Tin tức

Tổng thống Ukraine chỉ trích NATO 'bật đèn xanh' cho Nga ném bom

(VOVTV) - Tối 4/3, xuất hiện trên truyền hình, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy mạnh mẽ chỉ trích việc NATO bác bỏ đề nghị cấm bay trên vùng trời Ukraine, nói rằng, quyết định này có nghĩa là Nga được bật đèn xanh tiếp tục ném bom xuống nước này.

Tác giả PV / VOVTV  -  
05/03/2022 09:30

"Hôm nay NATO họp thượng đỉnh, một hội nghị thượng đỉnh yếu ớt, rối rắm, một hội nghị thượng đỉnh mà rõ ràng là không phải ai cũng coi cuộc chiến đấu vì tự do của châu Âu là mục tiêu đầu tiên. Hôm nay, với việc từ chối lập vùng cấm bay, lãnh đạo của liên minh này đã bật đèn xanh cho phép tiếp tục ném bom xuống làng mạc thành phố của Ukrainian", tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ việc NATO bác bỏ đề nghị cấm bay trên vùng trời Ukraine.

Tổng thống Ukraine chỉ trích NATO không quyết định cấm bay - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine chỉ trích NATO không quyết định cấm bay

Ông Zelenskiy trước đó đã đề nghị NATO lập vùng cấm bay trên bầu trời Ukraine để giúp nước này bảo vệ bầu trời khỏi máy bay và tên lửa của Nga, tuy nhiên đề nghị của ông đã không được đáp ứng.

Tổng thống Ukraine chỉ trích NATO không quyết định cấm bay - Ảnh 2.

Hàng nghìn người ủng hộ Ukraine tại nhiều thành phố ở châu Âu

Cùng ngày, xuất hiện qua zoom tại các cuộc biểu tình của hàng nghìn người ủng hộ Ukraine tại nhiều thành phố ở châu Âu, ông Zelenskiy tuyên bố, nếu Ukraine không trụ được thì châu Âu cũng sẽ không trụ được. Ông cũng đề nghị người biểu tình dành 1 phút mặc niệm cho những người đã thiệt mạng trong những ngày qua.

Tổng thống Ukraine phát biểu qua zoom với người biểu tình

Cũng trong ngày 4/3, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Mỹ đang xem xét liệu Nga có phạm tội ác chiến tranh hay không và hiện tại chưa đưa ra quyết định gì. Người phát ngôn này cũng nói rằng, việc Nga tấn công vào nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine là hành động cực kỳ vô trách nhiệm, và rằng, Mỹ đã xem xét hành động có thể là tội ác chiến tranh của Nga từ trước khi xảy ra vụ tấn công nhà máy điện hạt nhân này.

Tổng thống Ukraine chỉ trích NATO không quyết định cấm bay - Ảnh 4.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki

Trước đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tổ chức cuộc họp bất thường tại Brussels để thảo luận về cuộc khủng hoảng leo thang ở Ukraine. Cuộc họp còn có sự tham dự của người đồng cấp Phần Lan, Thụy Điển và Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU).

Tại cuộc họp, các ngoại trưởng đã luận bàn về phản ứng tức thời của NATO đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ngoài việc điều hàng nghìn binh sĩ tới các nước ở sườn phía Đông, NATO còn lần đầu tiên cho triển khai Lực lượng ứng phó với hơn 130 máy bay chiến đấu được đặt trong tình trạng báo động và hơn 200 tàu trên biển. Ngoài ra, các bộ trưởng cũng đề cập đến sự cần thiết phải hỗ trợ cho các nước xung quanh khu vực căng thẳng, đặc biệt là Gruzia, Bosnia và Herzegovina.

Về quan hệ với Nga, các bộ trưởng NATO nhất trí cho rằng quan hệ giữa hai bên sẽ bị ảnh hưởng lâu dài, song NATO kiên quyết giữ các kênh ngoại giao để tránh leo thang, hiểu lầm hoặc tính toán sai lầm.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh liên minh quân sự sẽ tiếp tục làm những gì cần thiết để đảm bảo cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine không diễn biến trầm trọng hơn và không lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraine.

Hội đồng Bảo an LHQ ngày 4/3 cũng đã họp khẩn cấp sau khi nhà máy Zaporizhzhia, nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Ukraine, bị trúng đạn và cháy nổ xảy ra nhưng may mắn dập được.

Phát biểu trước phiên họp của HĐBA theo đề nghị của 6 nước trong HĐBA gồm Anh, Mỹ, Pháp, Na Uy, Ireland và Albania, bà Rosemary DiCarlo, Phó Tổng Thư ký LHQ khẳng định các hoạt động quân sự ở khu vực các nhà máy điện hạt nhân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu là "không chấp nhận được".

 Trưởng phái đoàn thường trực Mỹ tại LHQ, Đại sứ Linda Thomas-Greenfield cho rằng vụ việc xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân đã đặt cả châu Âu vào tình huống nguy hiểm. Đại sứ Barbara Woodward, Trưởng phái đoàn thường trực Anh tại LHQ, lên tiếng kêu gọi không để những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai. Bà Woodward nhấn mạnh rằng, kể cả trong giao tranh, vẫn phải tránh và bảo vệ an toàn và an ninh cho các khu vực có năng lượng hạt nhân. 

 Đại sứ Sergiy Kyslytsya, Trưởng phái đoàn thường trực Ukraine tại LHQ kêu gọi các lực lượng quân sự của Nga rút quân khỏi khu vực nhà máy điện hạt nhân nói trên và thiết lập khu vực cấm bay tại Ukraine để bảo vệ dân thường khỏi các vụ không kích.

 Về phần mình, Đại sứ Vassily Nebenzi, Trưởng phái đoàn thường trực Nga tại LHQ bác bỏ các cáo buộc về việc Nga tấn công nhà máy điện ở Ukraine, cho rằng đó là những thông tin không đúng sự thật nhằm chống lại Nga. Đại sứ Nebenzi cho rằng quân Nga và quân Ukraine có giao tranh ở khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nhưng Nga không nã đạn vào nhà máy này. 

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn