Tin tức

Tổng thống Sri Lanka tuyên bố từ chức giữa làn sóng biểu tình phản đối

(VOVTV) - Tối 9/7, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa tuyên bố đồng ý rời bỏ chức vụ, trong bối cảnh người biểu tình phản đối tràn vào chiếm giữ dinh thự của ông trong sáng cùng ngày.

Tác giả Phan Tùng / VOV New Delhi
10/07/2022 05:38

Phát biểu trong cuộc họp báo tối 9/7, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardena thông báo, ông Gotabaya Rajapaksa sẽ từ chức Tổng thống vào ngày 13/7. Thông tin này được phát đi chỉ ít giờ sau khi Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cũng tuyên bố rời bỏ chức vụ.

Người biểu tình tràn vào dinh thự Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ngày 9/7 để gây áp lực đòi Tổng thống từ chức. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Abeywardena nói: "Cá nhân tôi đã thông tin cho Tổng thống về các quyết định được đưa ra tại cuộc họp của lãnh đạo các đảng phái ngày hôm nay. Ông ấy đã đồng ý thực hiện những quyết định này. Ông ấy đã nói với tôi rằng hãy thông báo cho cả nước việc ông ấy sẽ từ chức vào ngày thứ Tư 13/7, để đảm bảo việc chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Bởi vậy, không cần thiết phải gây bất ổn đất nước này thêm nữa. Tôi trân trọng đề nghị người dân hãy hợp tác thay mặt cho đất nước, vì tương lai của đất nước để duy trì hòa bình.”

Trước đó, trong một bức thư gửi Tổng thống Gotabaya, ông Abeywardena thông báo rằng ông Gotabaya nên rời khỏi chức vụ ngay lập tức và triệu tập Quốc hội trong vòng 7 ngày để chỉ định Tổng thống tạm quyền. Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka cho biết Chính phủ mới sẽ được thành lập với Thủ tướng mới và sẽ đứng ra tổ chức tổng tuyển cử sau một thời gian nhất định. Các quyết định từ chức của lãnh đạo Sri Lanka đưa ra sau những diễn biến căng thẳng tại thủ đô Colombo. 

Người biểu tình đã tràn vào dinh thự của cả Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe nhằm gây áp lực đòi hai nhà lãnh đạo này từ chức.

Trong một phát biểu trước đó, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã ra thông báo về việc từ chức. 

“Để đảm bảo hoạt động của Chính phủ bao gồm cả sự an toàn của người dân, tôi chấp nhận khuyến nghị tốt nhất của lãnh đạo các đảng phái đưa ra hôm nay, mở đường cho một chính phủ với tất cả các đảng phái. Để tạo điều kiện cho nó, tôi sẽ từ chức Thủ tướng.” Tuyên bố của ông Ranil Wickremesinghe viết.

Trong cuộc họp của lãnh đạo các đảng phái ngày 9/7, tất cả những đại diện tham dự nhất trí cả Tổng thống và Thủ tướng nên từ chức và Chủ tịch Quốc hội sẽ đảm nhận vị trí Tổng thống trong vòng tối đa 30 ngày. Việc bầu chọn một nghị sỹ vào vị trí Tổng thống trong phần còn lại của nhiệm kỳ sẽ do Quốc hội đảm nhiệm.

Sri Lanka vừa trải qua một ngày thứ Bảy đầy biến động. Làn sóng người biểu tình phản đối sự điều hành yếu kém của Chính phủ khi để xảy ra khủng hoảng kinh tế, đã lên tới đỉnh điểm với việc dinh thự của Tổng thống và Thủ tướng đều bị chiếm giữ. Hiện, Sri Lanka vẫn đang vật lộn trong cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế xã hội. Nợ công cao, cạn kiệt dự trữ ngoại hối khiến nước này không còn khả năng nhập khẩu nhiên liệu, hàng hóa thiết yếu và thuốc men. Tình trạng khan hiếm trầm trọng nhiên liệu, hàng hóa đẩy lạm phát lên cao, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, càng khiến người dân bất bình./.

Ý kiến của bạn