Kinh doanh

TP.HCM: Đừng để lời hứa 1 triệu căn nhà giá rẻ thành hứa suông

(VOVTV) - Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM phối hợp với các chủ đầu tư làm lễ động thổ, khởi công một số dự án nhà ở xã hội.

Tác giả Duy Phương / VOV TP.HCM
03/05/2022 07:53

Đây là động thái mới nhất sau khi Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu trong các cuộc tiếp xúc cử tri về việc xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân và người lao động nhập cư.

TP.HCM: Đừng để lời hứa 1 triệu căn nhà giá rẻ thành hứa suông - Ảnh 2.

TP.HCM cần chính sách và quyết tâm lớn để "trả nợ" lời hứa 1 triệu căn nhà giá rẻ

Doanh nghiệp loay hoay vì thủ tục

Gần 1.000 căn hộ là số lượng nhà ở giá rẻ vừa được TP.HCM đốc thúc để triển khai thực hiện trong ngắn hạn. Đó là dự án nhà ở xã hội nằm trong Khu nhà ở phường Long Trường, TP. Thủ Đức với gần 600 căn hộ (3 block nhà) và dự án nhà ở xã hội tại Khu nhà ở Nguyên Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh với 242 căn hộ (1 block nhà).

Riêng tại Khu nhà ở Nguyên Sơn (thuộc Tập đoàn Nam Long), có tất cả 7 block nhà ở xã hội được quy hoạch, 6 block đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2019 với 1.323 căn hộ. Trước đây, mỗi căn hộ tại dự án này được bán với giá từ 600 triệu đến 800 triệu đồng, tuy nhiên với 242 căn còn lại do tăng giá vật liệu nên dự kiến mỗi căn sẽ được bán trên dưới 1 tỷ đồng.

Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Nam Long ADC cho biết: Tốn kém nhiều nhất khi thực hiện dự án nhà ở xã hội nằm ở quy trình phê duyệt dự án. Một dự án đi xin giấy phép xây dựng phải làm hồ sơ thẩm định nghiên cứu khả thi, trong hồ sơ này bao gồm rất nhiều lĩnh vực, từ phòng cháy chữa cháy đến việc chủ đầu tư làm ăn lời lỗ ra sao...

Do đó thời gian giải quyết thủ tục ở các sở ngành nhiều khi 6 tháng vẫn chưa xong. Chính sự chậm trễ này khiến cho việc các chủ đầu tư tìm cách tiết kiệm, giảm bớt chi phí trong hoạt động xây dựng không còn nhiều ý nghĩa.

“Bây giờ quy trình phê duyệt kéo dài 6 tháng, 1 năm là nhanh thì những chuyện chăm chút từng cọc móng, từng ô gạch không còn ý nghĩa gì hết. Làm xong thì vật liệu tăng hết rồi, đâu còn ý nghĩa gì. Muốn làm được nhà ở xã hội, phải đơn giản rất nhiều thủ tục. Nếu để doanh nghiệp loay hoay thế này thì chắc kế hoạch phát triển nhà ở xã hội sẽ tiếp tục bị chậm”, ông Quang cho biết.

Chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ

Theo Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 của TP.HCM, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội là 2,5 triệu m2 sàn, tương ứng với 35.714 căn hộ. Ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: Năm 2022, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện 10 dự án nhà ở xã hội, 2 dự án nhà lưu trú công nhân với tổng cộng 10.000 căn hộ.

Trong số 12 dự án, có 4 dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp thực hiện với quy mô trên 3.300 căn tại quận Tân Phú và các huyện Củ Chi, Bình Chánh. Còn 6 dự án sử dụng quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại với gần 6.000 căn hộ tại Quận 7, TP. Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè.

Nói về thủ tục, ông Quân cho rằng hiện quy định có rất nhiều nội dung dẫn đến kéo dài thời gian. Thêm vào đó, lợi nhuận từ nhà ở xã hội không cao như các dự án thương mại nên nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến phân khúc này. Đối với những vấn đề vượt ngoài thẩm quyền của TP.HCM, ông Quân cho biết thành phố đang đề nghị Bộ Xây dựng, Chính phủ quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

TP.HCM: Đừng để lời hứa 1 triệu căn nhà giá rẻ thành hứa suông - Ảnh 3.

Doanh nghiệp làm nhà ở xã hội tại TP.HCM tốn kém vì thủ tục kéo dài

Còn những vấn đề nằm trong thẩm quyền của thành phố, ông Quân khẳng định sẽ tạo điều kiện rút ngắn thủ tục, cải cách thủ tục để doanh nghiệp đồng hành, tham gia với thành phố để xây dựng chương trình phát triển nhà ở theo đúng kế hoạch đã đề ra: “Trong quá trình thực hiện, các sở ngành tham mưu cho TP những thủ tục mà có thể làm song song hoặc liên thông các quy trình giữa các sở ngành, làm sao thực hiện vừa nhanh, vừa đảm bảo các quy định”.

Thời hạn năm 2025 mà TP.HCM đề ra mục tiêu phát triển hơn 35.000 căn hộ giá rẻ đang gần kề. Đến tháng 5/2022, mới có khoảng 1.000 căn nhà ở xã hội được triển khai trong trạng thái “chờ” vì chưa thành hình. Để lời hứa 1 triệu căn nhà ở giá rẻ không trở thành hứa suông, TP.HCM cần có một chính sách an sinh bài bản, cụ thể và dành ngân sách để thực hiện thay vì giao phó, trông chờ hoàn toàn vào doanh nghiệp.

Ý kiến của bạn