‘Tôi chọn ướp đông thi thể vợ, chờ ngày cô ấy hồi sinh’
196 độ C, bể nitơ 2.000 lít, vợ của Gui Junmin, Trung Quốc, được bảo quản thi thể bằng phương pháp đông lạnh và chờ ngày sống lại.
Hoàng hôn dần buông xuống thành phố Tế Nam, Trung Quốc. Trong căn nhà nhỏ, bóng dáng của Gui Junmin (53 tuổi) đổ dài. Sau di chứng của ca phẫu thuật đốt sống cổ, chân của Gui khá đau, khiến ông bước tập tễnh, chậm rãi. Theo thói quen, ông đi tới bếp, mở cửa tủ lạnh. Không khí -18 độ C phả vào mặt khiến Gui nhớ tới vợ mình - Zhan Wenlian - đã “đi vắng” gần 4 năm.
Gui chưa bao giờ nói về cái chết mà chỉ cho rằng “bà ấy đang ngủ”. Đây không phải một lời ngụy biện. Bởi bà Zhan đích thực đang “ngủ” trong một bình nitơ lỏng 2.000 lít, ở nhiệt độ -196 độ C. Thời gian dường như ngừng trôi với bà Zhan. Gui chia sẻ: "Tôi chọn ướp đông thi thể của vợ, chờ ngày cô ấy hồi sinh".
Đây không phải bộ phim khoa học viễn tưởng. Trên thế giới, hiện nay, hàng trăm người được bảo quản thi thể bằng phương pháp đông lạnh và chờ ngày sống lại trong tương lai. Zhan Wenlian, vợ của Gui Junmin, là trường hợp đầu tiên ở Trung Quốc.
Quyết định khó khăn
Năm 2015, bà Zhan được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn cuối. Gui không tin vào điều đó. Ông không thể hiểu vì sao người vợ khỏe mạnh, có thể chống đẩy 50 cái trong một lần lại bị ung thư. “Bà ấy chưa từng sống cho mình, luôn quán xuyến hết mọi việc gia đình. Khi mua đồ, bà ấy chỉ nghĩ mua món này món kia cho người khác”, Gui nhớ về vợ.
Trong khu điều trị cho bệnh nhân ung thư, khuôn mặt của mọi người đều mang vẻ ảm đảm. Chỉ riêng bà Zhan mang theo một chiếc chai và nói với mọi người: “Các bạn thấy đấy, tôi bị ung thư nhưng tôi không sao”. Bà bảo các bác sĩ khi nào khỏi bệnh sẽ đến viện để làm tình nguyện viên. Trong mắt Gui, vợ ông luôn yêu đời, ngay cả khi khối u đã di căn. Zhan khao khát sống mãnh liệt.
Tháng 12/2016, các tế bào ung thư di căn lên não. Hóa trị rất đau đớn và Zhan không thể cầm cự. Hai tháng sau, Zhan nguy kịch, trong giây phút cận kề cái chết, bà có di nguyện cuối cùng là hiến tạng. Giây phút vợ ngừng thở, Gui tưởng như gục ngã. Nhưng lời của một bác sĩ đã đánh thức ông: “Tôi nghĩ bà ấy đã làm việc quá sức. Bà ấy muốn nghỉ ngơi".
Trước đó, Gui và vợ đã có một cuộc trò chuyện dài về cái chết. Phương pháp đông lạnh thi thể nhân tạo (Cryonics) khá mới mẻ ở Trung Quốc và trên thế giới. Cuối cùng, dù rất khó khăn, Gui quyết định thử điều này.
Zhan Wenlian là người đầu tiên của Trung Quốc thực hiện phương pháp đông lạnh thi thể. Trong bài phỏng vấn với Chinanews gần đây, Gui tiết lộ một người bạn từng ngăn cản ông làm điều này khi biết tin. Nếu phương án tệ nhất, vợ của Gui không thể “hồi sinh”, ông sẽ hỏa táng thi thể. Vì tình yêu với vợ, ông quyết định mạo hiểm.
Gui bắt đầu thu thập thông tin và tìm hiểu về Cryonics qua các nhân viên y tế. Với phương pháp này, nếu bảo quản cơ thể ai đó trong môi trường nhiệt độ cực thấp, người đó có thể được đánh thức và hồi sinh. Khi đó, căn bệnh mà họ mắc có thể đã tìm ra cách chữa trị.
Sáng sớm ngày 8/5/2017, nhịp thở và tim của Zhan Wenlian ngừng lại. Bác sĩ chăm sóc thông báo bệnh nhân đã tử vong và đội y tế đông lạnh nhanh chóng có mặt. Họ tiêm nhiều hóa chất khác nhau vào cơ thể bà nhằm giảm tốc độ đông máu, tổn thương não.
Sau 55 giờ, Gui được gặp vợ trước khi bà được đưa vào bể nito lỏng. Nhìn lướt qua khuôn mặt vợ, Gui thầm nhủ “thật tuyệt” bởi Zhan dường như chỉ đang ngủ say.
Sống với hy vọng
Sau khi vợ “ấn nút tạm dừng”, Gui Junmin dường như sống cuộc đời khác. Phòng thí nghiệm mà Zhan nằm chỉ cách nhà của Gui khoảng nửa giờ lái xe. Những ngày đầu, Gui thường ghé thăm và hát cho bà nghe bài I Only Care About You của Teresa Teng. Nhưng rồi sau đó tần suất thưa dần bởi “phải hẹn trước, cuối tuần người ta khó mở cửa”. Dù vậy, Gui chưa từng bỏ qua ngày lễ quan trọng với vợ.
Ông chỉ ra ngoài khi có công việc. "Tôi đợi một ngày trôi qua, rồi mở mắt lại ngày mới bắt đầu”, ông nói. Điện thoại di động của Zhan Wenlian vẫn hoạt động, nhiều tài khoản xã hội khác duy trì trạng thái đăng nhập.
Các chuyên gia ở phòng thí nghiệm tiết lộ có thể trong thời gian tới, Gui được nhìn mặt vợ nhờ công nghệ mà họ cải tiến. Đây là tin vui với Gui bởi ông luôn mong muốn nhìn thấy khuôn mặt bà lần nữa.
“Tôi không còn buồn bã nữa”, Gui nói về cuộc sống hiện tại. Gia đình lo lắng cho Gui. Năm ngoái, họ cố gắng cất đi phần lớn di ảnh, điện thoại của bà Zhan. Hàng cây xanh mới được trồng thêm trước cửa sổ của phòng khách. Những thay đổi nhỏ khiến Gui nhận ra bản thân không cô đơn. Ông còn mẹ và em trai. Vì thế Gui không còn nghĩ nhiều về quá khứ và nỗi buồn. Bởi ông còn gia đình để chăm sóc.
Nhưng Gui cũng lo lắng nếu vợ “tỉnh dậy”, ông không biết phải làm gì. Gui chia sẻ quyết định sẽ dành thời gian chăm sóc cho bà, như hơn 30 năm gắn bó Zhan từng lo lắng cho ông. “Chúng tôi cũng đã sống với nhau hơn 30 năm. Nếu một ngày bà ấy tỉnh lại, tôi sẽ luôn ở bên, bù đắp ngày đã qua. Bà ấy sẽ không còn cô đơn”.
Vì vậy, Gui Junmin sắp xếp lại các bức ảnh của vợ, lưu vào máy tính hoặc ổ cứng. Lúc rảnh rỗi, ông viết lại các sự kiện trong năm, những câu chuyện về mình và gia đình. “Sau này gặp lại, anh hy vọng chúng ta vẫn sẽ tiếp tục như thế này và yêu nhau. Mong rằng ký ức này sẽ không bị mất đi vì đóng băng”, ông viết trong một trang nhật ký.
Những ngày quan trọng, Gui thường mơ tới vợ và thấy bà nằm cạnh, trò chuyện. Ông thấy mình thật mê tín nhưng trong tiềm thức, vợ luôn ở bên cạnh.
Mùa đông ở Tế Nam khiến trời tối rất nhanh. Gui theo thói quen mở tủ lạnh, nhìn vào những hình con bướm trang trí trên cửa. Trên đó có dòng chữ của bà Zhan. Ông lấy ra một ít ngô và định nấu cháo. Kể từ khi phát hiện mắc tiểu đường, các bữa ăn của Gui cũng trở nên đơn giản hơn. Nồi cháo bốc khói nghi ngút, va vào cửa sổ và tạo thành giọt nước chảy xuống. Gui nhìn dòng khói hiếm hoi trong nhà, nghĩ ngợi xa xăm.
Hiện nay, thế giới chỉ có 4 cơ sở có thể thực hiện độc lập phương pháp đông lạnh thi thể ở Mỹ (CI, Alcor), Nga (KrioRus) và Trung Quốc (Viện Nghiên cứu Khoa học Đời sống Yinfeng). Về chi phí cấp đông, Trung Quốc chưa có tiêu chuẩn thống nhất. Hầu hết chi phí cho việc đóng băng thi thể của Zhan Wenlian đều đến từ nguồn quỹ của Khoa học Đời sống Yinfeng. Tình nguyện viên đầu tiên trên thế giới bước vào chu trình đông lạnh thi thể là ở Mỹ, vào năm 1967 và đã 54 năm không hồi sinh.
Tin nổi bật
Tin Video