Đời sống

TP.HCM: Cứu sống 5 trẻ sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương đa cơ quan

(VOVTV) - Hai tuần qua, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) đã cứu sống nhiều trường hợp trẻ sốc sốt xuất huyết nặng, biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu, suy đa cơ quan...

Tác giả Kim Dung / VOV TPHCM
18/07/2022 15:10

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhi nam T.M.K. (14 tuổi, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long), nhập viện ngày thứ 4 của bệnh, được bệnh viện địa phương cấp cứu, truyền dịch chống sốc theo phác đồ rồi chuyển lên tuyến trên. Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, các bác sĩ chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue nặng ngày thứ 4, tái sốc, sốc kéo dài, tổn thương gan, suy hô hấp, béo phì (cân nặng 72kg). Bệnh nhi tiếp tục được truyền dịch chống sốc, huyết áp động mạch xâm lấn, hỗ trợ thở oxy, thở áp lực dương. Sau đó, các bác sĩ đặt nội khí quản giúp thở cho bệnh nhi, truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, điều trị hỗ trợ gan, dẫn lưu dịch ổ bụng giải áp...

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhi N.K.B.M., (5 tuổi, nam, cân nặng 20kg, ngụ huyện Đức Hòa, Long An), ngày thứ 5 được nhập bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc sâu, được truyền dịch chống sốc theo phác đồ, sau đó chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Bệnh nhi được truyền dịch chống sốc, hỗ trợ hô hấp thở máy, chọc dò dẫn lưu màng bụng giải áp, truyền máu và chế phẩm máu, điều trị hỗ trợ gan, điều chỉnh toan máu.

TP.HCM: Cứu sống 5 trẻ sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương đa cơ quan - Ảnh 2.

Trẻ Tr.M.Kh. 14 tuổi, nam, cân nặng 72 kg, dư cân, sốc sốt xuất Dengue nặng, được chống sốc, thở máy xâm nhập, dẫn lưu màng bụng (Ảnh BV cung cấp)

Hai trường hợp bệnh nhi tiếp theo đều 11 tuổi, dư cân, trú tại Long An và Bến Tre. Cả 2 đều vào sốc ngày 5 của bệnh, biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan. Các bác sĩ đã điều trị tích cực với dịch truyền cao phân tử, hỗ trợ hô hấp thở máy không xâm nhập.

Trường hợp thứ 5 là bệnh nhi nữ P.N.T.K., (4 tuổi, cân nặng 22kg, dư cân, trú tại Hóc Môn, TP.HCM), sau 4 ngày sốt cao liên tục, đến ngày thứ 5 hết sốt, tay chân lạnh nên nhập viện địa phương. Bệnh nhi được truyền dịch chống sốc, sau đó chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố trong tình trạng còn biểu hiện sốc sâu, suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa. Sau đó bệnh nhi vẫn diễn tiến nặng, sốc kéo dài, tổn thương gan, thận nặng, suy đa cơ quan, được tiến hành lọc máu liên tục 3 chu kỳ.

BS CKII Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, 3 ngày đầu của bệnh sốt xuất huyết thường sốt cao, tuy nhiên giai đoạn nguy hiểm là 3 ngày sau. Trẻ quấy khóc, bứt rứt khó chịu hoặc li bì, đau bụng, bỏ ăn bỏ bú… Vì vậy cần đặc biệt theo dõi từ ngày thứ 3 để cho trẻ nhập viện.

“Giai đoạn này bệnh có thể diễn tiến thành những biến chứng nặng sốt xuất huyết, có thể biến chứng của tình trạng xuất huyết, tức là chảy máu, có thể chảy máu bất thường, ví dụ chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi tiêu ra máu, hoặc đối với bé gái lớn, tuổi thành niên có thể xuất huyết âm đạo ngoài chu kỳ kinh”, bác sĩ Nam nói.

Ý kiến của bạn