Top 3 nhà thờ lâu đời làm nên đặc trưng của Sài Gòn
Ngoài Nhà thờ Đức Bà nổi tiếng mà hầu như ai cũng biết khi nhắc đến TP.HCM thì mảnh đất Sài Thành còn khá nhiều nhà thờ hơn trăm tuổi làm nên đặc trưng của thành phố này mà bạn nên ghé thăm nếu có dịp đến đây.
Là một thành phố trẻ với lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển, các công trình kiến trúc tại TP.HCM chịu ảnh hưởng khá đậm phong cách kiến trúc phương Tây, trong đó có các nhà thờ. Thành phố có nhiều công trình nhà thờ độc đáo, góp phần làm nên một Sài Gòn đặc sắc. Nếu bạn đến đây, đừng quên đến thăm những nhà thờ cổ kính tiêu biểu.
Nhà thờ Huyện Sỹ - Ông ngoại Hoàng hậu Nam Phương xây dựng
Tọa lạc trên một khu đất cao và rộng ở góc đường Nguyễn Trãi và đường Tôn Thất Tùng, Quận 1, nhà thờ Huyện Sĩ hiện là một trong những nhà thờ có khuôn viên thoáng đãng nhất Sài Gòn, thu hút nhiều người đến tham quan và cầu nguyện. Nhà thờ Huyện Sỹ có tên chính thức là Thánh Philipphê Tông đồ. Trải qua hơn 100 năm, nhà thờ Công giáo này vẫn giữ được nét kiến trúc cổ.
Nhà thờ Huyện Sỹ được xây theo nguyên mẫu nhà thờ nhỏ ở Pháp mang phong cách kiến trúc tân Gothic. Đây là một trong số ít công trình sử dụng vật liệu đá granit Biên Hòa tại mặt tiền, đế và các cột chính điện. Loại đá này rất cứng nên mặt tiền nhà thờ không có các chi tiết trang trí truyền thống nhưng lại thể hiện ý muốn phô trương sự giàu có.
Nhà thờ do ông Lê Phát Ðạt, ông ngoại của Hoàng hậu Nam Phương, tức Huyện Sỹ - một trong tứ đại hào phú cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 hiến đất và bỏ tiền ra xây dựng. Chính vì thế người dân quen gọi là Nhà thờ Huyện Sỹ. Công trình hoàn thành vào năm 1905.
Nhà thờ có chiều dài 40 mét, chia làm 4 gian, rộng 18 mét. Hai bên hông nhà thờ có không gian rộng, hàng cây thông rất mát và đẹp hấp dẫn nhiều bạn trẻ đến chụp ảnh.
Nhà thờ Cha Tam – "Lai" Á Âu
Nhà thờ Cha Tam có tên chính thức là Nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê nhưng lại được gọi với cái tên Cha Tam. Bởi người đứng ra xây dựng là linh mục Pierre D'Assou có tên tiếng Hoa phiên âm Tiếng Việt là Tam An Su. Vì vậy mọi người quen gọi là nhà thờ Cha Tam.
Cha Tam là một nhà thờ cổ, khá đặc biệt, thú vị bởi mang kiến trúc, văn hóa độc đáo hòa trộn giữa Đông và Tây. Giống như các nhà thờ ở Châu Âu, nhà thờ Cha Tam được xây dựng lối kiến trúc Gothic, nhưng xen kẽ trang trí yếu tố văn hóa người Hoa. Như cổng nhà thờ xây kiểu tam quan, trang trí đầu rồng, tên nhà thờ ghi bằng chữ Hán, cột cổng sơn đỏ rồi sơn nhà thờ màu vàng hay họa tiết trang trí hoa sen là chi tiết không phổ biến trong nhà thờ Công giáo.
Chính vì "lai" Á Âu, nhất là cổng tam quan lợp ngói âm dương bên ngoài nhà thờ khiến rất nhiều người mới đến đây hay đi ngang qua thường nhầm nhà thờ Cha Tam là chùa. Hơn nữa nhà thờ nằm ngay trong khu vực Chợ Lớn, tập trung đông người Hoa nhất Sài Gòn (25 Học Lạc, Quận 1) đã khiến nhiều người nghĩ là chùa. Nhưng cũng chính nét khác lạ này đã làm cho nhà thờ thu hút nhiều khách tham quan cũng như góp phần tạo nên đặc trưng các công trình kiến trúc Sài Gòn.
Nhà thờ Ngã Sáu – Điểm nhấn kiến trúc cổ giữa không gian hiện đại
Nhà thờ Thánh Nữ Jeanne D'Arc thường được gọi là nhà thờ Ngã Sáu vì vị trí ngã sáu của mình (169A, Hùng Vương, Quận 5), là công trình Công giáo được xây dựng năm 1922. Cũng giống hầu hết các nhà thờ cổ ở Sài Gòn, nhà thờ Ngã Sáu được xây dựng theo kiến trúc Gothic đặc trưng.
Tuy không nổi tiếng bằng nhà thờ Đức Bà hay nhà thờ Tân Định nhưng nhà thờ Ngã Sáu là một điểm đến thú vị thu hút những người thích khám phá kiến trúc cổ của Sài Gòn. Nhà thờ Ngã Sáu được xây trên khu đất người Hoa xưa, khuôn viên thoáng đãng tạo điểm nhấn giữa những con phố rộng.
Đối lập với bốn bề xe cộ, nhà cao tầng hiện đại là công trình kiểu Gothic đặc trưng, cửa sổ hình vòm, tường màu hồng gạch rêu phong, cổ kính. Nhà thờ được đặt trong công viên có nhiều cây xanh cao lớn với phía trước là một quảng trường tạo nên một quần thể đẹp hài hòa. Chính vì không gian rộng và mang nét cổ xưa này mà rất nhiều bạn trẻ, cặp đôi mới cưới chọn làm nơi chụp ảnh.
Những nhà thờ này thường mở cửa tự do cho khách và người dân đến tham quan, cầu nguyện và không cấm quay phim, chụp ảnh, tuy nhiên khi đến những nơi linh thiêng, bạn cũng nên thận trọng nếu có ý định "sống ảo" ở đây. Trang phục không nên quá lộ liễu, hở hang và lòe loẹt. Và đặc biệt đừng tạo dáng quá lố ở nơi thờ tự này nhé.
Hãy tôn trọng nơi tôn nghiêm của mọi người, và cũng nên tìm hiểu trước để tránh đến tham quan vào giờ cử hành thánh lễ.
Tin nổi bật
Tin Video