TP.HCM đề xuất tất cả hàng, quán được bán rượu, bia trở lại
Sở Công thương TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM xem xét cho phép các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống có sử dụng thức uống có cồn trên địa bàn được hoạt động trở lại trong điều kiện có kiểm soát.
Ngày 13/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp giao ban trực tuyến với các quận, huyện và thành phố Thủ Đức về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, khoảng 60% doanh nghiệp, cơ sở phục vụ ăn uống trên địa bàn đã mở cửa hoạt động lại sau ngày 1/10. Việc thí điểm sử dụng thức uống có cồn tại các quán ăn ở thành phố Thủ Đức và Quận 7 đã triển khai tốt công tác kiểm tra, giám sát và không để phát sinh các vấn đề tiêu cực. Ngoài ra, sau khi thí điểm, 2 đơn vị này cũng đề xuất cho phép mở rộng và kéo dài thời gian thực hiện hoạt động trên.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, nếu xét các yếu tố về bao phủ vaccine, sức khỏe tinh thần và qua việc lấy ý kiến của một số chuyên gia, từ đó nhận thấy việc ngồi cùng bạn bè cũng là cách thức giải tỏa căng thẳng, tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Vì vậy, Sở kiến nghị UBND TP.HCM xem xét, cho phép các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống có sử dụng thức uống có cồn trên địa bàn được hoạt động trở lại trong điều kiện có kiểm soát.
Cụ thể, các cơ sở kinh doanh dịch vụ có phục vụ rượu, bia phải đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 với các điều kiện như: khách hàng phải tiêm đủ 2 mũi vaccine; cơ sở kinh doanh hoạt động tối đa 50% công suất, đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày… Ngoài ra, UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức được giao xem xét, đánh giá, quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép hoạt động kinh doanh có sử dụng đồ uống có cồn trên địa bàn.
Đồng tình với ý kiến của Sở Công thương TP.HCM, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, với nguyên tắc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, đồng thời ý thức của người dân và doanh nghiệp cũng tăng cao, TP.HCM có thể đánh giá theo cấp độ dịch và mở cửa có lộ trình đối với các hoạt động ăn uống kèm theo hoạt động ăn uống có sử dụng đồ uống có cồn. Khi mở rộng các hoạt động ăn uống có sử dụng đồ uống có cồn cũng làm tăng kích cầu tiêu dùng, chi tiêu... để dần dần phục hồi nền kinh tế trong điều kiện an toàn với dịch bệnh.