Tổng thống Gotabaya bị chặn tại sân bay khi chuẩn bị rời Sri Lanka
(VOVTV) - Tổng thống Sri Lanka vừa tuyên bố từ chức, ông Gotabaya Rajapaksa đã thất bại trong khi tìm đường rời khỏi đất nước. Diễn biến này đặt trong bối cảnh người dân Sri Lanka bất bình với việc điều hành đất nước của ông và đòi nhà lãnh đạo này phải chịu trách nhiệm.
Sáng 12/7, các nguồn tin địa phương cho biết, ông Gotabaya đã bị các nhân viên xuất nhập cảnh tại sân bay từ chối để ông lên máy bay ra nước ngoài. Trước đó, trong một tuyên bố cuối tuần qua, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa hứa sẽ từ chức vào ngày mai 13/7, mở đường cho ‘quá trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình’.
Ông Gotabaya Rajapaksa rời bỏ chức vụ trong bối cảnh làn sóng biểu tình phản đối của người dân trước kết quả điều hành kinh tế yếu kém của chính quyền. Trong ngày 9/7, hàng nghìn người biểu tình đã tràn vào chiếm giữ dinh thự của ông và của Thủ tướng Ranil Wickremesingheở thủ đô Colombo nhằm gây sức ép buộc các quan chức này phải từ nhiệm.
Ông Gotabaya Rajapaksa, năm nay 73 tuổi, được cho là đã rời khỏi nhà trước đó và đã lên kế hoạch sang Dubai.
Với tư cách là tổng thống, ông Gotabaya Rajapaksa được hưởng quyền miễn trừ giam giữ. Ông cũng được cho là muốn rời khỏi đất nước trước khi từ chức để tránh nguy cơ bị bắt giữ, truy tố do để xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại.
Trong khi đó, em út trong gia đình của Tổng thống Gotabaya - Basil Rajapaksa - người vừa từ chức bộ trưởng Tài chính hồi tháng Tư, cũng không thể lên máy bay trong rạng sáng 12/7 để sang Dubai. Ông này cũng bị nhân viên sân bay ngăn không cho xuất cảnh.
Văn phòng Tổng thống Sri Lanka vẫn chưa đưa ra bất cứ thông tin nào về nơi ở hiện tại của ông Gô-ta-bay-a. Tuy nhiên, ông vẫn đang là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang của Sri Lanka và ông vẫn có toàn quyền sử dụng các nguồn lực quân sự theo ý muốn.
Tổng thống Gotabaya Rajapaksa được cho là phải chịu trách nhiệm về những yếu kém trong điều hành nền kinh tế, khiến cho ngân sách không còn đủ dự trữ ngoại tệ để trang trải nhu cầu nhập khẩu hàng hóa thiết yếu. Điều này đã đẩy 22 triệu người dân Sri Lanka vào cảnh khó khăn, túng thiếu chưa từng có.
Hồi tháng Tư, Sri Lanka tuyên bố dừng trách nhiệm trả nợ với khối nợ nước ngoài lên tới 51 tỷ USD và đang có các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF về khả năng cứu trợ.
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 12/7 đã kêu gọi các bên tại Sri Lanka đối thoại để đảm bảo quá trình chuyển giao chính phủ diễn ra trong hòa bình, cũng như tìm ra giải pháp hợp lý cho cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại.
Dự kiến, danh sách các ứng cử viên cho vị trí Tổng thống sẽ được công bố vào ngày 19/7 và cuộc bỏ phiếu bầu chọn sẽ diễn ra sau đó 1 ngày. Lãnh đạo các đảng phái tại Sri Lanka cũng đã đồng ý thành lập một chính phủ gồm đại diện tất cả các đảng, dưới sự điều hành của Tổng thống mới để tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn kinh tế hiện tại.
Tin nổi bật
Tin Video