TP Hồ Chí Minh đã thành công kiểm soát chuỗi lây nhiễm sân bay Tân Sơn Nhất
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, chuỗi lây nhiễm COVID-19 ở sân bay Tân Sơn Nhất và tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh cơ bản đã được kiểm soát tốt.
Theo đánh giá của ngành y tế TP Hồ Chí Minh, chuỗi lây nhiễm ở sân bay Tân Sơn Nhất được kiểm soát là nhờ áp dụng phương châm truy vết thần tốc, khống chế nhanh, thông qua các biện pháp điều tra, mở rộng phạm vi tiếp xúc và đặc biệt là mở rộng xét nghiệm cả về không gian và thời gian.
Phải xác định được nguồn lây
Ngày 5/2, hệ thống giám sát chủ động của Thành phố đã phát hiện ca nhiễm chỉ điểm đầu tiên tại sân bay Tân Sơn Nhất, là bệnh nhân 1979.
Qua hoạt động mở rộng xét nghiệm, rà soát các nhóm nguy cơ tại sân bay, Thành phố đã phát hiện thêm 8 trường hợp nhiễm là nhân viên bốc xếp, giám sát hàng hóa tại sân bay. Sau khi truy vết khoanh vùng, đã phát hiện thêm 26 trường hợp có liên quan đến nhân viên sân bay.
“Từ ngày 10/2 đến nay, Thành phố không còn ghi nhận thêm trường hợp mắc mới nào liên quan đến chuỗi lây bệnh sân bay Tân Sơn Nhất. Như vậy, đến nay Thành phố đã phát hiện 35 trường hợp mắc COVID-19 liên quan đến sân bay Tân Sơn Nhất”, đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết thêm.
Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, một nguyên tắc tối quan trọng để kiểm soát được ổ dịch hoặc chuỗi lây nhiễm là phải tìm ra được nguồn lây. Theo đó, đối với chuỗi lây nhiễm lần này, bước đầu Thành phố đã đánh giá có khả năng bắt nguồn từ nhóm nhân viên thuộc đội quản lý và đội bốc xếp hàng hóa, hành lý thuộc của công ty phục vụ mặt đất (VIAGS) tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Thành phố đã khẩn cấp triển khai xét nghiệm, rà soát lần 2 cho toàn bộ nhân viên công ty VIAGS, lấy mẫu toàn bộ hộ gia đình của các nhân viên này với hơn 5.400 mẫu xét nghiệm (hơn 1.600 nhân viên và hơn 3.800 người nhà). Nhờ đó, đã tìm ra được thêm 3 nhân viên và 1 người nhà nằm trong chuỗi lây nhiễm 35 ca bệnh này.
Qua báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới về kết quả giải mã bộ gene chủng SARS-CoV-2 từ các ca bệnh ở tổ bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều khả năng các ca này xuất phát từ một nguồn lây. Chủng SARS-CoV-2 gây bệnh ở nhóm công nhân bốc xếp thuộc nhóm A.23.1 được phát hiện lần đầu tiên ở Rwanda, Châu Phi vào khoảng cuối tuần thứ 3 của tháng 10 năm 2020, không phải biến chủng có khả năng lây lan nhanh từ Anh (biến thể B.1.1.7).
Ngoài Rwanda, A.23.1 chỉ mới được phát hiện ở một số nước khác trên thế giới bao gồm Hoa Kỳ, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Úc, Anh và Đan Mạch, tuy nhiên chưa ghi nhận những dấu hiệu diễn biến bất thường ở các quốc gia này. Đây là lần đầu tiên chủng A.23.1 được phát hiện gây bệnh trong cộng đồng ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
Xét nghiệm thần tốc
Để kiểm soát chuỗi lây nhiễm này, Thành phố áp dụng theo đúng phương châm truy vết thần tốc, khống chế nhanh thông qua các biện pháp điều tra, mở rộng phạm vi tiếp xúc và đặc biệt là mở rộng xét nghiệm cả về không gian và thời gian.
Khi nhận thông tin những trường hợp nghi nhiễm ngay khi là mẫu gộp, chưa xác định cá nhân nhiễm là trường hợp cụ thể nào thì thành phố đã lập tức truy vết, khoanh vùng tất cả các trường hợp liên quan, không để sót bất cứ trường hợp nguy cơ nào, từ đó đã tìm ra được một chuỗi lớn gồm 35 trường hợp nhiễm bệnh như đã nêu.
“Chiến lược xét nghiệm thần tốc chính là “chìa khóa” then chốt trong kiểm soát chuỗi lây nhiễm liên quan đến sân bay Tân Sơn Nhất”, đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh khẳng định.
Cụ thể, TP Hồ Chí Minh đã khẩn trương điều tra truy vết người tiếp xúc, phong tỏa tạm thời 36 địa điểm có ổ dịch để tiêu độc khử trùng và điều tra, xét nghiệm tầm soát; xét nghiệm kiểm tra trên 2.946 F1, F2 của 35 ca bệnh nêu trên không phát hiện thêm người nhiễm bệnh; xét nghiệm cho 9.864 người trong cộng đồng tại các địa điểm, khu vực liên quan ca bệnh không ghi nhận người nhiễm; xét nghiệm kiểm tra cho hơn 2.700 nhân viên y tế của 5 bệnh viện tại Thành phố có liên quan các ca bệnh cũng không phát hiện lây nhiễm.
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 với các địa phương, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, nhằm kiểm soát chùm ca bệnh ở sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố đã tổ chức nhiều biện pháp khẩn cấp như xét nghiệm tầm soát cho toàn bộ nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất; mở rộng xét nghiệm tầm soát cho người nhà của nhân viên công ty VIAGS; khẩn trương điều tra truy vết người tiếp xúc, xét nghiệm kiểm tra F1, F2 của 35 ca bệnh liên quan đến dịch; phong tỏa tạm thời 36 địa điểm có ổ dịch để tiêu độc khử trùng và điều tra, xét nghiệm tầm soát…
Cùng với việc kiểm soát chuỗi lây nhiễm ở sân bay Tân Sơn Nhất, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải có thêm các biện pháp giám sát rộng cộng đồng bằng xét nghiệm bởi với mật độ dân số đông, có sự giao lưu lớn nên vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh. Theo đó, ngay từ chiều 30 Tết đến hết mùng 3 Tết, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện lấy 6.551 mẫu xét nghiệm tại 5 bến xe liên tỉnh, 2 bến xe nội đô, 3 chợ đầu mối, 35 chợ địa phương và 25 khu nhà trọ, khu lưu trú của công nhân. Tất cả những mẫu xét nghiệm trên đều có âm tính với SARS-CoV-2.
Để đáp ứng kịp với tốc độ truy vết, giám sát diện rộng, yêu các mẫu xét nghiệm phải có trong vòng 24 giờ. Thông tin về năng lực lấy mẫu xét nghiệm tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đạt 100.000 mẫu mỗi ngày, có thể lên đến 200.000 mẫu. Về năng lực xét nghiệm COVID-19, Thành phố có thể thực hiện khoảng 30.000 - 40.000 mẫu trong 24 giờ.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho sân bay Tân Sơn Nhất duy trì hoạt động trong những ngày qua, ngành y tế phối hợp các đơn vị chức năng trong sân bay rà soát, củng cố lại các quy trình vận hành, hoạt động để tăng cường, bổ sung các biện pháp hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; hạn chế tối đa các dịch vụ ăn uống tập trung đông người, nhiều tiếp xúc trong sân bay, chủ yếu cung cấp thức ăn nhanh mang đi; tổ chức cách ly tập trung đối với toàn bộ 146 nhân viên đội bốc xếp và quản lý sắp xếp hàng hóa trên máy bay để kiểm soát nguy cơ tiếp tục lây lan ra cộng đồng.
Ngoài ra, hàng ngày toàn bộ nhân viên sân bay làm việc ở các khâu tiếp xúc với hành khách và nhân viên bốc xếp hàng hóa đều được xét nghiệm kiểm tra trong vòng 24 giờ trước ca làm việc, nếu âm tính mới được đi làm; kể từ ngày 8/2 đến nay, đã có 7.494 lượt nhân viên được xét nghiệm kiểm tra, tất cả đều âm tính.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong thông tin, trong đợt đáp ứng khẩn cấp nhằm kiểm soát chùm ca bệnh liên quan đến sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố đã thực hiện tổng cộng 39.122 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Từ ngày 10/2, Thành phố không ghi nhận thêm trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, đến nay có thể nhận định ổ dịch tại Thành phố đã được kiểm soát.
“Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn đó, chúng ta không được phép lơ là, mất cảnh giác. Người dân thành phố cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo 5K, đặc biệt luôn mang khẩu trang đúng cách khi ra khỏi nhà, đến nơi công cộng”, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố khuyến cáo.
Tin nổi bật
Tin Video