, Ban cho rằng Tổng thầu phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với việc chậm trễ nêu nêu và chất lượng công trình.
Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM yêu cầu Liên danh Sumitomo – Cienco 6 nhanh chóng đệ trình cơ cấu tổ chức nhân sự tham gia dự án thực tế hiện nay và trình nộp báo cáo tổng hợp sự việc, rà soát thực tế các chuyển vị gối cầu cho toàn gói thầu, thí nghiệm các chỉ tiêu của gối cầu cao su để so sánh, tính toán, báo cáo ảnh hưởng của việc thi công lắp đặt ray lên dầm…Ngoài ra, Ban cũng yêu cầu liên danh tư vấn NJPT đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị thông báo khiếu nại tạm thời đối với tổng thầu…
Đây là lần thứ 3 xảy ra sự cố trên. Trước đó, vào 30/10 và 28/12/2021, cũng đã có hiện tượng các gối cao su bị rơi khỏi đá kê gối hoặc dịch chuyển mà không rõ nguyên do.
Tuyến metro đầu tiên của TPHCM dài 19,7Km (gồm 2,6Km đi ngầm và 17,1Km đi trên cao), với 14 nhà ga, trong đó có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Trong giai đoạn đầu, mỗi đoàn tàu sẽ có 3 toa với chiều dài 61,5m, tốc độ tối đa thiết kế là 110Km/h (đoạn trên cao) và 80Km/h (đoạn hầm), khả năng chở hơn 900 khách mỗi đoàn tàu.
Đến nay, tuyến metro 1 đã đạt 82,5% tổng khối lượng với tổng số giờ lao động là 45 triệu giờ. Công trình này dự kiến đưa vào khai thác thương mại vào cuối năm 2021 nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhiều lý do khác nên dự kiến sẽ chỉ khai thác thương mại vào năm 2022.
Tin nổi bật
Tin Video