Tin tức

Toát mồ hôi đi chợ online giữa dịch tại TPHCM

Đại diện một số hệ thống bán lẻ cũng như các ứng dụng đi chợ hộ chia sẻ những ngày qua, lượng đơn đặt hàng trực tuyến tăng cao. Không ít người phải học cách đi chợ mạng.

10/07/2021 09:21

Loay hoay đi chợ mạng

Biết tin TPHCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 9/7, ngay chiều 8/7, Hoàng Nguyên định (ngụ quận 1) đến các siêu thị gần nhà để mua thực phẩm. Tuy nhiên, Nguyên nhanh chóng từ bỏ ý định khi chứng kiến cảnh xếp hàng đông đúc tại các siêu thị trên mạng xã hội và báo chí.

Chuyển sang sử dụng dịch vụ đi chợ hộ trên Grab, Nguyên vẫn toát mồ hôi. "Đặt hàng nhiều lần nhưng không có tài xế dù tôi là thành viên hạng Platinum. Siêu thị mà tôi hay đặt hàng lại thông báo đóng cửa trên ứng dụng, tiệm nhỏ lẻ thì ít hàng. Mình cũng chỉ biết thông cảm vì ở đâu cũng quá tải", Nguyên kể lại.

Sau gần một tiếng loay hoay nhưng vẫn không đặt mua được loại rau đang cần trên ứng dụng, Nguyên nhờ một người bạn đang đi siêu thị mua hộ rồi đặt shipper giao hàng từ TP Thủ Đức sang quận 1.

Sống tại chung cư có một trường hợp mắc Covid-19 nên Phương không thể ra ngoài từ trước khi TPHCM giãn cách xã hội. Cửa hàng tiện lợi phía dưới chung cư chỉ cho phép 2 khách vào mua sắm mỗi lượt nên nhiều lần Phương đợi nửa tiếng vẫn chưa đến lượt.

Toát mồ hôi đi chợ online giữa dịch tại TPHCM - Ảnh 1.

Nhiều gian hàng siêu thị trên một ứng dụng đi chợ hộ thông báo đóng cửa ngày 9/7. Ảnh: Nhân Cơ

Lên website mua sắm online của một vài hệ thống siêu thị tại TPHCM, Phương lại nhận thông báo do số lượng đơn hàng tăng cao nên có thể giao chậm hơn vài ngày so với dự kiến. Dù đã đặt hàng nhưng đợi 3-4 ngày sau mới có thể nhận, Phương tranh thủ mua thêm đồ trong nhóm mua bán của cư dân chung cư. "Nhiều người bán từ rau củ, đồ tươi sống đến đồ ăn sẵn không thiếu gì, lại giao nhanh", Phương nói.

Đơn hàng tăng vọt

Đại diện một số hệ thống bán lẻ cũng như các ứng dụng đi chợ hộ chia sẻ những ngày qua, lượng đơn đặt hàng trực tuyến tăng cao. Các doanh nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp điều phối nguồn lực, giao hàng sớm cho khách hàng.

Bách Hóa Xanh cho biết, gần đây họ tiếp nhận 15.000 - 20.000 đơn hàng trực tuyến mỗi ngày, gấp nhiều lần con số 5.000 - 6.000 đơn hàng/ngày thời điểm bình thường. "Thông thường người tiêu dùng có tâm lý tích trữ nên đơn hàng tăng đột biến trong 3-4 ngày đầu, sau đó sẽ ổn định trở lại", đại diện hệ thống này chia sẻ.

Đại diện Lotte Mart cũng chia sẻ số lượng đơn đặt hàng trực tuyến đang ở mức cao, kín lịch giao hàng trong 5 ngày tiếp theo. Doanh nghiệp đang tập trung, điều động nhân lực hỗ trợ kênh trực tuyến, làm việc với nhà cung cấp để triển khai chương trình trợ giá nhu yếu phẩm, điều phối đơn hàng. Ví dụ trường hợp hàng tươi sống chưa có để giao kịp, siêu thị giao trước hàng khô cho khách.

Các ứng dụng như Grab hay Be cũng ghi nhận nhu cầu sử dụng dịch vụ đi chợ hộ tăng đột biến. Riêng hai ngày trước thời điểm TPHCM thực hiện Chỉ thị 16, dịch vụ đi chợ hộ của Be tăng trưởng gấp đôi so với tuần trước.

Phía Grab cũng cho rằng, các gian hàng có thể tạm thời tắt ứng dụng nếu hết hàng hoặc đang quá tải, tránh tình trạng nhận quá nhiều đơn hàng vượt khả năng xử lý và tránh nguy cơ tài xế tập trung đông cùng một thời điểm không đảm bảo giãn cách, không chuẩn bị kịp đơn rồi giao chậm.

Toát mồ hôi đi chợ online giữa dịch tại TPHCM - Ảnh 2.

Đơn hàng đặt mua thực phẩm trực tuyến tăng vọt. Ảnh: Đăng Trường

Ngoài các siêu thị hay ứng dụng đi chợ online, các sàn thương mại điện tử cũng chứng kiến tốc độ tăng vọt các đơn hàng mua sắm thực phẩm. Theo thông tin của Lazada, sức mua ngành hàng thực phẩm tươi sống trên sàn này ngày 7/7 tương đương với cả tháng 7 năm ngoái. Sau 12 giờ, hơn 2 tấn sườn que, thịt gà, 10.000 quả trứng gia cầm đã được bán hết.

Đại diện doanh nghiệp này cho hay đang triển khai nhiều phương án, tăng cường sắp xếp nhân sự giao hàng liên tục 7 ngày trong tuần. Ngoài ra, đơn vị còn đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong việc thiết kế lộ trình di chuyển của shipper để có thể giao được nhiều đơn hàng nhanh nhất, làm việc với đối tác để tiếp tục mở rộng nguồn cung sản phẩm.

Trước nhu cầu mua sắm thực phẩm trực tuyến tăng cao, một sàn thương mại điện tử khác là Sendo cũng nhanh chóng tham gia thị trường với việc bắt đầu cung cấp rau củ quả, trái cây, trứng ngay trong ngày 8/7. Sàn này cho biết kết nối trực tiếp với các hợp tác xã lân cận TPHCM để đảm bảo tốc độ giao hàng nhanh, không bị gián đoạn bởi việc các chợ đầu mối đóng cửa.

Ý kiến của bạn