Tổng thống Nga Putin: Vũ khí hạt nhân của Nga không có đối thủ
(VOVTV) - Nhiều vũ khí hạt nhân của Nga không có đối thủ. Đó là tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin cuối tuần vừa rồi nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Rosatom.
"Rosatom đóng góp lớn trong việc củng cố tiềm năng nắm giữ hạt nhân của chúng ta, thúc đẩy sức mạnh của bộ ba hạt nhân, phát triển và thiết lập các hệ thống chiến đấu và vũ khí quân sự mà nhiều trong số này không có đối thủ trên thế giới. Hiện tại, Nga có loại công nghệ sử dụng năng lượng hạt nhân mang lại cho đất nước sức mạnh cạnh tranh chiến lược, lâu dài giữa các quốc gia thuộc câu lạc bộ hạt nhân."
Ông Putin thêm rằng Rosatom đang tiến hành nhiều dự án nghiên cứu và phát triển ứng dụng nhằm tăng cường sức mạnh cho lá chắn hạt nhân, cũng như năng lực quốc phòng của Nga.
Bộ ba răn đe hạt nhân mà ông Putin nói tới gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) phóng từ mặt đất, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay mang vũ khí hạt nhân. Duy trì ba trụ cột hạt nhân giúp hạn chế nguy cơ lực lượng chiến lược bị xóa sổ trong đòn phủ đầu, bảo đảm khả năng tấn công trả đũa và năng lực răn đe hạt nhân đáng tin cậy. Hiện có 4 nước sở hữu năng lực này gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.
Trước đó ngày 30/11, Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố Nga sẽ đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng vũ khí hạt nhân.
Ông Shoigu nói thêm rằng, Nga sẽ cải thiện năng lực chiến đấu của các lực lượng tên lửa, và rằng các cơ sở đang được xây dựng để chứa các hệ thống tên lửa mới.
Theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS), Nga hiện là nước có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với gần 6.000 đầu đạn.
Tuần trước, Nga đã thông báo hoãn tham gia cuộc đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân giữa nước này và Mỹ dự kiến diễn ra từ ngày 29/11 - 6/12 tại Cairo (Ai Cập).
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 29/11 nói rằng Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) giữa nước này và Mỹ vẫn có hiệu lực, mặc dù thiếu hoạt động thanh sát giữa hai bên cũng như quyết định vào phút cuối của Moskva về việc huỷ các cuộc thảo luận của uỷ ban hỗn hợp. Được ký kết năm 2010, thỏa thuận New START sẽ hạn chế kho vũ khí của Nga và Mỹ ở mức tối đa là 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai, giảm gần 30% so với mức được đặt ra hồi năm 2002.
Đến tháng 1/2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí kéo dài hiệp ước này thêm 5 năm, tới năm 2026. Cho đến nay, Moskva và Washington cho phép lẫn nhau mỗi năm được thực hiện dưới 20 lần thanh sát trong khuôn khổ New START.
Tin nổi bật
Tin Video