Tin tức

TP.HCM cân nhắc các phương án phụ lục hợp đồng dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng

(VOVTV) - Tổ đàm phán theo quyết định số 322/QĐ-UBND vừa có báo cáo UBND TP.HCM về kết quả cuộc họp đàm phán phụ lục hợp đồng BT dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).

Tác giả Hà Khánh / VOV TPHCM
26/07/2022 15:21

Thực hiện chỉ đạo UBND TP.HCM, Tổ đàm phán đã đề nghị nhà đầu tư đàm phán nội dung chỉ điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Nhà đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam đồng thuận việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án nhưng cũng đề nghị TP điều chỉnh quỹ đất để đáp ứng yêu cầu thanh toán dự án của ngân hàng BIDV.

TP.HCM cân nhắc các phương án phụ lục hợp đồng dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Cống Mương Chuối thuộc dự án chống ngập. Ảnh: TN

Nhà đầu tư cho rằng nếu không có điều khoản về quỹ đất thanh toán hợp đồng BT trong phụ lục hợp đồng BT điều chỉnh thì ngân hàng BIDV sẽ không đồng ý tiếp tục ký phụ lục hợp đồng tín dụng của dự án, dẫn đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ không thể xem xét việc gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn cho dự án vì việc gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn cần phải có phụ lục hợp đồng BT và phụ lục hợp đồng tín dụng.

Theo phía công ty Trung Nam, dự án đã kéo dài 7 năm, tạm dừng thi công 3 lần và nếu không giải quyết vấn đề phụ lục hợp đồng BT thì dự án sẽ tiếp tục dừng lần 4, không biết ngày hoàn thành. Điều này sẽ phát sinh lãng phí, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người dân TP.

TP.HCM cân nhắc các phương án phụ lục hợp đồng dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Dự án có mục tiêu ngăn triều cường và ứng phó tác động của biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2. Ảnh: TN

Trên cơ sở nội dung cuộc họp đàm phán và ý kiến các thành viên, Tổ đàm phán cũng đã phân tích các thuận lợi, hạn chế trong việc điều chỉnh các nội dung phụ lục hợp đồng BT. Theo đó, với phương án 1 là chỉ điều chỉnh thời gian có thể sẽ tạo ra sự không thống nhất giữa các bên dẫn đến phụ lục hợp đồng có thể không được ký kết.

Với phương án 2 là điều chỉnh thời gian và quỹ đất, Tổ đàm phán đánh giá có thể tạo sự đồng thuận để phụ lục hợp đồng được ký kết làm cơ sở để UBND TP trình Ngân hàng Nhà nước thủ tục gia hạn thời gian giải ngân khoản vay tái cấp vốn dự án làm cơ sở thi công hoàn thành công trình.

Theo Tổ đàm phán thì thỏa thuận quỹ đất theo hợp đồng BT, phụ lục hợp đồng BT đang thương thảo chỉ là cơ sở để xác định vị trí đất dự kiến sẽ thanh toán. Các quỹ đất trên còn thực hiện nhiều thủ tục liên quan theo qui định. Số quỹ đất thanh toán theo điều 22 Hợp đồng BT cũng đã được điều chỉnh từ 7 quỹ đất còn 5 quỹ đất.

Do đó, Tổ đàm phán báo cáo UBND TP xem xét, quyết định hoặc trao đổi thêm với lãnh đạo Ngân hàng BIDV trước khi quyết định.

TP.HCM cân nhắc các phương án phụ lục hợp đồng dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng - Ảnh 3.

Ông Phan Văn Mãi trao đổi về dự án chống ngập vào ngày 14/7/2022. Ảnh: Hà Khánh

Liên quan đến việc này, vào ngày 14/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP sẵn sàng ký gia hạn phụ lục hợp đồng. Tuy nhiên trong quá trình ký lại, nhà đầu tư đã đề xuất thêm một số nội dung mới. Do đó, Thường trực UBND TP.HCM yêu cầu đàm phán lại các nội dung phát sinh vì những nội dung này sẽ thay đổi bản chất của hợp đồng.

Ông Phan Văn Mãi cũng cho biết thêm, tiến độ hoàn thành dự án phụ thuộc vào kết quả ký phụ lục hợp đồng, mốc thời gian do các bên ngồi thống nhất với nhau. TP vẫn phấn đấu theo mục tiêu là hoàn thành vào năm 2023 nhưng TP không bất chấp làm để dẫn đến những sai phạm mới. Quá trình làm phải tháo gỡ các vướng mắc và làm đúng.

Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1 là dự án trọng điểm của TP.HCM, với các mục tiêu ngăn triều cường và ứng phó tác động của biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP. Dự án được khởi công từ giữa năm 2016 và dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2018.

Tuy nhiên do những khó khăn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và nguồn vốn nên sau đó tiến độ hoàn thành lùi lại nhiều lần. Mới đây nhất, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã đề nghị đẩy nhanh tiến độ, chậm nhất đến đầu năm 2023 đưa vào hoạt động.

Ý kiến của bạn