Tin tức

Tổng thống Pháp cảnh báo giải tán Quốc hội do mâu thuẫn về cải cách hưu trí

(VOVTV) - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua (29/9) cảnh báo sẽ giải tán Quốc hội và tiến hành cuộc bầu cử lập pháp mới nếu phe đối lập tìm cách lật đổ chính phủ đương nhiệm hiện nay.

Tác giả Mạnh Hà / VOV Paris
30/09/2022 16:09

Dự luật cải cách hưu trí mới tại Pháp đang vấp phải sự phản đối mạnh từ các tổ chức xã hội và các lực lượng chính trị đối lập. Theo dự luật cải cách hưu trí mới, độ tuổi về hưu tại Pháp sẽ được nâng từ 62 tuổi lên 64 tuổi vào năm 2027, sau đó sẽ tăng thêm mỗi năm 4 tháng để ấn định tuổi về hưu là 65 tuổi vào năm 2031.

Đổi lại, tiền hưu trí sẽ được tăng lên với mức tối thiểu là 1.100 euro/tháng và chỉ số lương hưu sẽ được tính dựa theo tỷ lệ lạm phát.

Tổng thống Pháp cảnh báo giải tán Quốc hội do mâu thuẫn về cải cách hưu trí - Ảnh 1.

Biểu tình phản đối dự luật cải cách hưu trí trong ngày 29/9. Ảnh: Le Monde

Ngay khi được công bố, dự luật cải cách hưu trí đã vấp phải những phản ứng mạnh mẽ từ các lực lượng chính trị đối lập và các nghiệp đoàn, tổ chức xã hội lớn tại Pháp. Hàng trăm các cuộc biểu tình đã đồng loạt diễn ra trên khắp nước Pháp trong ngày hôm qua (29/9) với sự tham gia của gần 120 nghìn người theo con số thống kê của Bộ Nội vụ và hơn 250 nghìn theo các nghiệp đoàn lao động.

Người biểu tình đã giương cao các biểu ngữ yêu cầu tăng lương, tăng trợ cấp xã hội, học bổng, phản đối việc tăng độ tuổi hưu và chính sách năng lượng hiện nay... Tổng thư ký Tổng công đoàn lao động Pháp (CGT) ông Philippe Martinez cho biết đây là cảnh báo đầu tiên gửi đến chính phủ và giới chủ Pháp về việc đáp ứng các mối quan tâm hàng đầu của người dân.

Lãnh đạo các đảng cánh tả như đảng Cộng sản (PCF), đảng Sinh thái (EELV) và đảng “Đấu tranh công nhân” (LO) cho rằng Tổng thống Emmanuel Macron đang né tránh đối thoại và cố tình áp đặt chính sách lên người dân.

Hai lực lượng chính trị đối lập lớn nhất trong Quốc hội là đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” (RN) và đảng cực tả “Nước Pháp bất khuất” (LFI) khẳng định sẵn sàng yêu cầu một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ đương nhiệm nếu Thủ tướng Elisabeth Borne vận dụng điều 49.3 trong Hiến pháp để dự luật cải cách hưu trí được thông qua mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội.

Trước những phản ứng trên, Thủ tướng Elisabeth Borne hôm qua tuyên bố các cuộc tham vấn xã hội và thương lượng chính trị về dự luật cải cách hưu trí sẽ được kéo dài thêm 3 tháng. Tuy nhiên, người đứng đầu chính phủ Pháp khẳng định dự luật cải cách hưu trí sẽ phải được thống nhất về nội dung trước khi kết thúc mùa Đông để trình Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ mùa Hè 2023.

Theo các nhà phân tích, cải cách chế độ hưu trí là một trong những ưu tiên của Tổng thống Emmanuel Macron sau khi đã thất hứa trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Tuy nhiên, cơ hội để dự luật này được thông qua tại Quốc hội là không lớn do liên minh của ông Macron không có đủ đa số ghế cần thiết để tự quyết định.

Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Lao động Pháp ông Olivier Dussopt cảnh báo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã sẵn sàng giải tán Quốc hội và tiến hành một cuộc bầu cử lập pháp mới: “Nếu tất cả phe đối lập liên minh lại với nhau để yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm và lật đổ chính phủ hiện nay thì chúng tôi sẽ trao quyền lựa chọn lại cho người dân Pháp, để người dân Pháp quyết định xem họ muốn có một liên minh đa số mới như thế nào. Và tất nhiên chúng tôi sẽ vận động để nhiệm kỳ Tổng thống này được củng cố vững chắc hơn”./.

Ý kiến của bạn