TP.HCM: Hàng đặc sản phong phú, sức mua chậm
(VOVTV) - Tại TP.HCM, những ngày này, nhiều siêu thị, cửa hàng đã tung ra nhiều mặt hàng đặc sản phục vụ nhu cầu mua sắm để biếu tặng, tiêu dùng dịp Tết, với nhiều chủng loại khá phong phú. Tuy nhiên, sức mua vẫn còn chậm.
Phong phú các loại hàng đặc sản
Chị Oanh, nhà ở quận Thủ Đức chia sẻ, Tết nào cũng chọn mua một số đặc sản miền Tây để sử dụng trong gia đình và biếu người thân quen.
"Năm nay, hàng đặc sản 3 miền khá phong phú như: Khô bò, tôm khô, nước mắm Phú Quốc… giá tăng hơn năm rồi từ 5-10% nhưng vẫn chấp nhận được. Tôi mua hàng đặc sản từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng mua tặng thì mua hàng có thương hiệu, hàng OCOP bán trong siêu thị".
Trước đây, hàng đặc sản do được sản xuất quy mô nhỏ nên ít vào siêu thị mà phần lớn bán ở các cửa hàng, chợ truyền thống hoặc các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Tuy nhiên, gần đây nhiều cơ sở sản xuất hàng đặc sản theo tiêu chuẩn OCOP nên các mặt hàng vào siêu thị khá nhiều. Người tiêu dùng cũng có nhiều cơ hội lựa chọn sản và an tâm về nguồn gốc, xuất xứ với giá cả ổn định.
Tại một số siêu thị ở TP.HCM, có khu vực riêng trưng bày 3 gian hàng OCOP với trên 280 sản phẩm đặc sản 3 miền: Bắc, Trung, Nam, số lượng tăng hơn 20% so với tết năm trước. Tại đây, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua các mặt hàng thủy hải sản của Cà Mau, Trà Vinh, Bạc Liêu; sen Đồng Tháp, khô trâu gác bếp Tây Bắc, chả bò Đà Nẵng; tré Bình Định…
Giám đốc Makerting một siêu thị ở TP.HCM cho biết: "Chúng tôi mong Tết này khách hàng ở TP.HCM và Hà Nội có thể tận hưởng những đặc sản của các vùng miền. Vì vậy, chúng tôi đẩy mạnh đưa hàng đặc sản các vùng miền vào siêu thị. Hằng năm, chúng tôi đều tham gia hội chợ hàng OCOP để tìm kiếm thêm nguồn hàng đặc sản mới từ các nhà sản xuất OCOP".
Nhiều cơ sở sản xuất ở miền Tây dịp này cũng mang hàng đặc sản về TP.HCM để phục vụ người tiêu dùng. Anh Phạm Xuân Thành, chủ cơ sở sản xuất tôm rừng Cà Mau mang tôm khô, khô cá lóc 1 nắng, cá sặc rằn... lên bán tại Landmark 81, đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh. Anh Thành cho biết, sản phẩm có nguồn gốc nuôi thả tự nhiên, không dùng thức ăn công nghiệp và thuốc kháng sinh nên người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Theo anh Thành: "Sau đại dịch COVID-19, người tiêu dùng quan tâm hơn đến sức khỏe nhiều hơn. Các đặc sản địa phương được nhiều người tiêu dùng quan tâm. Dịp Tết thì nhu cầu về tôm khô rất nhiều. Tôm khô rừng Cà Mau của cơ sở được nuôi thả tự nhiên ăn rong, tảo nên an toàn cho sức khỏe. Tết này chúng tôi không tăng giá mà vẫn giữ ổn định cho người tiêu dùng".
Sức mua chậm
Chị Thảo, chủ cửa hàng bán đặc sản Hà Nội ở vòng xoay Điện Biên Phủ, Quận 1, TP.HCM cho biết, hiện nay lượng khách giảm khoảng 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Do sức mua chậm nên lượng hàng nhập về cũng ít hơn năm trước. Ở cửa hàng của chị vẫn bày bán những món ăn quen thuộc đặc trưng miền Bắc như: Nem Hà Nội, nem cua bể, chả ốc, nem tôm, cá chép làng Vũ Đại…
Theo chị Thảo: "Giá một số mặt hàng đặc sản đã tăng nhưng chị vẫn giữ giá vì sợ mất khách. Sức mua mọi năm mạnh hơn, năm nay lượng người mua giảm, giá hàng nhập vào tăng từ 5-15%, giá thịt tăng, cá tăng, hàng khô thì không tăng giá, rau củ, quả thì tăng. Những mặt hàng nhập vào tăng giá nhưng mình vẫn chưa dám tăng vì có sự cạnh tranh, bắt buộc mình phải giữ giá".
Vào dịp Tết, các mặt hàng đặc sản vùng miền được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Năm nay, với nguồn hàng phong phú, nguồn gốc rõ ràng đã mang đến nhiều sự lựa chọn hơn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn nên sức mua bị ảnh hưởng. Các cơ sở sản xuất hàng đặc sản vẫn kỳ vọng thị trường sẽ sôi động hơn trong những ngày giáp Tết./.
Tin nổi bật
Tin Video